Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình: Nông dân là nòng cốt phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình: Nông dân là nòng cốt phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Hồng Cẩm
Thứ ba, ngày 15/08/2023 07:00 AM (GMT+7)
Ông Đỗ Thanh Bình – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang vừa gửi Thư chúc mừng gửi đến cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Kiên Giang trước thềm Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (sẽ diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/8 tới).
Trong Thư chúc mừng, ông Đỗ Thanh Bình – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang đánh giá: Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà.
Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá và tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm được an ninh lương thực góp phần quan trọng cho xuất khẩu hàng hóa.
Công tác Hội và phong trào nông dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp Hội đã thực hiện tốt vai trò là "Trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới". Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người nông dân được nâng lên đáng kể.
Thay mặt Đảng bộ tỉnh, tôi ghi nhận những đóng góp quan trọng của các cấp Hội, hội viên, nông dân trong tỉnh và nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng, nỗ lực vượt khó đi lên.
Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, với tinh thần "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển", các cấp Hội Nông dân và cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh nhà ra sức thi đua, lao động, sản xuất; ứng dụng công nghệ cao, nông hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp sạch vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao đáp ứng tốt yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; làm thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp".
Phấn đấu "Duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng ĐBSCL và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030" theo Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị.
Với niềm tin sâu sát của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tôi tin tưởng và kỳ vọng với tinh thần và khí thế mới, toàn thể cán bộ Hội, hội viên, nông dân sẽ phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.
Nông dân góp phần chính đưa sản lượng lúa Kiên Giang dẫn đầu cả nước
Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, với diện tích tự nhiên là 6.348,53 km2; có bờ biển dài gần 200km và 143 hòn đảo lớn nhỏ; dân số hiện có hơn 1,8 triệu người, trong đó 66,7% ở nông thôn.
Trong 5 năm qua, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển, có nhiều khởi sắc. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, sản phẩm nông nghiệp được đa dạng hoá, chất lượng cao, duy trì tăng trưởng ở mức khá và tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm được an ninh lương thực đồng thời góp phần quan trọng cho xuất khẩu.
Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, chuyển dần từ coi trọng sản lượng sang tăng giá trị sử dụng giống mới, chất lượng cao, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế.
Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,43%, chiếm 38,27% GRDP; sản lượng lúa đạt trên 4,4 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao đạt trên 96% tiếp tục dẫn đầu cả nước…
Đời sống vật chất tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, thu nhập của nông dân tăng dần từng năm, đến năm 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/năm…
Hoàn thành đạt vượt 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết
Theo ông Đỗ Trần Thịnh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2018 – 2023 trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, chiến sự Ukraina – Nga...
Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, toàn diện của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự hỗ trợ tạo điều kiện của UBND các cấp; sự gắn kết phối hợp tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, các ngành trong tỉnh công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh nhiệm kỳ qua đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Cuối nhiệm kỳ có 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, ý thức pháp luật cho hội viên, nông dân được đẩy mạnh; nhận thức về giai cấp và ý thức xây dựng giai cấp của nông dân ngày càng được nâng lên. Kết quả hàng năm, có 100% cán bộ, 85% hội viên, nông dân tiếp thu, đạt 100% Nghị quyết.
Công tác phát triển hội viên đảm bảo yêu cầu, chất lượng hội viên có chuyển biến nâng lên, nội dung, hình thức sinh hoạt của chi, tổ hội có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hướng vào nhu cầu, lợi ích của hội viên. Trong nhiệm kỳ kết nạp được 70.000 hội viên mới, đạt 100% Nghị quyết, nâng tổng số hội viên hiện có toàn tỉnh là 186.296 hội viên, chiếm 81,2% hộ nông nghiệp.
Các phong trào thi đua do Hội phát động thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của hội viên, nông dân, tạo động lực cho hội viên, nông dân tích cực tham gia sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Trong đó phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi thu hút ngày càng đông hội viên, nông dân tham gia. Trong nhiệm kỳ, có 642.077 lượt hộ đăng ký, bình quân mỗi năm có 70.076 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 100% Nghị quyết.
Từ phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều hộ nông dân giỏi có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn, vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, có mức thu nhập cao, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ, giúp đỡ 2.184 hộ nông dân thoát nghèo, vượt 118% Nghị quyết.
Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân tiếp tục được tăng cường; nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt 50,420 tỷ đồng, tăng 19,120 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, đạt 100% nghị quyết.
Từ nguồn vốn trên đã hỗ trợ cho 4.529 lượt hộ vay vốn thông qua 672 mô hình, dự án, qua đó đã tuyên truyền, vận động nông dân liên kết, hợp tác, xây dựng 42 dự án HTX, 50 dự án THT, 23 dự án Chi HND nghề nghiệp, 21 dự án Tổ HND nghề nghiệp…
Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
Theo ông Đỗ Trần Thịnh, từ các phong trào hoạt động hiệu quả trên đã thu hút hội viên nông dân tự nguyện tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đến nay phong trào xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang có sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia với tinh thần trách nhiệm ngày càng cao, góp phần chuyển biến tích cực bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cư dân.
Trong nhiệm kỳ hội viên, nông dân toàn tỉnh đã hiến 92ha đất xây dựng hạ tầng; đóng góp kinh phí và ngày công lao động; tham gia sửa chữa, nâng cấp 371km đường giao thông; sửa chữa, cất mới 319 nhà ở cho hội viên, nông dân khó khăn; xây dựng hàng rào xanh, 43 tuyến đường hoa, tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn. Tính đến cuối năm 2022 có 93,5% nông dân tham gia BHYT tự nguyện (tăng 3,5% so với đầu nhiệm kỳ), 96% hộ nông dân đạt chuẩn gia đình văn hóa (tăng 2% so với đầu nhiệm kỳ).
Hội viên, nông dân ngày càng chủ động tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm, tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, đổi mới phương thức sản xuất, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế tập thể. Từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 4,14% năm 2018 xuống 1,90% năm 2022.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên giang cũng cho biết thêm, nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện đã tăng cường vận động các nguồn lực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng và giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội địa phương.
Đó là xây mới 5 cầu bê tông, cất mới 10 căn nhà "Mái ấm nông dân", 10km đường "Thắp sáng nông thôn", 3 cụm pa nô tuyên truyền nông thôn mới, tổ chức 2 đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí, hỗ trợ xây dựng 1 bếp ăn từ thiện cho Trung tâm Y tế huyện; đồng thời vận động tặng 428 phần quà, 397 học bổng cho con em nông dân, 2.621 phần quà cho gia đình chính sách, nông dân khó khăn,… tổng kinh phí thực hiện trên 4 tỷ đồng.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 108/116 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt nhiều kết quả tích cực, hiện nay có 176 sản phẩm đã được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.