Có lẽ sau nhiều năm nữa, người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) vẫn không thể quên trận lũ quét kinh hoàng hồi tháng 8/2019, khiến 24 ngôi nhà bị cuốn trôi, xô đổ, 10 người đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng sau hơn 1 năm, Sa Ná đã hồi sinh một cách “thần kì” khoác lên màu áo mới ấm no, khang trang hơn...
Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, huyện Quan Sơn, các ngành chức năng, những tấm lòng hảo tâm, doanh nghiệp đã chung tay chia sẻ, giúp đỡ kịp thời, bản Sa Na đã sớm khắc phục hậu quả của cơn bão và xây dựng khu tái định cư cho 51 hộ dân.
Bà con đã sớm ổn định cuộc sống, được Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, nhà văn hóa, trường học và cải tạo đất sản xuất…
Chồi sống mới trên bản Sa Ná
Bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) hiện có tổng diện tích đất tự nhiên là 737,66 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 420,07ha, đất trồng lúa 17,3 ha, đất ở 6,37ha, đất phi nông nghiệp 21,66 ha, bản có 78 hộ với 339 nhân khẩu, có 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống.
Sau một năm cơn lũ quét kinh hoàng đi qua, người dân nơi đây đã vượt qua nỗi đau thương, mất mát cùng với các cấp, chính quyền địa phương chỉnh trang, làm mới các tuyến đường nội bản, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí thực hiện trên 50 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ là 26,4 tỷ đồng, vốn huy động của huyện, xã 18 tỷ, nhân dân đóng góp được 5,7 tỷ đồng.
Để sắp xếp cho 51 hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, khu tái định cư mới được quy hoạch đường bàn cờ, bê tông hóa, mỗi hộ được giao 240m2 thiết kế theo mẫu chung. Hộ nào có điều kiện thì làm nhà sàn truyền thống. Về chính sách hỗ trợ bà con dân bản Sa Ná, đối với nhà bị thiệt hại từ 70% đến 100% được hỗ trợ 300 triệu đồng; nhà bị thiệt hại từ 50 đến 70% được hỗ trợ 200 triệu đồng, còn nhà bị thiệt hại từ 30 đến 50% thì được hỗ trợ 150 triệu đồng.
Tháng 8/2019, ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây ra trận lũ quét lịch sử tại bản Na Sá, xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa), làm 10 người chết và mất tích, nhiều nhà cửa, tài sản và hoa màu của nhân dân bị cuốn trôi, nhân dân lâm vào hoàn cảnh tang thương gặp muôn vàn khó khăn về đời sống.
Tính đến tháng 11/2020, bản Sa Ná không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của bà con ở đây cao hơn hẳn các bản lân cận, đạt 54 triệu đồng/người/năm. Theo lãnh đạo địa phương, thu nhập của bà con chủ yếu đến từ nguồn khai thác, buôn bán lâm sản phụ và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hơn 90% số hộ đạt gia đình văn hóa, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%.
Dọc 2 bên ven đường vào bản, các loài hoa đang khoe sắc thắm, những loài cây ăn quả như mít Thái, xoài, nhãn đang vươn lên xanh tốt như chính nghị lực của con người nơi đây, đau thương đã biến thành sức mạnh và giờ đây sức sống đang hồi sinh, người dân Sa Ná đã đồng lòng, đoàn kết xây dựng thành công bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Biến bản cũ thành nơi sản xuất
Ông Lữ Văn Hà - Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Hiện bản Sa Ná đã hoàn thành bản nông thôn mới, đạt 14/14 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 21/08/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
"Sau 6 tháng triển khai thực hiện xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đưa ra các giải pháp, lộ trình phù hợp, bản Sa Ná đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Giờ đây bộ mặt nông thôn mới bản Sa Ná có nhiều khởi sắc, nhận thức của cán bộ, người dân được nâng lên rõ rệt.
Người dân có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường, các lĩnh vực kinh tế xã hội được triển khai đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất đời sống của nhân dân. Trong bản đã hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Từ đó, bản không còn hộ nghèo, đời sống tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được ổn định và giữ vững" - ông Lữ Văn Hà chia sẻ.
Để giúp bà con vực lại sản xuất nông nghiệp, xã Na Mèo và huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã quyết định cải tạo lại khu vực bị lũ cuốn trôi làm "vườn rau an toàn". Vườn rau được chia cho 51 hộ dân tái định cư, mỗi hộ 100 m2. Kể từ khi có mô hình mới này, bà con rất phấn khởi, tăng gia sản xuất.
Đã hơn một năm, "vùng đất chết" ấy đã được phủ một màu xanh ngát. Một vườn rau sạch do chính người dân nơi đây chăm sóc đã đến vụ thu hoạch, thế chỗ cho những ngôi nhà đổ nát bên dòng suối Son ngày ấy.
Ghé thăm vườn rau, chúng tôi bắt gặp cảnh người dân đang phấn khởi thu hoạch thành quả sau nhiều tháng gieo trồng, chăm sóc. Chị Vi Thị Như (47 tuổi) bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vui vẻ, tâm sự: "Mỗi nhà được 100m2 đất để canh tác, chúng tôi rất vui mừng. Từ nay, không phải lo đất canh tác hoa màu nữa. Với vườn rau này chúng tôi chủ yếu trồng các loại rau thông dụng như rau muống, rau dền, mùa nào thức đó để lấy cái ăn hằng ngày".
Cùng tâm trạng như chị Như, chị Hà Thị Thận (46 tuổi) niềm nở: "Cũng may mà có vườn rau xanh ngát này chứ mỗi lần nhìn bãi đất trống huơ, trống hoác với ngổn ngang đất đá kia thì xót xa lắm. Vườn rau này chính là nguồn sống để chúng tôi nguôi ngoai phần nào mỗi khi đặt chân trở lại nơi vùng lũ đi qua".
Con đường trong bản Sa Ná giờ đây hoàn toàn khác so với hồi tháng 8/2019 mà chúng tôi đã từng ghé qua. Thay lớp bùn cũ sau cơn lũ, con đường đến Sa Ná giờ được làm khang trang, sạch đẹp. Những lùm tre, đồi luồng đang vươn mình xanh tốt, nếp nhà thơm mùi hương khói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.