Với vẻ ngoài bình dị, đậm chất nông dân khoác trên mình một chiếc áo sơ mi đã sờn vai, cùng chiếc nón kết bạc màu theo năm tháng, ông Cao Văn Hùng (ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) bẻ vội nhánh thanh nhãn sai trĩu quả mời chúng tôi dùng thử.
Dù còn hơn nửa tháng mới bắt đầu thu hoạch nhưng trái thanh nhãn đã có vị ngọt nhẹ, trái lớn, hạt nhỏ, cơm dày, cây nào cũng quằn trái.
CLIP: Ông Cao Văn Hùng - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 của tỉnh Đồng Tháp nói về mô hình trồng mít Thái và trồng thanh nhãn. Video: Mai Anh.
Lao vội mồ hôi, ông Hùng bộc bạch: "Ban đầu, tôi thấy cây thanh nhãn có giá trị cao nên quyết định trồng thử 150 gốc trên diện tích 5 công đất (5.000m2). Năm nay cũng đã là lần thu hoạch thứ 2, thấy vụ này thanh nhãn trúng mùa, năng suất ước đạt 1 tấn trái/công, với giá bán trên 40.000 đồng/kg như hiện nay thì năm nay tôi cũng như bà con phấn khởi dữ lắm".
Khi mới lập nghiệp, gia đình ông Hùng gặp nhiều khó khăn. Thời điểm đó, ngày nào vợ chồng ông cũng làm bạn với chiếc xe máy cà tàng để mua bán cá tôm. Sau nhiều năm chí thú làm ăn, tích góp, ông Hùng đã mua đất rồi lập vườn. Nhận thấy cây thanh nhãn cho giá trị kinh tế cao, thời điểm đó tại địa phương lại ít người trồng nên ông quyết định trồng thử.
Cây thanh nhãn đặc biệt thích hợp thổ nhưỡng của vùng đất Phong Hòa ven dòng sông Hậu. Tại vườn ông Hùng, thanh nhãn được trồng trên gốc ghép nhãn lá bầu, sau khi trồng 5 năm cây đã cho trái. "Cây dễ trồng, ít sâu bệnh, lại cho năng suất cao.
Một năm thanh nhãn cho trái một vụ vào thời điểm tháng tháng 7-8 âm lịch. Với loại cây này, tôi chẳng lo ngại về đầu ra, giá bán lúc nào cũng trên 35.000 đồng/kg, trong khi chi phí để cho ra 1 kg nhãn thương phẩm chỉ từ 5.000-6.000 đồng/kg. Ước tính 1.000 m2 đạt 1 tấn trái" - ông Hùng cho biết thêm.
Bên cạnh vườn thanh nhãn cho nguồn thu ổn định hằng năm, ông Hùng còn được bà con nơi đây gọi vui là "đại gia" mít Thái tại vùng quê này. Sở hữu 2.000 gốc mít Thái đang cho trái, chỉ tính riêng năm 2022, số lượng mít Thái mà lão nông này cung ứng ra thị trường hơn 40 tấn/năm.
Ông Hùng nói: "Hồi xưa mảnh đất trồng mít Thái này là tôi trồng lúa, do nó trũng và phèn trồng lúa năm nào cũng lỗ vốn. Năm 2019, thấy cây mít Thái dễ trồng lại nhẹ chi phí đầu tư, nhanh hoàn vốn nên tôi mạnh dạn chuyển đổi trên diện tích đất 2,2 ha.
Dù giá mít có phần không ổn định, có lúc đỉnh điểm trên 45.000 đồng/kg, lại có lúc lao dốc chỉ còn vài ngàn đồng mỗi kg, nhưng bình quân cũng nằm ở mức 20.000 đồng, thấy vậy chứ vẫn sống khỏe với cây mít Thái".
Đang tất bật chăm chút những gốc mít Thái để chuẩn bị xử lý trái cho đợt kế tiếp, lão nông này bật mí, cây mít Thái cho trái quanh năm, nhưng ông chỉ cho trái từ tháng 5 âm lịch hằng năm. Thời gian còn lại, ông tập trung chăm sóc, dưỡng cây.
"Đầu tháng 5 âm lịch, tôi sẽ tiến hành xịt thuốc kích thích ra hoa, đậu trái. 3 tháng sau, sẽ bắt đầu thu hoạch liên tục cho đến đầu tháng 2 năm sau. Mỗi 1 tháng sẽ thu hoạch từ 2-4 lần trái, mỗi lần 2-2,5 tấn (bán xô). Với quy trình như thế, mỗi năm, tôi thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng" - ông Hùng nói.
Hiện nay, ngoài thời gian làm vườn, ông Hùng còn tranh thủ lướt báo và xem mạng xã hội để cập nhật thông tin về giá cả thị trường và kỹ thuật trồng cây mít Thái, cây thanh nhãn. Đây cũng là thói quen đều đặn mà ông duy trì kể từ khi lập vườn gần chục năm qua.
Tay ngang lập vườn, thuở ban đầu ông Hùng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý cây ra hoa, đậu trái… hay làm sao để cây đạt năng suất vượt trội. "Học hỏi kinh nghiệm từ thực tế thôi là chưa đủ, nhiều khi đi thăm vườn thấy cây mít Thái hay cây thanh nhãn có dấu hiệu lạ trước giờ mình chưa gặp, mình lên báo và mạng xã hội, tìm thông tin để tham khảo rồi từ đó có hướng xử lý kịp thời. Đây là thông tin bổ ích, lại cho hiệu quả cao, vô cùng tiện lợi" - ông Hùng nói.
Nông dân gặt, chẳng quen dùng công nghệ nhưng với ông Hùng chiếc điện thoại thông minh giờ đây đã trở thành người bạn đồng hành. Nhiều bà con làm vườn lân cận còn nói vui, muốn biết giá mít Thái bao nhiêu, giá nhãn lên hay xuống cứ hỏi ông Hùng sẽ biết hết, nếu đợi thương lái vào vườn thì quá trễ.
Ông Hùng cười tươi cho biết: "Mình xuất phát điểm thấp, lập nghiệp sau nên mình phải chịu khó gấp 2-3 lần, có như vậy mới không bị thụt lùi. Tôi cũng kỳ vọng những loại nông sản Việt Nam mình không chỉ riêng mít Thái hay cây thanh nhãn sẽ tìm được đầu ra ổn định, xa hơn là chinh phục thị trường quốc tế. Có như vậy, bà con nông dân mình mới sống khỏe".
Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu, mới đây, ông Cao Văn Hùng ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.