Việc tăng lương thế nào, thang bảng lương theo vị trí việc làm được sắp xếp ra sao... là những vấn đề được nhắc tới nhiều nhất trong Đề án Cải cách tiền lương đang được Bộ Nội vụ phê duyệt, sắp trình Chính phủ tới đây.
Còn hiện tại, Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ cũng có quy định chi tiết về tuyển dụng và nâng ngạch công chức. Theo đó thì việc xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi được tuyển dụng thực hiện xếp bậc lương.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương theo ngạch chuyên viên hoặc tương đương khi chuyển việc thì được xét trả lương, giữ nguyên ngạch nếu công việc mới phù hợp với ngạch đang giữ.
Đối với người trúng tuyển công chức ngạch chuyên viên hoặc tương đương, việc xếp lương như sau:
Có thời gian làm những công việc của ngạch công chức cần tuyển, đủ tròn 12 tháng thì được xếp vào bậc 1, sau đó cứ sau 36 tháng thì được tính xếp lên 1 bậc lương. Hiện lương của công chức có trình độ Đại học tốt nghiệp ra trường đi làm được xếp ở bậc 1, hệ số là 2,34. Cứ sau 3 năm thì lại nâng 1 bậc lương.
Thời điểm hưởng lương tính từ ngày được tuyển dụng; Thời gian xét nâng bậc lương lần sau tính từ thời điểm xếp bậc lương được hưởng.
Như vậy, công chức có thời gian làm những công việc của ngạch công chức cần tuyển, đủ tròn 12 tháng thì được xếp vào bậc 1, sau đó cứ sau 36 tháng thì được tính xếp lên 1 bậc lương.
Trường hợp lao động là viên chức, làm hợp đồng đã làm những công việc của ngạch công chức được tuyển dụng có thời gian bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với ngạch công chức cần tuyển, thì được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch và xếp lương.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt sáng ngày 19/9, ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho rằng quy định nâng bậc lương cho công chức (3 năm 1 lần) là tăng lương theo thâm niên, còn nâng ngạch là tăng lương theo trình độ. 2 điều này hoàn toàn khác nhau, duy trì cùng lúc 2 điều này là hợp lý.
"Tôi cho rằng điều này là cần thiết. Lao động làm việc cũng cần được tăng lương theo thâm niên, đồng thời việc duy trình nâng ngạch thông qua việc thi nâng ngạch cho lao động nhằm đánh giá năng lực của công chức, viên chức, từ đó tăng lương cũng là hợp lý", ông Huân nói.
Thông thường hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp sẽ được tăng lương định kỳ, 3 năm 1 lần. Trong trường hợp có thành tích đặc biệt được xét nâng bậc lương trước hạn. Khi lao động chuyển công tác sang vị trí việc làm mới thì phải thi nâng ngạch hoặc muốn tăng lương phải thi nâng ngạch (nâng trình độ chuyên môn) thì mới được tăng lương.
Cũng theo ông Huân, hiện nay có đơn vị sự nghiệp thiết kế lương theo công chức viên chức, nhưng cũng có đơn vị thiết kế tiền lương theo vị trí công việc như doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi liệu việc cải cách tiền lương lần này có nên xóa bỏ cách tăng lương định kỳ "sống lâu lên lão làng", xóa bỏ việc thi nâng ngạch lương hay không, ông Huân cho rằng không cần thiết.
"Cải cách tiền lương lần này chủ yếu tác động tới khu vực công, nhằm làm thay đổi tiền lương của công chức viên chức. Tiền lương của khu vực tư thì lâu nay đã ổn định, có chăng chỉ tăng lương tối thiểu hoặc hoàn thiện những điểm chưa được trong việc định giá mức sống để tính tiền lương", ông Huân nói.
Theo ông Huân, mục tiêu quan trọng nhất là cải cách lương ở khu vực công gắn với hiệu quả làm việc. Làm sao để tăng lương gắn với tăng năng suất, chất lượng lao động. Không phải lương tăng, hiệu quả làm việc lại giảm đi.
Qua quan sát của PV báo Dân Việt, hiện nay tiền lương của các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước cũng đã và đang được cải cách, như tiền lương của Tổng công ty hàng không quốc gia; Tập đoàn Viettel... Bởi vậy, mục tiêu trọng tâm của cuộc cải cách tiền lương lần này vẫn sẽ hướng tới khu vực hành chính công, nhằm thay đổi tiền lương của giới cán bộ, công chức, viên chức.
Chia sẻ thêm về câu chuyện tiền lương của viên chức khi cải cách tiền lương, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công (tự chủ tài chính) ông Huân cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tạo nguồn thu.
"Có nguồn thu, có tiền thì mới tính đến việc cải cách tiền lương thế nào. Khi cải cách tiền lương, nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ ở góc độ là đơn vị đặt hàng. Anh làm được chương trình nào thì được thu từ chương trình đó. Sẽ không có chuyện nhà nước mang tiền cho anh trả lương" ông Huân nói.