Dân Việt

TS. Phạm Công Thiếu- Viện trưởng Viện Chăn nuôi Quốc gia: KHCN giúp giảm giá thành chăn nuôi gà công nghiệp còn dưới 1 USD/kg

Thiên Hương 28/08/2023 18:00 GMT+7
Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn duy trì ở mức cao, chính là nhờ khoa học và công nghệ, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới từ thức ăn, con giống, quy trình nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh và xử lý môi trường...

TS. Phạm Công Thiếu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi nhận định như vậy tại Hội nghị “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực Chăn nuôi - Thú y”, do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Viện Chăn nuôi mới đây. 

Giá thành chăn nuôi gà công nghiệp chỉ còn dưới 1 USD/kg 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Công nghệ Phùng Đức Tiến đánh giá cao những đóng góp to lớn trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ lĩnh vực chăn nuôi - thú y thời gian qua. Ngành chăn nuôi đã trở thành một ngành sản xuất quan trọng, cung cấp các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao (thịt, trứng, sữa, mật ong...), đưa Việt Nam từ chỗ thiếu thực phẩm đến nay đã cung cấp đủ và dư thừa cho tiêu dùng trong nước; một số sản phẩm đã xuất khẩu.

Giai đoạn 2020-2023 đã có 31 tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, đưa vào sản xuất; có 317 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế, 478 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong nước. Với đóng góp to lớn đó, ngành chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng 2 giải thưởng Hồ Chí Minh; 3 giải thưởng Nhà nước; 1 công trình được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020.

Bên cạnh đó, 3 cá nhân (PGS. TS. Ngô Thị Kim Cúc, TS. Tăng Xuân Lưu, TS. Lê Bá Quế) đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh vì đã có nhiều công trình, quy trình kỹ thuật công nghệ được ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.

Khoa học công nghệ giúp giảm giá thành chăn nuôi gà công nghiệp còn dưới 1 USD/kg - Ảnh 1.

Trang trại nuôi gà lông trắng của gia đình anh Nguyễn Văn Khuynh (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) có sức đề kháng tốt, ít khi bị dịch bệnh nhờ áp dụng công nghệ chuồng lạnh. Ảnh: Lãng Hồng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất được coi là "chìa khóa vàng" giúp ngành nông nghiệp đạt được hiệu quả cao.

Các chương trình, dự án khuyến nông được triển khai với nhiều nội dung phong phú, thiết thực mà trọng tâm là chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ về giống, chăm sóc nuôi dưỡng, công tác quản lý, tự động hoá, công nghệ số trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi…

Thông qua các chương trình, dự án, công tác đào tạo tập huấn và thông tin tuyên truyền, đã lan tỏa những mô hình tiêu biểu, điển hình tiến tiến có hiệu quả để nông dân tham quan, học tập và áp dụng; đưa nhanh những tiến bộ kỹ thuật được công nhận vào sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đã nâng cao hiệu quả sản xuất của nông hộ.

Khoa học công nghệ giúp giảm giá thành chăn nuôi gà công nghiệp còn dưới 1 USD/kg - Ảnh 2.

Cán bộ Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào Động vật (Viện Chăn nuôi) sử dụng thiết bị kính hiển vi được dự án JICA tài trợ. Ảnh: Nguyễn Chương

Ông Phạm Công Thiếu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi nhìn nhận: Việt Nam đi lên từ một nước nông nghiệp, nhưng lại không được thiên nhiên ưu đãi như nhiều quốc gia trên thế giới. Thời tiết khí hậu cực đoan. Trước "cái khó ló cái khôn", người Việt Nam với bản tính cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo… đã biến những bất lợi thành lợi thế để tạo ra nhiều sản vật địa phương vùng, miền nổi tiếng mà nhiều quốc gia mơ cũng không thể có được. 

Ông Thiếu nhấn mạnh: "Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian luôn duy trì ở mức cao chính là nhờ khoa học và công nghệ, đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới từ thức ăn, con giống, quy trình nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh và xử lý môi trường".

Hệ thống chăn nuôi lợn 4 cấp (cụ kỵ - ông bà - bố mẹ - thương phẩm) đang hình thành và phát triển mạnh, trong đó có 16 doanh nghiệp lớn đầu tư lĩnh vực này. Nước ta đã có một số chuỗi sản xuất theo mô hình 4 cấp, với quy mô từ 0,5-2 triệu lợn thịt hàng hóa/chuỗi cho hiệu quả cao, an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới trong chăn nuôi và sử dụng nguồn thức ăn chất lượng tốt, nhiều trại chăn nuôi lợn đã có giá thành bằng hoặc thấp hơn Thái Lan. Đặc biệt, trong nuôi gà công nghiệp đã có những trại nuôi giá thành chỉ còn chưa đến 1 USD/kg, thấp hơn cả Thái Lan và một số nước EU.

Khoa học công nghệ giúp giảm giá thành chăn nuôi gà công nghiệp còn dưới 1 USD/kg - Ảnh 3.

Từ năm 2020 - 2022 đã có 31 tiến bộ kỹ thuật (TBKT) được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, trong đó có 6 dòng, giống lợn mới, 15 dòng, giống gia cầm, 2 TBKT về dinh dưỡng, 5 TBKT lĩnh vực thú y và 3 TBKT về xử lý môi trường chăn nuôi... Ảnh: Chăn nuôi gia cầm tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương. Nhachannuoi

Báo cáo của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, về công nghệ sinh học - đây là lĩnh vực có những bước đột phá quan trọng trong nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ được công nghệ, đặc biệt là lần đầu tiên Việt Nam đã nhân bản thành công đàn lợn ỉ; thành công trong nghiên cứu cấy phôi tươi, phôi đông lạnh trên lợn nái sinh sản, trong việc thụ tinh ống nghiệm và xác định giới tính của phôi.

TS. Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, từ năm 2020 đến nay, việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động khuyến nông Trung ương được Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện thông qua 55 dự án lĩnh vực chăn nuôi - thú y. 

Các dự án đã giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tạo môi trường an toàn dịch bệnh, cung cấp các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và phát triển chăn nuôi bền vững. 

Một số mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm thu hút doanh nghiệp tham gia ngay từ ban đầu, hiệu quả kinh tế mô hình tăng từ 11-17,5% so với chăn nuôi truyền thống. 

Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, các đại biểu tại Hội nghị cũng chỉ ra, công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ lĩnh vực chăn nuôi - thú y vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Chất lượng một số giống vật nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Chưa có nhiều nghiên cứu về chế phẩm sinh học, thảo dược thay thế kháng sinh. 

Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đặc biệt là giống vi sinh vật, giống virus dùng sản xuất vaccine còn khó khăn. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y. Thị trường tiêu thụ không ổn định; dịch bệnh đe dọa; công tác quản lý chất lượng giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế...

"Các nhà khoa học đã rất say sưa, đam mê, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều vấn đề. Đây không phải việc riêng của chăn nuôi mà còn là của cả ngành khoa học. Điều này cũng đặt ra cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT một câu hỏi lớn là tìm giải pháp để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, có những sản phẩm khoa học mang tính thời đại" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Trong thời gian tới, để tiếp tục có nhiều kết quả khả quan trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu cho rằng, ngành chăn nuôi và thú y cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, ứng dụng công nghệ số nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất... 

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), giai đoạn từ 2018-2022, ngành chăn duy trì tăng trưởng ở mức bình quân 4,5-5%/năm, đóng góp 22,5-26,7% trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Chăn nuôi lợn của Việt Nam đứng trong top 10 thế giới (đứng thứ 5 về đầu con - 29,08 triệu con; đứng thứ 6 về sản lượng - 4,5 triệu tấn thịt lợn hơi); đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới (trên 103 triệu con); sản lượng sữa tươi nguyên liệu (1,24 triệu tấn) đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp (20,8 triệu tấn) đứng số 1 khu vực Đông Nam Á, thứ 12 thế giới với 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh...