Cách đây 4 năm, trận lũ dữ tràn qua bản Sa Ná đã cướp đi sinh mạng của 10 người, bản làng bị tàn phá hoang tàn. Bà con người Thái vô cùng hoảng loạn và hoang mang vì nơi ở ổn định bao đời bỗng dưng bị lũ san phẳng, nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Trước núi khó khăn đó, bà con đã nhận được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân cả nước. Mấy chục hộ dân di chuyển về nơi ở mới. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền địa phương cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của mỗi cư dân người Thái, họ đã lập bản mới và từng bước ổn định cuộc sống.
Bản làng hồi sinh ngoạn mục
Đường lên cửa khẩu Na Mèo giờ xe chạy bon bon. Đường đi đến đâu đói nghèo lạc hậu ở vùng biên giới cũng theo đó mà giảm dần. Ngày trước mỗi khi nhắc đến đường vào bản Sa Ná, ai cũng ngại cảnh núi cách sông ngăn. Sau bao năm sống ẩn dật bên dãy núi đã cao chất ngất giữa từng không, giờ bà con người Thái đen nơi đây đang vươn lên mạnh mẽ. Điện, đường, trường, trạm đã được mở tới tận bản. Xe ô tô con chạy bon bon.
Đến bản Sa Ná mới, điều dễ nhận thấy là sự no đủ hiển hiện trên từng nếp nhà. Những ngôi nhà sàn sạch sẽ, được xây dựng theo hàng, theo lối. Xung quanh nhà cây cối lên tươi tốt. Lớp học đầu bản ê a tiếng học sinh đọc vần. Cảnh hoang tàn khi xưa đã bị khỏa lấp bới nhịp sống mới nơi biên viễn.
Công dân người Thái đầu tiên mà chúng tôi gặp là ông Ngân Văn Thêu, trưởng bản Sa Ná. Ngôi nhà sàn bề thế rộng rãi hơn trăm m2 với 6 hàng cột của ông Thêu đẹp như homestay nghỉ dưỡng. Nền nhà được lát gạch sạch sẽ. Bốn bề lợp mái tôn che mưa, che nắng. Không ai nghĩ ở nơi thâm sơn cùng cốc, người dân lại có thể làm được ngôi nhà vững chãi và đẹp đến vậy.
Ông Thêu ngồi uống nước bên hiên nhà mà không giấu được niềm vui: "Bà con chuyển đến nơi ở mới được 4 năm rồi. 51 hộ dân đều được hỗ trợ tiền làm nhà và cấp đất làm nhà mới. Chưa bao giờ bà con người Thái chúng tôi lại nghĩ xóm làng được làm khang trang đến vậy".
Quả như lời ông trưởng bản, những ngôi nhà sàn khác của bà con người Thái đều được làm kiên cố và lợp tôn. Màu xanh, đỏ của mái tôn nổi lên giữa núi rừng xanh thẳm nom thật ấm cúng. Xóm trên, xóm dưới được quy hoạch theo đường, theo lối nom tựa như một khu phố văn minh.
Gặp ông Phạm Văn Liệt đang đi thăm bà con trong bản mà lòng vui như mở hội. "Có đường ô tô đến tận bản, nên bà con bán sản phẩm khai thác từ rừng được giá hơn. Ngày trước, muốn bán được măng khô, bà con phải đi bộ cả chục cây số. Hiện nay tư thương đến tận bản thu mua. Ngoài ra mặt hàng tre, luồng cũng đắt hàng, nhà ai chịu khó là thu cả triệu đồng/ngày từ khai thác nguồn nguyên liệu này", ông Liệt chia sẻ.
Bản Thái đang thay da đổi thịt từng ngày. Vui hơn cả là bà con đã thay đổi cách làm ăn. Nếu như ngày trước, mọi thứ bà con đều trông từ rừng, nay các hộ đã biết trồng cây ăn quả và chăn nuôi.
Gia đình bà Ngân Thị Suối là hộ chăn nuôi giỏi nhất bản. Xung quanh ngôi nhà mới, bà trồng mía, mít, xoài, ổi… Cây nào cây nấy sai trĩu quả. Bà Suối – phụ nữ người Thái cả đời lam lũ và chịu thương, chịu khó giờ trở thành gương sản xuất giỏi của bản. Từ khi chuyển về nơi ở mới, bà mạnh dạn nuôi nhím, nuôi thỏ và dúi. Mỗi năm thu nhập được vài chục triệu đồng.
Theo bà Suối, ở bản có nhiều phụ phẩm nông nghiệp, nên gia đình bà đã mạnh dạn nuôi nhím, nuôi dúi. Nuôi con đặc sản này, bà không phải mua thức ăn, nên lợi nhuận mang lại cao hơn. Hơn nữa, con nhím, con dúi dễ bán, lại ít bị bệnh. "Hiện gia đình tôi có 13 con nhím, 8 con dúi và 5 con thỏ sinh sản. Đám này đẻ khỏe lắm, sau mỗi năm lại đón thêm mấy chục "thành viên" mới", bà Suối cho biết.
Vượt qua đau thương mất mát
Mỗi hộ dân ở bản Sa Ná đều đang nỗ lực vươn lên xây dựng bản mới. Nỗi mất mát đau thương ngày nào cũng theo đó mà tan biến. Một cuộc hồi sinh thực sự đang diễn ra ở Sa Ná. Trường học, nhà văn hóa, sân vui chơi cho bà con cũng được xây dựng. Nếu như những năm trước đây trai tráng người Thái chỉ biết đến cung nỏ và chài lưới, nay họ đã biết đi xe máy và chơi bóng chuyền.
Một sự thay đổi lớn đang diễn ra trong từng gia đình. Trường lớp được xây dựng khang trang, con cái người Thái cũng được quan tâm nhiều hơn. Nói như ông Thêu: "Ở đâu đó vẫn còn một số hộ khó khăn, thiếu thốn, nhưng bà con người Thái đều đồng lòng cho con em mình đi học lấy cái chữ để sau này chúng sẽ là đầu tầu đưa bản làng thoát nghèo". Ông Thêu cũng thông tin, năm 2020, bản Sa Ná là bản biên giới đầu tiên của huyện Quan Sơn công bố đạt chuẩn nông thôn mới.
Nói chuyện nay để nhắc chuyện xưa khiến ông Thêu chột dạ khi nhớ lại trận lũ dữ xảy ra ở bản cách đây chưa lâu. Trận lũ xảy ra vào đầu tháng 8/2019. Thời điểm đó trời mưa suốt mấy ngày không tạnh. Nước từ thượng nguồn đổ về đã cuốn trôi 23 ngôi nhà, 11 nhà bị sập, 14 người bị mất tích và chết. Trận lũ lịch sử này khiến bản làng tan hoang, người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Trước sự đau thương, mất mát của bà con nhân dân, nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước, hỗ trợ của cá nhân tổ chức trên cả nước và chính quyền địa phương đã đồng lòng giúp đỡ bà con người Thái di chuyển đến nơi ở mới. Bản mới nằm cách bản cũ 1,5 km. Theo đó, 19 ngôi nhà cấp 4 và 32 căn nhà sàn truyền thống mới được dựng khang trang trên diện tích gần 3ha. Bên cạnh được bố trí hai điểm trường Mầm non, Tiểu học và nhà văn hoá cộng đồng.
Hơn 4 năm trước (vào đầu tháng 8/2029), tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng làm 10 người chết, một số người bị mất tích, toàn bộ thông tin liên lạc bị hư hỏng, bản không còn điện, không điện thoại, Internet. Cả bản chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn.
Còn nữa.