Chậm đề xuất tăng 17.100 tỷ đồng vốn cho Agribank: Chủ tịch Quốc hội "truy" trách nhiệm và giải thích của Thống đốc

Huyền Anh Thứ hai, ngày 22/05/2023 20:29 PM (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ "truy" trách nhiệm trong việc chậm trễ đề xuất tăng vốn cho Agribank là của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hay Bộ trưởng Bộ Tài chính, hay do các bộ, ngành khác. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chính thức nêu lý do.
Bình luận 0

Chiều nay (22/5), Quốc hội đã nghe Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đọc tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Thực tế, chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đã có từ khóa XIV. Riêng trong giai đoạn 2021-2023, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã có quy định, sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để thực hiện Nghị quyết số 43, trong đó quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước trong quý I/2022. Tuy nhiên, đến nay đã sang quý II/2023 mới trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

"Việc chậm trễ này là trách nhiệm của ai, của Thống đốc hay Bộ trưởng Bộ Tài chính hay Bộ nào, ngành nào?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi, đồng thời bày tỏ băn khoăn về kỷ luật, kỷ cương tài chính, trách nhiệm công vụ khi để xảy ra tình trạng này?

Chậm đề xuất tăng 17.100 tỷ đồng vốn cho Agribank: Chủ tịch Quốc hội "truy" trách nhiệm và câu trả lời của Thống đốc - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: QH)

Trong tờ trình chiều nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã nêu rõ nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong việc đề xuất tăng vốn cho Agribank.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này có chậm hơn so với kế hoạch do một số nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên, theo Thống đốc là do ở giai đoạn đầu, các Bộ phải rà soát tìm kiếm nguồn vốn đầu tư phù hợp do việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank không thuộc đối tượng của Luật Đầu tư công.

Nguyên nhân thứ hai, do quá trình xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ Tài chính đã bố trí được nguồn trong kế hoạch ngân sách nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 6.753 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển thuộc ngân hàng nhà nước trung ương và đã được Quốc hội đồng ý thông qua nội dung này tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022. Thống đốc cho hay, sau khi kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2023 được phê duyệt, Bộ Tài chính đã thông báo và hướng dẫn Ngân hàng Nhà nước về nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 (Công văn số 12736/BTC-TCNH).

Tuy vậy, tư lệnh ngành Ngân hàng cho hay, quá trình thực hiện quyết định đầu tư, giải ngân 6.753 tỷ đồng, lại gặp vướng mắc do theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 9 Nghị định 91/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), phương án đầu tư bố trí vốn điều lệ phải được xây dựng tối thiểu trong thời hạn 03 năm kể từ năm xác định điều chỉnh vốn điều lệ.

Theo tính toán của Agribank, số vốn điều lệ cần được ngân sách nhà nước đầu tư bổ sung cho Agribank giai đoạn 2021-2023 là 17.100 tỷ đồng. Mức vốn bổ sung này tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia, do đó phải thực hiện trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trước khi thực hiện quyết định đầu tư và giải ngân theo quy định của pháp luật.

Chưa kể, các đơn vị liên quan cũng gặp khó khăn, chưa có tiền lệ khi việc bổ sung vốn phụ thuộc vào số tiền Agribank ước tính sẽ nộp trong năm 2022 - 2023 (ở thời điểm xây dựng Phương án, mới chỉ có số liệu thực nộp của năm 2021).

Theo đánh giá của Chính phủ, với số vốn điều lệ tăng thêm, Agribank sẽ sử dụng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng hoạt động tín dụng, tăng nộp ngân sách Nhà nước, giữ được mức xếp hạng tín nhiệm…

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của Agribank sẽ tặng thêm bình quân khoảng từ 100.000 – 110.000 tỷ đồng/ năm, tương ứng với tổng tài sản tăng thêm 110.000 tỷ đồng/năm, doanh thu hàng năm và lợi nhuận hàng năm tăng thêm khoảng 6.500 – 7.000 tỷ đồng. Theo đó, Agribank sẽ tăng nộp ngân sách nhà nước tương ứng 1.200 – 1.400 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, khoảng 2.000 – 2.200 tỷ đồng lợi nhuận còn lại; trích lập các quỹ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tăng vốn thêm 17.100 tỷ đồng cũng giúp Agribank đạt hệ số CAR 8% theo quy định của Luật các TCTD, Thông tư 41/2016/TT-NHNN; Gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa. Đồng thời, đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Agribank trong đầu tư phát triển tam nông, thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hình thành mặt bằng lãi suất phù hợp, ổn định trên thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem