Tăng lương tối thiểu vùng năm 2024: Đề xuất tăng khoảng 5-6%

Thùy Anh Thứ tư, ngày 09/08/2023 11:26 AM (GMT+7)
Bất chấp những khó khăn, người lao động và các chuyên gia cho rằng vẫn nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Mức tăng dự kiến từ 5-6% được cho là hợp lý.
Bình luận 0

Người lao động cho rằng lương tối thiểu vùng tăng 5-6% là hợp lý

Sáng nay (ngày 9/8), Hội đồng tiền lương Quốc gia bước vào phiên họp chính thức đầu tiên để thảo luận phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 tại Quảng Ninh.

Phiên họp của Hội đồng tiền lương gồm 3 bên: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động); Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện cho chủ sử dụng lao động) và Bộ LĐTBXH.

Như thường lệ, hàng năm Hội đồng tiền lương sẽ họp bàn thảo về tăng lương tối thiểu vùng cho các năm tiếp theo. Điều này được quy định cụ thể trong Bộ Luật Lao động năm 2019.

Ngay trong giờ giải lao phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia sáng nay, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia đã có những chia sẻ về nội dung liên quan tới tăng lương tối thiểu.

Tăng lương tối thiểu vùng năm 2024: Dự kiến tăng trong khoảng 5-6% - Ảnh 1.

Sáng nay (9/8), Hội đồng tiền lương quốc gia đang họp tại Quảng Ninh để bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Ảnh: NN

Ông Quảng cho rằng cần điều chỉnh lương theo chỉ số giá tiêu dùng để tiền lương thực tế của người lao động không bị giảm sút. Từ nhiều căn cứ, Công đoàn mong muốn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ vào khoảng 5-6%.

“Thời gian qua, tổ chức công đoàn luôn đồng hành với người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vững quan hệ lao động”, đại diện Tổng liên đoàn chia sẻ.

Cũng theo ông Quảng, trước phiên họp, tổ chức công đoàn tiến hành khảo sát ở 200 doanh nghiệp thuộc 6 tỉnh cho thấy, trên 75% người được khảo sát cho biết thu nhập không đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Bên cạnh đó, 17,3% số người tham gia khảo sát phải vay tiền chi tiêu.

Theo quy định Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 thì mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Điều đáng nói, tiền thuê nhà bình quân trên 1,8 triệu/tháng, lương thực chỉ chiếm 34,5%, phi lương thực 68,5%. Trong khi đó, thời gian điều chỉnh tiền lương theo nghị định 38 là 1,5 năm.

Việc lấy ý kiến của người lao động cũng cho thấy họ muốn tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024 với mức trên 11%.

"Chúng tôi thấy rằng, đây là thời điểm cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, người lao động cũng cần được điều chỉnh tiền lương để bù đắp phần trượt giá, cải thiện một phần đời sống", ông Quảng nêu.

Giới chủ kêu khó khăn, không nên tăng lương tối thiểu vùng ngay 

Đại diện cho chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho hay, doanh nghiệp rất quan tâm và coi người lao động là tài sản vô giá.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đời sống doanh nghiệp khó khăn. Nhu cầu tối đa của người lao động là được đi làm và doanh nghiệp mong muốn tìm thật nhiều việc làm cho họ. Nhiều doanh nghiệp đang chồng chất khó khăn vẫn gồng mình duy trì việc làm cho người lao động.

"Khi bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, chúng tôi đồng ý cần phải điều chỉnh. Tuy nhiên, điều chỉnh ngay lúc này thì không thể", ông Phòng nhấn mạnh.

tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 vào thời điểm này. Ảnh: NN

Theo Phó Chủ tịch VCCI, các chính sách chịu tác động rất nhiều đến điều chỉnh lương tối thiểu. Lương tối thiểu liên quan cân đối, tính toán Quỹ công đoàn, Quỹ bảo hiểm xã hội... mà các doanh nghiệp còn đề xuất giảm đóng quỹ này.

"Chúng ta chưa nên quyết định ngay điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong phiên họp này. Xem xét tăng lương cần phải có độ trễ, sẽ được quyết định căn cứ vào các thông số tới đây", ông Phòng tiếp tục nhấn mạnh.

Trước đó, từ 1/7/2022 mức tăng lương tối thiểu vùng đã tăng thêm 6%, áp dụng cho cả 4 vùng. Và lần đầu tiên, Hội đồng tiền lương đã ban hành mức lương tối thiểu vùng theo giờ cụ thể.

Cụ thể, theo Nghị định số 38, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng từ 1/7/2022 đến hết ngày 30/12/2023 theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng. Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem