Nguyệt Tạ
Thứ hai, ngày 05/06/2023 19:00 PM (GMT+7)
Qua 4 lần cải cách tiền lương, tiền lương của khu vực công vẫn thấp lẹt đẹt, không tạo ra động lực để công chức, viên chức tận hiến. Làm gì để cải cách tiền lương, để tiền lương là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Phóng viên Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.
Đừng nhầm tưởng tăng lương với cải cách tiền lương
Từ 1/7 tới đây, lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng. Liệu đây có phải là cải cách tiền lương?
- Chính phủ vừa quyết định tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, đây là tin vui cho cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, cải cách tiền lương là cải cách toàn diện, không phải chỉ là tăng lương. Nghị Quyết 27 của Trung ương đặt mục tiêu, lộ trình là là tới năm 2021 phải cải cách xong tiền lương, tức là năm 2020 phải điều chỉnh tiền lương. Tuy nhiên, do xuất hiện dịch Covid-19 mà lộ trình này bị gián đoạn.
Tôi cho rằng, hiện nay người dân đang hiểu sai và cho rằng điều chỉnh tiền lương là cải cách tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức. Vì thế bản chất lương tăng có mấy chục phần trăm, nhưng người ta lại nghĩ đây là cải cách tiền lương. Không cẩn thận thì lương tăng chậm, giá lại tăng nhanh. Điều này khiến việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức không còn ý nghĩa.
Hiện nay, tiền lương của công chức viên chức được tính dựa trên lương cơ sở nhân với hệ số. Vì thế nếu có tăng lương thì mức tăng này cũng không đáng kể, chỉ trên dưới 1 triệu đồng, trong khi đó, lao động phải đóng cả chục khoản, phí lệ phí, BHXH, BHYT…
"Đừng lý giải rằng CPI không tăng là tốt. CPI không tăng không có nghĩa là chúng ta điều chỉnh nền kinh tế tốt mà CPI không tăng là do nhu cầu của người dân không tăng. Vì khó khăn, nên người dân phải 'tự cung tự cấp', vì thế không thể mang câu chuyện này ra bàn luận khi tăng lương được".
- Tôi cho rằng có nhiều vấn đề đặt ra khi cải cách tiền lương. Vấn đề đầu tiên là giải quyết khâu tạo nguồn kinh phí. Lâu nay nói đến cải cách tiền lương là ta sợ, sợ không có tiền. Thực tế tiền chúng ta không thiếu. Hiện nay chúng ta con hơn 1 triệu tỷ tiền đầu tư công không giải ngân được gửi tiết kiệm. Chỉ cần chúng ta lấy 1 nửa từ số này chi cải cách tiền lương, cộng với tiền chi tích lũy từ tăng thu ngân sách từ địa phương để tăng lương cho công chức, viên chức để tác động vào con người từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế.
Cải cách tiền lương là cải thiện trực tiếp đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Điều này sẽ là tiền đề để nâng cao năng suất lao động, giúp cán bộ, công chức, viên chức gắn bó hơn với công việc.
Cải cách tiền lương sẽ giải quyết được những vấn đề nào thưa ông?
- Tôi cho rằng, nếu cải cách tiền lương sớm, chúng ta sẽ giải quyết 3 vấn đề:
Vấn đề thứ nhất là để thực hiện nghị quyết của Trung ương, một nghị quyết đặt ra mà có tới 4 lần lỡ hẹn với người dân, làm giảm tính thuyết phục về chủ chương, chính sách với người dân.
Thứ hai là nếu cải cách được tiền lương thì sẽ nâng cao đời sống của công chức viên chức. Đó chính là nền tảng của trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh. Nếu đời sống không được đảm bảo thì tệ nạn xã hội vì thế cũng gia tăng.
Thứ 3 là cần phải cải cách tiền lương để xây dựng niềm tin của cán bộ công chức đối với thể chế của Nhà nước. Từ đó làm giảm "chảy máu chất xám", giảm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giỏi chạy từ công sang đơn vị tư. Tất nhiên dù công hay tư thì vẫn là sự đóng góp cho đất nước, nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận khu vực công là khu vực nền tảng dẫn dắt nền kinh tế.
Cải cách tiền lương: Đầu tư cho con người tốt hơn đầu tư công
Từng có ý kiến, đầu tư cải cách tiền lương là đầu tư cho con người, và đây là việc chưa từng có trong tiền lệ. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đúng vậy, đầu tư vào cải cách tiền lương, tăng lương là đầu tư cho con người. Thực tế, lịch sử chúng ta đã ghi nhận việc đầu tư cho con người thông qua đầu tư 20% tổng ngân sách cho giáo dục. Đây không phải đầu tư cho con người thì là gì?
Thủ tướng cũng từng khẳng định không đánh đổi tiền để lấy tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội. Cũng giống như không đánh đổi môi trường, lấy kinh tế. Vậy thì cũng nên cân đối giữa kinh tế và xã hội. Đầu tư công với đầu tư cho con người thì đầu tư cho con người tốt hơn đầu tư công, bởi vì cái gì cũng từ con người mà ra.
"Một việc có thể giao cho nhiều người, một người có thể làm nhiều việc. Đó mới là vị trí việc làm. Đánh giá hiệu quả vị trí đó phải qua chất lượng, hiệu quả công việc. Không nên lấy số lượng, đánh giá thay chất lượng".
Con người là 1 trong 3 yếu tố của quá trình sản xuất, nhưng nó là 1 trong 3 yếu tố quan trọng quyết định nhất của quá trình phát triển đất nước. Ai không tin có thể chất vấn với tôi về vấn đề này. Anh làm đường giao thông cũng tốt, nhưng anh làm đường mà người dân không có lương, không có ăn, không có ai đi lại thì việc làm đó còn có ý nghĩa.
Sở dĩ thời gian qua, lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại là bởi trong 3 năm 2019-2020-2022, chúng ta đã phải chi 95.000 tỷ cho chống dịch. Đó là thành tựu, nhưng đồng thời cũng làm giảm ngân sách khiến đất nước không còn nguồn để cải cách tiền lương.
Một trong những vấn đề được nhiều đơn vị đặt ra là sắp xếp vị trí việc làm khi cải cách tiền lương. Vấn đề này cần được nhìn nhận thế nào thưa ông?
- Một trong nhiều vấn đề được đặt ra là việc sắp xếp vị trí việc làm khi thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên mọi người chưa hiểu đúng về vị trí việc làm. Vị trí việc làm là tổng toàn bộ công trình đào tạo người cán bộ đó, mà người cán bộ đó có thể đảm nhiệm được bao nhiêu công việc.
Ví dụ như: Một kế toán trưởng vừa phải làm được kế toán nhưng vừa phải làm được việc khác. Vị trí việc làm không phải là chỉ có việc làm đó. Mà vị trí việc làm mà một người có thể đáp ứng được nhiều công việc hơn trong 8 tiếng làm việc đó bằng số lượng và chất lượng lao động. Tức là lao động đó phải có khả năng kiêm nhiệm.
Tôi cho rằng hiện nay có một tư duy sai lầm, đó là không phải trong cơ quan Nhà nước nào cũng cần một bộ máy 1 giám đốc và 2 phó giám đốc. Có cơ quan cần phó giám đốc, nhưng cũng có cơ quan không cần. Tuy nhiên, tư duy của Bộ Nội vụ là sai lầm. Cứ bộ máy thế nào là dập khuôn cấp trưởng, cấp phó, gây khó cho quá trình tinh giảm biên chế.
Người đứng đầu đơn vị cần tập hợp một bộ phận để xác định, xây dựng vị trí việc làm trong đơn vị. Phải làm thế nào để bố trí vị trí việc làm phù hợp với từng người.
Đương nhiên, ở vị trí nào thì lương nhận ở vị trí đó, nhưng chưa chắc điều này đã đúng. Ông thứ trưởng bộ này chưa chắc đã bằng lương của bộ khác.
Xin cảm ơn ông!
Tiền lương của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực
Việt Nam từng trải qua 4 lần cải cách tiền lương, nhưng thực tế bức tranh tiền lương vẫn khá tối. Điều này được thể hiện qua mức tiền lương của công chức, viên chức. Lương của một lao động công chức tốt nghiệp đại học mới ra trường chỉ khoảng 3,5-4 triệu đồng/tháng trong khi đó, mức lương của một lao động cũng có bằng đại học làm khu vực tư có mức lương thấp nhất cũng vào khoảng 7 triệu đồng/tháng. Mức này cao gần gấp đôi so với mức lương của một công chức, viên chức trẻ.
Tương tự nếu làm bài so sánh với mức lương của công chức, viên chức ở Việt Nam với công chức viên chức ở các quốc gia trong khu vực thì sẽ nhận thấy những điểm mất cân bằng trong chế độ tiền lương.
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh tiền lương của Việt Nam với các nước phát triển, nhưng chỉ cần so với các nước trong khu vực sẽ thấy một khoảng cách không nhỏ.
Một sinh viên mới ra trường ở Việt Nam có mức thu nhập là hơn 3,4 triệu đồng, mức lương trung bình của một công chức đi làm 10 năm là trên dưới 10 triệu đồng. Nếu quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức của Thái Lan có thu nhập là hơn 56 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng, Campuchia là 17 triệu đồng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.