Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Lạm phát 3,15%, nhưng lãi suất 9% là quá vô lý!

An Linh Thứ hai, ngày 05/06/2023 18:19 PM (GMT+7)
Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm trước nhưng lãi suất lên đến 9% là quá vô lý.
Bình luận 0


Tại phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều ngày 5/6, Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ trước đến nay, đóng góp của của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại rất lớn. Tuy nhiên, khi thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cần thẳng thắn đặt ra các vấn đề như tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Lạm phát 3,15%, nhưng lãi suất 9% là quá vô lý! - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham gia góp ý về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tại tổ chiều 5/6

Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết Trung ương nhấn mạnh là chấm dứt sở hữu chéo; "chấm dứt chứ không phải hạn chế nữa".

Chủ tịch Quốc hội nói thêm: "Cần phải công khai những chủ sở hữu có vốn sở hữu tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, để người dân biết ai là người thực sự chi phối ngân hàng đó hoặc tổ chức tín dụng đó".

Lãnh đạo Quốc hội cho rằng, Việt Nam chưa có luật về tập đoàn tài chính. Trong khi đó, trên thực tế đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tập đoàn tài chính; hoặc công ty mẹ - con, trong đó, công ty mẹ là một tổ chức tín dụng hoặc một tập đoàn, song trong tập đoàn đó có tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn).

"Điều này cần được làm rõ quan hệ giữa doanh nghiệp, tập đoàn với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại như thế nào, báo cáo tài chính hợp nhất, nghĩa vụ công bố thông tin ra sao", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Đối với nội dung về 2 Ngân hàng Chính sách Xã hội được quy định trong dự án luật, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải thiết kế một chương, quy định cụ thể một số điều có tính nguyên tắc, là cơ sở để giao cho Chính phủ quy định một số vấn đề cụ thể hơn.

Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề tồn tại trong dự thảo Luật, như tại Điều 136 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có đề cập nội dung về tài chính của các tổ chức tín dụng, nhưng quy định chỉ vài dòng. "Điều này là không được! Cần quy định cụ thể hơn doanh thu, chi phí tài chính ra sao, phần nào là doanh thu hợp lý, phần nào không hợp lý, trích lập dự phòng thế nào, tất cả phải tường minh ra cho xã hội khỏi thắc mắc", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay, ngân hàng cũng đã nỗ lực hết sức với nền kinh tế. Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 3 lần lãi suất điều hành, Thống đốc Ngân hàng cũng nói "còn có thể giảm được nữa".

Ông nhấn mạnh, lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 nhưng lãi suất lên đến 9% thì quá vô lý!.

Do vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, muốn giải đáp những câu hỏi như vậy cần phải quy định ngay trong dự án Luật Các tổ chức tín dụng. Còn những nội dung nào cần chi tiết hơn nữa thì quy định bằng Nghị định.

Chủ "tịch Quốc hội nhấn mạnh: Bộ Tài chính có hẳn Vụ Tài chính ngân hàng để quản lý tài chính của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chứ không phải Ngân hàng Nhà nước quản lý. Bộ Tài chính sinh ra là để quản lý tài chính "tất tần tật" các nguồn tài chính, định chế tài chính, từ hợp tác xã đến hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, FDI".

Về xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không phải tất cả các nội dung của Nghị quyết 42 đều được luật hoá tại Luật các Tổ chức tín dụng. Bởi Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng như là một luật đặc biệt, áp dụng cho một giai đoạn đặc biệt. Còn khi nền kinh tế trở lại bình thường, phải ứng xử như trong giai đoạn bình thường. 

"Ví dụ, trong giai đoạn đặc biệt trước đây, một khoản thu từ xử lý tài sản thì ưu tiên đầu tiên cho ngân hàng thương mại, sau đó mới đến nộp thuế. Nhưng trong điều kiện bình thường thì thứ tự ưu tiên lại khác, không thể nào như thời kỳ đặc biệt được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thừa nhận đây là dự thảo luật khó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng bản trình Quốc hội lần này đã tốt hơn nhiều so với trước do thường trực Chính phủ đã họp và cho ý kiến nhiều lần. Ông đề nghị các đại biểu cho ý kiến để dự thảo luật này sẽ được thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Làm sao luật này sửa xong, các tổ chức tín dụng phải đàng hoàng hoạt đông, công khai, minh bạch và không phải lo cái gì cả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem