Bộ trưởng GDĐT đối thoại với giáo viên: Tăng lương, giảm tuổi nghỉ hưu "làm nóng" hội trường

Tào Nga Thứ ba, ngày 15/08/2023 13:16 PM (GMT+7)
"Theo quy định thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày, nhưng trên thực tế chúng tôi thường làm việc ở trường từ 10 - 11 giờ/ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn nên chúng tôi không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình", một giáo viên bày tỏ.
Bình luận 0

Loạt kiến nghị của giáo viên mầm non gửi Bộ trưởng

Sáng 15/8, Bộ GDĐT tổ chức gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. 

Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, giáo viên tại Trường Mầm non xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có nhiều năm gắn bó với giáo dục mầm non. Trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, cô Hường nhận thấy những thay đổi cũng như chứng kiến sự phát triển vượt bậc của giáo dục mầm non trong những năm qua, tuy nhiên, vẫn còn những điều mà giáo viên mầm non thấy băn khoăn, trăn trở và mong muốn được Bộ trưởng quan tâm, tháo gỡ.

Loạt kiến nghị giáo viên gửi đến Bộ trưởng: Tăng lương và phụ cấp ưu đãi 70%, giảm tuổi nghỉ hưu  - Ảnh 1.

Bộ trưởng gặp gỡ giáo viên ngày 15/8. Ảnh: Bộ GDĐT

"Theo quy định thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày, nhưng trên thực tế chúng tôi thường làm việc ở trường từ 10 - 11 giờ/ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn nên chúng tôi không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Đó là về thời gian, còn về công việc thì do thiếu giáo viên nên có những lớp, một cô giáo đang phải một mình nuôi dạy hơn 30 trẻ.

Không thể kể hết những nhọc nhằn của giáo viên mầm non ra đây nhưng tin chắc rằng, nếu ai đó chỉ cần có 1 ngày trải nghiệm làm giáo viên mầm non tại vùng sâu, vùng xa thì chắc chắn sẽ có sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những vất vả.

Tuy chế độ tiền lương của giáo viên mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn còn ở mức thấp (như đối với giáo viên mới ra trường chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/tháng), chưa tương xứng với thời gian và công sức mà chúng tôi đang làm, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Cô giáo Dương Thị Thanh Hồng, giáo viên lớp 5 tuổi, Trường Mầm non 1, TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác hành chính trong các cơ sở giáo dục mức lương được hưởng còn thấp. Bởi ngoài lương thì đối tượng này không được hưởng chế độ ưu đãi, chế độ thâm niên và cũng không có thu nhập gì ngoài lương, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. 

Về vấn đề bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương đối với giáo viên mầm non. Theo như quy định sau khi chuyển lương mới thì hệ số của giáo viên mầm non hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của giáo viên tiểu học hạng 3. Bản thân tôi là một ví dụ, hiện lương tôi là bậc 5 nhưng hệ số lương của tôi là 3,65, còn lương bậc 5 của giáo viên tiểu học hạng 2 lại có hệ số là 5,36.

Như vậy bậc lương giữa 2 cấp học quá chênh lệch. Trong khi mỗi bậc học đều có những vai trò, khó khăn riêng. Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản, trình độ cao đẳng, đại học. Công việc đặc thù riêng, vất vả trông trưa, ngoài giờ; luôn phải đối mặt với rủi ro về đảm bảo an toàn cho các cháu. Kính mong Bộ trưởng quan tâm về việc xếp hạng cũng như chính sách tiền lương giáo viên mầm non được xếp tương quan với giáo viên các cấp học khác".

Cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, đại diện đội ngũ nhà giáo tỉnh Tiền Giang bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đến Bộ trưởng Bộ GDĐT: "Nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55), nhất là giáo viên mầm non. Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung".

Cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoạ Mi, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bày tỏ: "Có thể thấy giáo viên mầm non rất vất vả, nhiều áp lực nhưng với mức ưu đãi 35% theo nghề như hiện nay rất thấp so với công sức các cô bỏ ra, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên vừa qua có rất nhiều GVMN không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác.

Do đó, kính mong Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, tham mưu Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để thu hút được đội ngũ tham gia giáo dục mầm non và giúp các cô an tâm công tác".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Giáo viên mầm non vô cùng áp lực và vất vả"

Thấu hiểu những khó khăn vất vả của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận: "Trông một đứa trẻ đã vất vả thế nào, trong khi giáo viên mầm non trông rất nhiều học sinh. Giáo viên mầm non rất vất vả. Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến các thầy cô, có nhiều chính sách ưu tiên, ngoài lương còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… Tuy nhiên các chính sách vẫn còn chưa tương xứng với công sức của giáo viên. 

Trong các cuộc họp, Bộ GDĐT cũng đã bày tỏ điều này, Chính phủ cũng giao Bộ GDĐT bàn bạc, trao đổi với Bộ Nội vụ chú ý hơn nhiều đến Mầm non, Tiểu học. Trước mắt đã có sự thống nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non là 10%, tiểu học 5%. Tuy con số nhỏ nhưng thêm động viên, bù đắp cho giáo viên.

Chúng ta cũng phải thừa nhận đang có lượng lớn giáo viên hưởng lương nên mỗi chính sách điều chỉnh dù nhỏ thôi cũng cần phải tính toán các điều kiện. Mong muốn kiến nghị cũng phải từng bước hợp lý.

Giáo viên mầm non làm việc sớm hơn, về muộn hơn, bỏ nhiều sức lực nhiều hơn nên không có nhiều thời gian để phát triển chuyên môn và chăm sóc gia đình nên đa số thí sinh ngại ứng tuyển. 

Chính phủ đang sửa Luật Bảo hiểm xã hội, tôi cũng đã đề xuất đưa giáo viên mầm non vào lao động nặng nhọc để đảm bảo thu nhập cho giáo viên không bị thiệt thòi. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã lưu ý. Mong ý kiến này trở thành hiện thực".

Loạt kiến nghị giáo viên gửi đến Bộ trưởng: Tăng lương và phụ cấp ưu đãi 70%, giảm tuổi nghỉ hưu  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Bộ GDĐT

Liên quan đến vị trí của các nhân viên trường học thấp, không được hưởng phụ cấp, Bộ trưởng cho hay: "Các vị trí này quan trọng cấu thành trong mỗi nhà trường. Chúng ta cũng phải thống nhất với nhau rằng cần có các kiến nghị nâng lương nhưng không thể áp dụng như cho nhà giáo. Giáo viên đứng lớp là đặc thù có ưu đãi trong nghề. Các vị trí khác như kế toán thì phải giống các đơn vị khác, không có ưu đãi. Tuy nhiên, Bộ sẽ tăng cường chính sách để các vị trí này đảm bảo thu nhập, tránh chênh lệch nhiều so với giáo viên trong trường".

Còn về lương hưu, Bộ trưởng Sơn cho hay: "Bộ GDĐT không quyết được lương hưu nhưng vẫn đang kiên trì làm việc với các Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và cấp cao hơn nữa".

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, để chuẩn bị cho Chương trình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tập hợp ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục, các trường học trên cả nước. Việc lấy ý kiến được thực hiện trong tháng 6 và tháng 7/2023 với công cụ trực tuyến google form và một số kênh khác.

Tổng số có hơn 6.000 ý kiến của khối mầm non và phổ thông được gửi về từ các kênh. Trong đó gần 4.000 ý kiến của giáo viên. Hơn 1.300 ý kiến của nhân viên trường học, còn lại là ý kiến của cán bộ quản lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem