Sáng nay 19/9/2023, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 chính thức khai mạc, đồng thời tiến hành thảo luận Chuyên đề 1 với chủ đề: ''Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó''.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chúng ta đã đi được nửa nhiệm kỳ 5 năm giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước "những cơn gió ngược" và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Các cân đối lớn được bảo đảm, tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách đều dưới ngưỡng Quốc hội cho phép; nợ xấu được kiểm soát, tỷ giá khá ổn định. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế, an ninh lương thực được bảo đảm. Các công trình, dự án quan trọng quốc gia, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng và cả nước được đẩy mạnh; củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ hướng tới phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn.
Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài, trong đó:
Thứ nhất, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà suy giảm, 8 tháng đầu năm giảm 10% so với cùng kỳ, mạnh nhất trong cùng kỳ 12 năm trở lại đây; nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là điện thoại, linh kiện, giầy dép, dệt may, đồ gỗ tiếp tục giảm sâu. Các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản,… giảm hoặc tăng rất thấp. Xuất siêu tăng do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm, cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại.
Bên cạnh vấn đề cầu thế giới giảm mạnh, chi phí logistics và các chi phí khác (chi phí nhân công, nguyên vật liệu đầu vào,...) của Việt Nam cao, tiến trình xanh hóa một số lĩnh vực còn chậm, khiến một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn các quốc gia khác. Trong khi đó, năng lực sản xuất của nền kinh tế còn ở mức thấp với việc phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu cho sản xuất.
"Đơn cử như dệt may, chúng ta có thể thua cả Bangladesh khi quốc gia này đang xanh hóa ngành dệt may", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Thứ hai, trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đóng góp khoảng 20% GDP, chiếm tỷ trọng gần 74% trong tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, thu hút FDI chưa thật sự bền vững; vốn đăng ký liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm, từ tháng 7 vốn đăng ký tăng trở lại nhờ một số dự án lớn của Hàn Quốc, Singapore. Tuy nhiên, nhìn chung thu hút vốn FDI vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là trong việc thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa sâu, rộng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhập khẩu của khu vực FDI ngày càng tăng cao cho thấy tính kết nối và năng lực sản xuất trong nước vẫn còn nhiều hạn chế.
Thứ ba, đầu tư công được coi là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, đến nay giải ngân vốn đầu tư công dù có cải thiện (8 tháng đạt 42,35% kế hoạch) nhưng chưa đạt như kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Một số cơ quan trung ương, địa phương giải ngân vốn còn thấp so với mặt bằng chung, các vướng mắc được phản ánh nhiều nhất là về thủ tục pháp lý liên quan tới đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất nông nghiệp, thủ tục hành chính chậm trễ do cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Thứ tư, khu vực công nghiệp và xây dựng không còn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo từng được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong nhiều năm, giờ suy giảm, Quý I giảm 0,49%, 6 tháng tăng thấp 0,44%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng vẫn giảm 0,4% (cùng kỳ tăng 10,1%). Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển khiến Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ năm, tiêu dùng trong nước phục hồi chưa vững chắc. Khu vực dịch vụ hiện đóng góp 79% vào tăng trưởng GDP, đang là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong năm 2023 và ngay từ đầu năm nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực này được ban hành như giảm mặt bằng lãi suất, giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng, tăng lương cơ sở,… Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng duy trì đà tăng trưởng tuy nhiên đang có dấu hiệu chậm lại. Thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản còn khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách; trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Trong nước, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Cùng với đó, thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm ca.
Trong nước chưa có nhiều tập đoàn kinh tế mạnh, quy mô lớn đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tổ chức các chuỗi cung ứng, hệ sinh thái sản xuất nội địa; doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ sản xuất thấp, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào. Năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết trước tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
"Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Với tinh thần "đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó", để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, có tính thiết thực, Chủ tịch Quốc hội mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp 03 câu hỏi lớn sau:
Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo?
Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào? dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025?
Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025?
"Căn cứ các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay.