Đến cao nguyên đá tận mắt chứng kiến cảnh đồng bào gùi từng gùi đất, cheo leo trên vách đá đổ vào từng hốc đá để trồng ngô mới thấy hết được sức vóc của đồng bào nơi đây là vô tận. Mang vác nặng đi trên đồng bằng đã khó, nhưng với đồng bào sống trên đá phải gùi đất nặng leo lên dốc cao, dưới chân là đá tai mèo sắc nhọn có thể đâm nát chân người… Cuộc sống với đá đã rèn cho đôi chân đồng bào nơi đây còn cứng hơn đá. Từ hàng nghìn năm nay, đồng bào Mông đã chọn những đỉnh núi vắt vẻo trên cao làm nơi định cư.
Đặc biệt, ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn khô cằn, hiểm trở, người Mông vẫn định cư và tạo ra một màu xanh tuyệt vời. Với diện tích đa phần là đá tai mèo, cây ngô là cây lương thực chính của bốn huyện vùng cao Hà Giang, nơi đá chen đá, hiếm đất trồng trọt và khô hạn quanh năm. Ngô có giá trị vô cùng quan trọng trong đời sống cũng như phát triển kinh tế của đồng bào vùng cao nơi đây, ngoài làm lương thực, ngô còn dùng cho chăn nuôi, làm mèn mén, bánh ngô hoặc chế biến rượu.
Khi đã có đất có nương rồi, công việc cải tạo để có thể gieo trồng được cũng không kém phần gian nan vất vả. Địa hình phức tạp, nơi đá dày, đá thưa, đá nông, nơi đất sâu, đất mỏng… vì thế để gieo trồng được những hạt giống xuống, là cả sự kỳ công. Anh Vàng Mí Lình, thôn Sáng Ngải, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn chia sẻ: Người dân ở đây chỉ trồng ngô thôi, mùa đông cũng trồng ngô để cho trâu bò ăn; ngoài ra đồng bào ở đây cũng thường trông thêm cây đậu tương, cây bí.
Những năm qua, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn. Đến nay, người dân một số xã đã tích cực chuyển đổi diện tích cây ngô sang phát triển một số cây ăn quả, rau chuyên canh tập trung theo Nghị quyết 19. Dự kiến, toàn huyện sẽ thực hiện trồng mới và bổ sung trên 6.000 cây đào, anh đào dọc tuyến đường quốc lộ 4C, các tuyến đường liên xã tại 12 xã, thị trấn để tạo cảnh quan. Hàng năm duy trì trồng trên 4,5 ha Hướng dương tại 7 xã, thị trấn; 250 ha Tam giác mạch, 200 ha rau tại 19 xã, thị trấn; trồng trên 70 ha rau chuyên canh tại 13 xã, thị trấn.
Trước đây, cây ngô là cây trồng truyền thống của đồng bào. Tuy nhiên, gần đây người dân được hướng dẫn trồng theo hình thức luân canh, xen canh, gối vụ như: Hướng Dương trồng từ tháng 4 đến tháng 6; Tam Giác mạch trồng từ tháng 8 đến tháng 10; rau trồng xen canh cùng Tam giác mạch từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm hoặc trồng luân canh sau vụ trồng tam giác mạch tháng 11. Một số xã đã hỗ trợ chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng hoa Hướng Dương để tạo cảnh quan. Đến nay, toàn huyện đã trồng 4,5 ha tại 6 xã như: Sủng Trái, Lũng Cú, Phố Cáo, Vần Chải... Như vậy, có thể tận dụng tối đa hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Nghĩa Thuận là một xã biên giới của huyện Quản Bạ, nằm cách trung tâm huyện 20 km về phía Bắc. Trong những năm qua, người dân trên địa bàn xã mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hướng đi này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi diện mạo nơi phên dậu của Tổ quốc.
Đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Don Phù Sần, thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ. Nhìn những quả mận Tam hoa mọng, trĩu quả trên cành, đang độ cho thu hoạch mà thấy vui. Ông Sần chia sẻ: "Trồng ngô thu nhập thấp nên tôi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trồng các loại, mận, lê, hồng không hạt, lựu… Do thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc nên vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt. Cây mận chăm sóc tốt chỉ hơn 1 năm là cây đã cho ra quả và sẽ cho thu hoạch mỗi cây khoảng 20 kg, mùa mận năm nay gia đình tôi được khoảng 5 tấn quả, thu về khoảng 50 triệu đồng".
Đã từ lâu đời sống sinh hoạt của bà con vùng Cao nguyên đá Đồng Văn vốn đã vô cùng khó khăn bởi thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở. Cây ăn quả đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và hiện nay xã đang tiếp tục khuyến khích người dân tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây ăn quả. Đã có nhiều hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác của gia đình sang trồng cây ăn quả và bước đầu thu được những kết quả tích cực. Cây lê, hồng không hạt, lựu… là một trong những loại cây trồng góp phần giảm nghèo nơi biên giới của Tổ quốc
Ngắm nhìn vườn cây ăn quả, những vườn hoa Tam giác mạch, hoa Cải, hoa Hướng dương hay những nương ngô xanh ngát và cao ngút tầm mắt như khoác lên mầu áo xanh yên bình cho những dãy núi đá tai mèo hùng vĩ trên mảnh đất Cao nguyên.
Sự cần mẫn của bà con mang trên lưng từng gùi đất để tạo nguồn sống cho cây ngô. Sự chăm chỉ và kiên trì, thấm đẫm những giọt mồ hôi của bà con nơi đây đã được bù đắp bởi sự tốt tươi, vươn mình khỏe mạnh của những nương ngô, những vườn cây trĩu quả kiên cường đứng vững trên từng vách núi như chính người dân nơi biên cương mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn khắc nghiệt và luôn nở trên môi nụ cười hiền hậu và rất đỗi chân thành.