Đưa 5 tàu lớn đi đánh bắt cá to ở đại dương, đảo lớn ngoài biển Đông, một người Ninh Thuận là tỷ phú
Một ông Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 xưa đi làm thuê, nay là ông chủ 5 tàu cá “khủng” ở Ninh Thuận
Đức Cường
Thứ hai, ngày 14/08/2023 18:56 PM (GMT+7)
Từ nghề lái tàu thuê, đến nay ngư dân Trần Công Thắng, khu phố 4, phường Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã có 5 tàu cá lớn đánh bắt xa bờ, thu nhập mỗi năm trên dưới 2 tỷ đồng. Ông Trần Công Thắng là 1 trong 100 gương mặt nhà nông tiêu biểu nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.
Một ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi về làng biển Đông Hải ở TP. Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) để tìm gặp ông Trần Công Thắng. Vừa tới đầu làng, hỏi thăm nhà ông Thắng, ai cũng biết, bởi ông là ngư dân nổi tiếng với đội tàu "khủng" ở vùng biển này.
Từ lái tàu thuê thành ông chủ
Biết chúng tôi đến, ông Trần Công Thắng (59 tuổi), liền rót nước mời trà. Ngồi giữa căn nhà 2 tầng khang trang ở trung tâm phường Đông Hải, ông Thắng cho hay, đây là cơ ngơi gần 40 năm ông và gia đình vươn khơi bám biển.
Ông Trần Công Thắng, ngư dân khu phố 4, phường Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) hiện sở hữu 5 tàu lớn chuyên đánh bắt hải sản xa bờ. Ông Trâng Công Thắng là một trong 100 gương mặt nhà nông tiêu biểu được Hội đồng Chung khảo bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023". Ảnh: Đức Cường.
Kể về nghiệp biển của mình, ông Thắng cho biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ Tổ quốc năm 1986, ông trở về làng biển Đông Hải và khởi nghiệp nghề biển từ những năm 1987. Thời điểm đó, ông là tài công lái tàu thuê cho Hợp tác xã nghề cá ở Đông Hải.
"Lái tàu thuê được 2 năm, Hợp tác xã giải thể nên tôi vay vốn ngân hàng mua lại tàu cá 30 CV để hiện thực hóa giấc mơ lái con tàu "chính chủ" của mình ra khơi…", ông Thắng nhớ lại.
Với con tàu nhỏ có được, ông xuôi ngược khắp vùng biển Đông Hải để đánh bắt hải sản gần bờ. Hai năm sau, ông bán tàu cũ để đóng tàu mới công suất 75CV nhằm mở rộng vùng đánh bắt.
Khoảng năm 2011, từ chính sách khuyến khích của địa phương nhằm phát huy lợi thế của vùng ven biển. Ông tiếp tục đầu tư hơn 4 tỷ đồng để hạ thủy 2 con tàu lớn, mỗi chiếc 330 CV để đánh bắt khơi xa.
"Thời điểm đó, nguồn lợi hải sản dồi dào, nên đánh đâu được đó. Mỗi chuyến ra khơi đều đặn cũng thu về 50 – 100 triệu đồng nên cứ vài năm tôi lại sắm tàu mới…", ông Thắng kể.
Năm 2014, hưởng lợi từ chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngư dân Trần Công Thắng mạnh dạn bán tàu cũ để vay vốn đóng mới 2 con tàu vỏ composite trị giá hơn 15 tỷ đồng.
Trong đó, có tàu NT 91250 công suất 829 CV đóng theo Nghị định 67 và một tàu khác số hiệu NT 02061 công suất 823 CV.
"Thời điểm đó, đây là đôi tàu "khủng" nhất ở làng biển Đông Hải, mỗi lần ra khơi khai thác trên dưới 20 tấn cá các loại…" ông Thắng nhớ lại.
Thuyền ra khơi thuận buồm xuôi gió, thu nhập có được từ nghề biển ông tiếp tục đầu tư sắm mới tàu thuyền để vươn khơi đánh bắt. Đến nay, "bộ sưu tập" tàu cá của ngư dân Trần Công Thắng có tới 5 chiếc với tổng công suất gần 4.000 CV. Tất cả các tàu đều vỏ composite, khai thác nghề lưới rê trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK1…
CLIP: Ngư dân Trần Công Thắng và bạn nghề ở làng biển Đông Hải, phường Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận). T/h: Đức Cường
Thu tiền tỷ sau mỗi chuyến vươn khơi
Trò chuyện hồi lâu, ngư dân Trần Công Thắng dẫn chúng tôi ra cảng cá Đông Hải cách nhà khoảng 1km để mục sở thị tàu cá "khủng" của gia đình. Cảng Đông Hải được xem là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất ở tỉnh Ninh Thuận. Mỗi ngày, có hàng chục tàu cá lớn nhỏ ra vào để bán hải sản và tiếp thêm nhu yếu phẩm.
Chỉ tay về đôi tàu cá số hiệu NT 91250, công suất 829CV và tàu NT 02061 công suất 823 CV đang neo tại cảng. Ông Thắng cho hay, đôi tàu này vừa trở về từ ngư trường biển Trường Sa.
Theo ông Thắng, để đánh bắt hiệu quả, mỗi tàu cá của ông đều trang bị đầy đủ các loại máy dò hiện đại, hệ thống đèn và ngư lưới cụ. Đặc biệt, trên mỗi tàu đều có lắp thiết bị giám sát hành trình để theo dõi tàu cá.
"Dù có máy móc hỗ trợ nhưng đánh được cá hay không còn dựa vào may mắn và kinh nghiệm của thuyền trưởng. Một ngư dân giỏi phải nắm được kỹ thuật nước gió, lưới chài và sử dụng thành thạo trang thiết bị để đoán bắt luồng cá. Cá di chuyển hướng nào thì mình bám sát theo ngư trường đó…", ông Thắng bộc bạch.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay vật giá leo thang nên chi phí mỗi chuyến biển khơi xa phải bỏ vốn hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu may mắn trúng luồng cá lớn thì số tiền kể trên chỉ là chuyện nhỏ.
"Ví như chuyến biển mới nhất vào cuối tháng 7 vừa qua, tàu cá NT 91317 của tôi cập cảng mang theo hơn 25 tấn cá nục, cá ngừ…bán được hơn 1 tỷ đồng…", ông Thắng khoe.
Hiện mỗi chuyến vươn khơi kéo dài 23 ngày, trung bình mỗi tàu cá của gia đình ông Thắng đánh bắt được từ 15 - 20 tấn cá. Với giá bán khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg như hiện nay thì ngư dân ai nấy đều phấn khởi. Riêng ông Thắng, với 5 chiếc tàu đều đặn vươn khơi đã đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình trên dưới 2 tỷ đồng/năm.
Ngoài chuyện làm giàu, hình ảnh ông Trần Công Thắng ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ bạn nghề không còn là chuyện hiếm ở làng biển Đông Hải.
Trong 12 hộ ngư dân mà ông hỗ trợ vốn (15 triệu/hộ) mua sắm ngư lưới cụ, đến nay đã có 5 hộ vươn lên thoát nghèo, 1 hộ đã vươn lên làm giàu. Tạo việc làm cho 45 lao động nghề biển với thu nhập ổn định từ 8 – 13 triệu đồng/tháng.
Tổ đoàn kết bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
Gần 40 năm theo nghề với biết bao thăng trầm, nước da rám nắng nhưng ngư dân Trần Công Thắng vẫn một lòng giữ tình yêu với biển. Tình yêu đó được ông truyền cảm hứng cho các lớp thuyền viên trẻ.
Ông Thắng cho biết, gia đình ông có 6 người con nhưng hơn phân nửa đã theo nghiệp của ông vươn khơi và đang làm thuyền trưởng của các tàu cá của gia đình.
Theo ông thắng, tùy theo thời tiết mà mỗi năm sẽ vươn khơi 10 – 12 chuyến biển. Toàn bộ 5 tàu của gia đình thường vươn khơi cùng lúc để hỗ trợ lẫn nhau. Việc này đã tạo thành 1 tổ đoàn kết khai thác trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
"Giờ tôi lớn tuổi ít ra khơi, nên thuê người khác làm. Tôi lui về bờ để hỗ trợ thông tin thời tiết cho đội tàu trên biển. Không ra khơi, nhưng mỗi ngày tôi không ra cảng được 2 lần là không chịu được, là thói quen rồi…", ông Thắng nói.
Hiện 4/5 con tàu của gia đình ông Thắng đều tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo theo Nghị định 30 và 130 của Chính Phủ. "Với tôi, tàu là nhà, biển cả là quê hương nên mỗi con tàu vươn khơi luôn là một cột mốc sống để khẳng định chủ quyền biển Việt Nam…" ông Thắng khẳng định.
Ông Đặng Phú Khánh, Chủ tịch UBND phường Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) cho biết, không những làm kinh tế giỏi mà ông Trần Công Thắng còn tích cực hoạt động xã hội tại địa phương. Ngoài việc đóng góp làm đường giao thông, ông cũng là đại diện có uy tín trong vận động ngư dân đánh bắt theo quy định pháp luật.
"Đội tàu cá của ông Thắng tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa Phương. Ngoài ra, đội tàu này cũng là đội chủ lực khi địa phương có yêu cầu tham gia diễn tập và cứu hộ cứu nạn trên biển…", ông Khánh cho hay.
Theo ông Lê Đình Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận), với những thành tích đạt được, ngư dân Trần Công Thắng nhiều năm liền được UBND phường, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và tỉnh Ninh Thuận tặng giấy khen; Bằng khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2020, ông là hội viên, nông dân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm ( 2015-2019) của tỉnh Ninh Thuận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.