Xây dựng nông thôn mới ở Nam Trà My: Nông dân miền núi thoát nghèo từ loại cây "quốc bảo"

Trương Hồng Thứ ba, ngày 15/08/2023 19:01 PM (GMT+7)
Nam Trà My tiếp tục quán triệt và tuyên truyền nâng cao nhận thức đến tất cả cán bộ, đảng viên, các tổ chức, đơn vị và toàn thể nhân dân, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, “có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”.
Bình luận 0

Chọn cây dược liệu làm cây xóa đói giảm nghèo

Chia sẻ với Dân Việt, ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của Nam Trà My trong 12 năm qua đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được xây dựng, nâng cấp, mở rộng tạo thuận lợi đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, kích thích sản xuất phát triển.

Các công trình giao thông, kênh mương thủy lợi được đầu tư tăng diện tích, người dân có điều kiện thâm canh tăng năng suất cây trồng, công trình nước sinh hoạt được đầu tư phục vụ đảm bảo cho nhân dân sinh hoạt.

Thủ phủ sâm Ngọc Linh xây dựng nông thôn mới hướng đến chất lượng - Ảnh 1.

Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My nhìn từ trên cao. Ảnh: Web NTM

Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư đáp ứng ngày một tốt hơn công tác dạy và học, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa thể thao của người dân. Cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng được quan tâm bảo vệ. Đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, số hộ khá, giàu tăng lên đáng kể".

Thủ phủ sâm Ngọc Linh xây dựng nông thôn mới hướng đến chất lượng - Ảnh 2.

Những vườn dược liệu là sâm Ngọc Linh giống ở Nam Trà My. Ảnh: CTV

Theo ông Dũng, đối với Nam Trà My có lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu để trồng và phát triển các loại cây dược liệu, trong thời gian qua huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển các loại cây dược liệu.

Cùng với sâm Ngọc Linh, quế Trà My cũng là loại cây dược liệu quý ưu tiên phát triển. Để giữ nguồn gen quý này, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, huyện đã cấp hàng triệu cây quế để nhân dân trồng.

Hiện nay quế được trồng ở 10/10 xã, với diện tích hiện có trên 7.000ha; định hướng của huyện đến năm 2025 sẽ trồng phủ kín trên 10.000 ha quế; từng bước hình thành nên các vùng quế chuyên canh, tạo vùng nguyên liệu. Ngoài ra, từ các chương trình, dự án đã hỗ trợ nhân dân phát triển các loại cây dược liệu như đảng sâm, giảo cổ lam, lan kim tuyến, khổ qua rừng, thất diệp nhất chi hoa,…

Thủ phủ sâm Ngọc Linh xây dựng nông thôn mới hướng đến chất lượng - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng (áo trắng) trao sâm Ngọc Linh giống cho người dân. Ảnh: NTM

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My nhấn mạnh, từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay huyện đã có nền tảng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp - thủy sản; giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng khá, đạt trên 560 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người gần 35 triệu đồng/năm, tăng gần 11 lần so với năm 2003...

Nâng tầm sản phẩm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia

Riêng đối với cây dược liệu, tận dụng lợi thế sẵn có, huyện Nam Trà My đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung phát triển cây dược liệu như quế Trà My, đảng sâm, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến…, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh.

Hiện nay, sâm Ngọc Linh đã trở thành niềm tự hào của huyện Nam Trà My, là sản phẩm quốc gia theo quyết định số 787/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ ký ngày 5/6/2017.

Thủ phủ sâm Ngọc Linh xây dựng nông thôn mới hướng đến chất lượng - Ảnh 4.

Trại sâm Ngọc Linh giống của tỉnh Quảng Nam ở Nam Trà My. Ảnh: NTM

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có trên 2.000 hộ tham gia trồng và phát triển cây dược liệu, với diện tích trên 400 ha các loại, trong đó diện tích và số hộ trồng sâm tăng đáng kể.

Năm 2014 số hộ trồng sâm Ngọc Linh chỉ vào khoảng 110 hộ với 65ha thì đến nay đã hình thành nên 93 chốt trồng sâm, với hơn 1.500 hộ dân và trên 1.650ha đã đăng ký trồng sâm Ngọc Linh.

Huyện cũng đã tập trung chỉ đạo phát triển 7 xã thuộc vùng quy hoạch và đã thu hút được 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm và dược liệu dưới tán rừng. Để đảm bảo nguồn giống cung ứng cho nhân dân, huyện cũng đã thành lập trại ươm dược liệu tại xã Trà Nam; vườn giống sâm nam tại Trà Linh.

Thủ phủ sâm Ngọc Linh xây dựng nông thôn mới hướng đến chất lượng - Ảnh 5.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường trong một lần kiểm tra vườn sâm Ngọc Linh giống. Ảnh: NTM

"Mục tiêu, định hướng lớn để đưa cây sâm Ngọc Linh phát triển hơn nữa trong giai đoạn đến 2030 và những năm tiếp theo đó là tăng cường xúc tiến, kêu gọi và thu hút doanh nghiệp, HTX trong việc xây dựng các cơ sở sản xuất giống; gắn việc sản xuất, cung ứng giống với tiêu thụ, chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để người dân đăng ký lập hồ sơ xác định nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh và sử dụng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Tạo cơ sở quan trọng cho việc quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì, hợp tác và phát huy các nguồn lực hiện có cho việc nghiên cứu, ứng dụng phát triển cây Sâm Ngọc Linh; đồng thời xây dựng các chương trình hợp tác trong và ngoài nước để thu hút các nguồn lực, chuyên gia hướng vào mục tiêu ưu tiên là, phát triển bền vững vùng trồng sâm, bảo về môi trường rừng, cải thiện sinh kế cho người dân, phát huy bản sắc văn hóa bản địa", ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết.

Thủ phủ sâm Ngọc Linh xây dựng nông thôn mới hướng đến chất lượng - Ảnh 6.

Nam Trà My chọn cây sâm Ngọc Linh làm cây xóa đói giảm nghèo cho người dân và nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Quốc gia. Ảnh: NTM

Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My chia sẻ thêm: "Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo.

Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, với khoảng hơn 3 triệu cây; giá cả cây sâm Ngọc Linh dần ổn định; các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Người trồng sâm đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng".

Thủ phủ sâm Ngọc Linh xây dựng nông thôn mới hướng đến chất lượng - Ảnh 7.

Thủ phủ sâm Ngọc Linh xây dựng nông thôn mới hướng đến chất lượng - Ảnh 8.

Những chùm hạt sâm Ngọc Linh giống được người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: NTM

Ông Trần Duy Dũng cho biết thêm, qua 5 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, sự triển khai xây dựng, củng cố kiện toàn từ huyện đến xã, huyện Nam Trà My bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Tính đến nay, toàn huyện có 22 sản phẩm đạt chất lượng 3 - 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao, 21 sản phẩm 3 sao.

"Sản phẩm đạt chất lượng OCOP năm sau luôn nhiều hơn năm trước và chất lượng ngày càng cao, nếu tính năm đầu tiên triển khai chương trình chỉ có 2 sản phẩm đạt 3 sao thì những năm gần đây, trung bình mỗi năm có thêm 5-7 sản phẩm mới đạt sao. Đặc biệt, năm 2021 đã có sản phẩm đạt 4 sao.

Hầu hết các sản phẩm OCOP đều gắn với các loại dược liệu quý đang được bảo tồn và phát triển trên địa bàn huyện và các sản phẩm OCOP từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến sản xuất, đạt chất lượng cao, có mẫu mã bắt mắt, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng người tiêu dùng", ông Dũng nói.

Xây dựng nông thôn mới ở Nam Trà My: Nông dân miền núi thoát nghèo từ loại cây "quốc bảo" - Ảnh 9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem