Chỉ huy cả ngàn con chết đến đít vẫn còn cay, nữ tướng Phú Thọ hái vàng, đó là con cà cuống
Chỉ huy cả ngàn con "chết đến đít vẫn còn cay", "nữ tướng" Phú Thọ đếm từng con đem bán thu tiền triệu mỗi ngày
Hoan Nguyễn
Thứ hai, ngày 28/08/2023 14:11 PM (GMT+7)
Bể nuôi cà cuống chỉ hơn 70m2, nhưng mỗi tháng gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hiền (thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) xuất bán hơn 1.000 con cà cuống với giá 50.000 đồng/con và cà cuống giống với giá 150.000 đồng/ổ trứng hoặc 1 cặp giống, thu lãi hơn 20 triệu đồng/tháng.
Mô hình nuôi cà cuống trong bể, mỗi tháng lãi hơn 20 triệu lãi/tháng. Video: Thiện Phong
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (khu Thống Nhất, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) cho biết, năm 2021, khi xem ti vi, gia đình chị biết đến mô hình nuôi cà cuống. Thế là hai vợ chồng chị bắt tay vào vừa tìm tòi, học hỏi qua ti vi, internet, sách báo, vừa hùn tiền xây dựng hệ thống bể nuôi tuần hoàn và mua 50 đôi cà cuống giống ở tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh về nuôi.
Trên 70m2, gia đình chị Hiền xây hệ thống bể nuôi cà cuống theo quy trình khép kín, tuần hoàn. Ảnh: Hoan Nguyễn
"Lúc đầu gia đình cũng lo lắng lắm, bởi cả vùng có duy nhất gia đình tôi nuôi con cà cuống. Tuy nhiên, việc nuôi cà cuống của gia đình rất thuận lợi khi tháng 11/2022, chúng tôi được Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ quy trình kỹ thuật nuôi và cấp 50 đôi cà cuống bố mẹ để phát triển mô hình nuôi cà cuống sinh sản và thương phẩm" - chị Hiền nói.
Vừa khởi nghiệp, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đến nay trên diện tích hơn 70m2, gia đình chị Hiền đã xây dựng 12 bể nuôi cà cuống gồm 2 bể ấp trứng và 10 bể nuôi thương phẩm theo quy trình tuần hoàn.
Chị Hiền chia sẻ thêm, cà cuống thoạt nhìn giống con gián. Cà cuống có thân hình dẹt, lúc trưởng thành có cánh, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài 7-8 cm, có con to lên đến 10-12cm. Thức ăn của con cà cuống chủ yếu là tép, dế, ếch nhái nhỏ. Trong quá trình nuôi, quan trọng nhất là đảm bảo nguồn nước, thức ăn sạch, môi trường thoáng mát để cà cuống sinh sản, phát triển tốt.
Cà cuống (tên khoa học là belortone indica, hay còn gọi là sâu quế, đà cuống) là một giống côn trùng thuộc bọ cánh nửa (nửa cứng, nửa mềm), mình dẹt và sống trong nước hoặc nửa nước nửa cạn như ao hồ, đầm lầy hay ruộng lúa, kênh rạch… Ban ngày, chúng ẩn nấp dưới nước săn bắt mồi, chỉ đến đêm mới vỗ cánh bay lên.
Trước đây, ở nông thôn, không khó để bắt được cà cuống, nhất là đến mùa thu hoạch lúa nước. Trong cơ thể cà cuống đực, có chứa đôi tuyến tinh dầu nằm ở khoang bụng phía dưới đuôi. Chất tinh dầu này, tên hoá học là veleriant amil, không độc, có vị cay, mùi thơm ngát, được coi là một gia vị quý trong bữa ăn của người Việt Nam, nhất là ở nông thôn. Cà cuống cái không có túi tinh dầu, vì thế khi ăn sẽ có con không có vị cay đặc trưng của cà cuống.
Cà cuống có vị ngọt, cay, tính bình và không độc đem đến công dụng bổ thận, tráng dương, lợi cho đường tiêu hóa. Chính vì ngon và “hiếm có khó tìm”, cà cuống không chỉ là một loại côn trùng thông thường, mà từ lâu đã được nhiều nhà hàng tìm mua để chế biến thành các món ăn đặc sản.
"Cái khó nhất khi nuôi cà cuống là giai đoạn cà cuống vừa nở ra. Nếu giai đoạn này thực hiện không đúng kỹ thuật thì toàn bộ cà cuống con sẽ không sống được. Đã có nhiều người ở nhiều nơi tìm đến hỏi mua giống và gia đình tôi sẵn sàng hướng dẫn tận tình kỹ thuật nuôi" - chị Hiền nói.
Hiện trung bình mỗi tháng, gia đình chị Hiền xuất bán khoảng 1.000 con cà cuống thương phẩm với giá 50.000 đồng/con và cà cuống giống với giá 150.000 đồng/ổ trứng hoặc 1 cặp giống. Trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 25.000 đồng/con, mỗi tháng bỏ túi hơn 20 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.