Tỷ phú trồng thanh long xuất khẩu ở Bình Thuận có cánh đồng thẳng cánh cò bay, đẹp như phim
Tỷ phú thanh long VietGAP ở Bình Thuận có cánh đồng thẳng cánh cò bay là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023
Bùi Phụ
Thứ sáu, ngày 18/08/2023 05:24 AM (GMT+7)
Theo chân đoàn cán bộ của Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, chúng tôi đến cánh đồng thẳng cánh cò bay trồng thanh long VietGAP của gia đình anh nông dân Đinh Xuân Đào. Trồng thanh long, sơ chế, xuất khẩu thanh long đã mang về cho anh Đào lợi nhuận hơn 1 tỷ/năm và được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Đi ô tô thăm cánh đồng trồng thanh long thẳng cánh cò bay
Dù nghe nói trước nhiều, nhưng chúng tôi không khỏi "choáng ngợp" với cơ ngơi trồng, sản xuất, đóng gói thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, rất quy mô của gia đình anh nông dân Đinh Xuân Đào ở dưới chân núi Tà Zôn thuộc địa bàn bàn xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc( Bình Thuận).
Khi chúng tôi đến, cũng là lúc xe bồn chở bê tông tươi đến đổ để các thợ hồ thi công nâng cấp, mở rộng thêm nhà xưởng chứa thanh long của gia đình ông Đinh Xuân Đào.
Tận tay hái trái dừa tươi ở vườn nhà mới khách đến thăm, nông dân Đinh Xuân Đào giới thiệu: "Dừa nhà trồng ngọt lắm, mời quý anh uống vào để có sức cùng tôi đi dạo vườn thanh long…".
Quả thật, dừa tươi vườn nhà anh Đào ngọt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, ngọt hơn những vùng dừa nổi tiếng khác.
Theo lời anh Đào, trời phú cho vùng đất này trồng cây gì cũng tốt nhưng tốt nhất là thanh long, dừa, đủ đủ… Thấy khách uống nước dừa xong, anh Đào mời chúng tôi lên ô tô đợi sẵn trước nhà để cùng anh tham quan vườn thanh long theo tiêu chuẩn VietGap của gia đình.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Ủa, sao không đi bộ cho tiện mà phải đi ô tô vậy anh?
"Anh nhà báo mà đi bộ thì mất hết cả ngày, mỏi cả cặp giò vẫn chưa giáp được khu vườn thanh long của gia đình tôi. Chỉ có đi ô tô mới khám phá hết được…", anh Đào vui giọng.
Quả thật, mất gần 30 phút ngồi trên ô tô, chúng tôi mới xuyên qua được hết những trục đường chính của khu vườn thanh long rộng hơn 34 ha của gia đình nông dân Đinh Xuân Đào tạo dựng.
Theo quan sát của chúng tôi, anh Đào thiết kế hệ thống giao thông theo kiểu bàn cờ trên khu đất rộng hơn 34 ha này, nên thuận tiện cho cả xe tải nhỏ, xe công nông chạy vào tận nơi vận chuyển thanh long.
Xen kẻ vào đó anh Đinh Xuân Đào cho đào, xây dựng những hồ nuôi cá. Xung quanh những hồ nuôi cá là những hàng rào lưới B40, bên ngoài hàng rào anh Đào cho trồng những loại cây như khổ qua, bí xanh…
"Hệ thống giao thông nội bộ này giúp chúng tôi vận chuyển thanh long từ vườn ra nơi đóng gói nhanh hơn trước rất nhiều lần, ngược lại cũng vận chuyển vật tư đầu vào rất tiện, giảm chi phí công nhân.
Cá nuôi ở hồ, rau sạch trồng bên ngoài nhằm làm thực phẩm thay đổi khẩu vị hàng ngày cho anh chị em công nhân và cho cả gia đình tôi. Điều quan trọng nhất là chính những hồ nuôi cá này đã góp phần làm cho khí hậu mát mẻ, môi trường được xanh tươi hơn…", anh Đinh Xuân Đào chia sẻ.
Chúng tôi rất ấn tượng với hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt, phun sương của vườn thanh long giá đình anh Đào.
Anh Đào cho biết, nước lấy từ hệ thống giếng khoan trong vườn, sau đó bơm vào gần chục hồ chứa khắp nơi trong vườn. Chỉ cần 2 công nhân điều khiển nước sẽ tưới cho cả khu vực vườn thanh long rộng lớn hơn 34ha.
Clip: Trang trại bao la trồng thanh long, sơ chế, đóng gói, xuất khẩu trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình nông dân Đinh Xuân Đào, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Ông Đinh Xuân Đào được Hội đồng Chung khảo bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023. Thực hiện: Bùi Phụ
Tỷ phú nông dân trồng trái đặc sản
Dẫn chúng tôi xem những ngôi nhà nhỏ nhưng được xây dựng sạch đẹp nằm giữa vườn thanh long rộng lớn, anh Đào giới thiệu đây là nơi nghỉ của những anh chị em công nhân.
Trong những ngôi nhà này có đủ các vật dụng cần thiết phục vụ cho đời sống như tủ lạnh, hệ thống nhà bếp, ti vi cho anh chị em công nhân giải trí…
Anh Đinh Xuân Đào cho biết, để có cơ ngơi như hôm nay, hơn chục năm trước vợ chồng anh rất vất vả khi lập nghiệp trên vùng đất này. Hồi ấy, giá đình anh chỉ biết trồng thanh long bán cho doanh nghiệp khác xuất khẩu.
"Nhờ đất lành chim đậu" nên vợ chồng anh tích lũy vốn từ trái thanh long, sau đó mua thêm đất xung quanh mở rộng diện tích lên như hôm nay. Các người con của anh Đào, hiện đang tích cực phụ cha mẹ cùng nhau tìm đầu ra ở nước ngoài cho trái thanh long...
Trải qua nhiều khó khăn, kinh nghiệm với nghề trồng thanh long, đến nay Tổ hợp tác sản xuất thanh long Liễu Đào của vợ chồng anh đã trồng hơn 34 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGap.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực đóng gói nằm kế bên khu vườn thanh long với hệ thống nhà xưởng rộng hàng mấy nghìn mét vuông.
Theo lời anh Đào, hệ thống có nhiều công lạnh, công suất chứa tới 700 tấn thanh long, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ địa phương. Trong đó có khoảng 38 người lãnh lương thường xuyên khoảng 7 triệu đồng một tháng.
Anh Đinh Xuân Đào cho biết, yêu cầu của xuất khẩu hiện nay là làm sạch, mô hình hữu cơ nên nhiều năm qua gia đình anh tuân thủ nghiêm theo tiêu chuẩn VietGap nên đầu ra ổn định. Thị trường chủ yếu của Tổ hợp tác sản xuất thanh long Liễu Đào xuất khẩu là Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan…
"Tôi rất mong muốn được các ngành, các cấp ở tỉnh Bình Thuận và các cơ quan trung ương giúp chúng tôi sớm tìm đầu ra cho trái thanh long được xuất khẩu vào các thị trường khó tính khác như châu Âu. Làm được việc này sẽ mang lại giá trị cao có trái thanh long Bình Thuận và giúp nông dân trồng thanh long được nâng cao cuộc sống…", anh Đào tâm sự.
Cùng nông dân tìm thị trường cho trái thanh long
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết, Tổ hợp tác sản xuất thanh long Liễu Đào hoạt động rất hiệu quả suốt nhiều năm qua. Nhờ đó đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Cũng theo ông Nguyễn Phú Hoàng, tổng diện tích 34ha thanh long gia đình anh Đào trồng, chủ yếu là VietGap và hướng tới Hội Nông dân tỉnh sẽ hỗ trợ nâng lên tiêu chuẩn GlobalGap.
"Các hộ trồng thanh long khác trong vùng cũng được Tổ hợp tác sản xuất thanh long Liễu Đào bao tiêu sản phẩm. Sau khi đóng gói được xuất khẩu chủ yếu ở các thị trường châu Á. Hướng tới Hội Nông dân tỉnh và các cơ quan chức năng sẽ cùng nhau đi giúp thanh long Bình Thuận đi các thị trường khó tính hơn như thị trường châu Âu. Đây là mô hình cần nhân rộng trong thời gian tới cho các hộ sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận...", ông Nguyễn Phú Hoàng chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Phú Hoàng, hiện tại, các tổ hợp sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGap được các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Thuận tư vấn và hỗ trợ nâng cao chất lượng lên tiêu chuẩn GlobalGap để thuận tiện cho việc xuất khẩu. Qua đó, mang lại lợi nhuận cao, giúp bà con nông dân giải quyết được đầu ra sản phẩm.
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân từng thăm cánh đồng thanh long VietGAP Liễu Đào
Ngày 26/2/2023, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Bình Thuận, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân(thời gian này là Quyền Chủ tịch nước) đã đi thăm Hợp tác xã sản xuất thanh long Liễu Đào của gia đình ông Đinh Xuân Đào xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc.
Thời điểm này, ông Đinh Xuân Đào là "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" giai đoạn 2017-2022 ở tỉnh Bình Thuận.
Mới nhất, theo danh sách công bố của Ban Thường vụ Trung ương Hội nông dân Việt Nam, trong 100 nông dân được bình chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 có ông Đinh Xuân Đào (SN 1970, ở thôn 2, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).
Ông Đào trồng 34 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao có hệ thống tưới phun, nhỏ giọt, cơ giới hóa trong khâu sản xuất cũng như thu hoạch sản phẩm.
Cùng với vườn thanh long, ông Đào còn có cơ sở thu mua thanh long với quy mô hơn 5.000 m2 gồm: nhà xưởng đóng gói và kho lạnh bảo quản với sản lượng lên đến 2.500 tấn mỗi tháng.
Từ năm 2017 đến nay, nguồn thu nhập từ trồng trọt và kinh doanh thanh long xuất khẩu mang về lợi nhuận cho ông gia đình ông Đào từ 1,2 tỷ đồng đến 1,8 tỷ đồng mỗi năm.
Tổ hợp tác sản xuất thanh long Liễu Đào Tổ cũng giải quyết việc làm cho khoảng gần 200 lao động địa phương với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Đào còn hỗ trợ 100 triệu đồng cho quỹ mua vắc-xin chung tay phòng chống dịch Covid-19; hơn 250 triệu đồng mua nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, hộ khó khăn trong vùng phong tỏa cách ly y tế do ảnh hưởng của dịch Covid 19.
Bên cạnh đó, ông Đào cũng ủng hộ quỹ hỗ trợ nông dân địa phương 20 triệu đồng, trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi 25 triệu đồng; hàng năm hỗ trợ 15 hộ nghèo mỗi người 10 triệu đồng để họ có vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi cải thiện đời sống.
Với những đóng góp tích cực trên, ông Đinh Xuân Đào được Trung ương Hội nông dân Việt Nam vinh danh top 100 nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.