Loài dược liệu miền Bắc "bén đất" Gia Lai
Những ngày cuối tháng 9, PV Dân Việt được chính quyền địa phương dẫn đi tham quan trang trại hoa hòe của ông Đào Tiến Tình (ở thôn U Diếp, xã Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).
Trang trại này có tổng diện tích khoảng 10 ha nằm trải dài và được bao bọc bởi những diện tích trồng cà phê, cao su. Từng cây hoa hòe được ông Tình bố trí nằm ngay hàng thẳng lối rất bắt mắt. Thời điểm này, những bông hoa hòe đã bắt đầu nở hoa.
Trò chuyện cùng với PV, ông Đào Tiến Tình cho biết, ở tỉnh Thái Bình – quê hương ông, hầu như nhà nào cũng trồng hoa hòe.
Loài dược liệu này không chỉ xuất hiện trong mỗi mảnh vườn hay con đường làng đã lan rộng khắp ra khắp cánh đồng. Nhiều hộ dân tại Thái Bình đã thu nhập cao khi trồng hoa hòe.
Nhận thấy khí hậu, đất đai ở huyện Chư Sê rất thích hợp để trồng hoa hòe nên ông đã quyết định phá bỏ 3 ha hồ tiêu già cỗi, kém năng suất sang trồng thử giống hoa hòe của Thái Bình.
"Vốn đã quen thuộc với loại cây trồng này ở quê hương hồi nhỏ nên quá trình trồng và chăm sóc tại huyện Chư Sê, tôi không gặp quá nhiều khó khăn.
Chỉ gần 10 tháng xuống giống, tôi đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Trung bình 1 ha hoa hòe cho thu hoạch 4 tấn nụ khô, với giá bán thời điểm đó 100.000-120.000 đồng/kg thì sau chi phí, gia đình tôi thu lãi 250 triệu đồng/ha", ông Tình cho hay.
Từ hiệu quả ban đầu, vào cuối năm 2022, ông Tình đã chặt phá diện tích hồ tiêu già cỗi còn lại để mở rộng diện tích trồng hoa lên thành 10 ha. Ngoài ra, ông Tình hiện đang trồng thêm 10 ha hoa hòe tại xã Đê Ar (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).
Canh tác theo hướng hữu cơ
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng, ông Tình cho hay, cây hoa hòe rất "ưa" khí hậu, đất đai tại địa phương này nên phát triển nhanh và ra hoa quanh năm.
Kỹ thuật trồng cây khá đơn giản, không tốn công chăm sóc lại ít sâu bệnh; nhanh cho thu hoạch. Từ tháng 3 đến tháng 12 là thời điểm thu hoạch hoa hòe rộ nhất. Khi cây hoa hòe cao 1-1,2m, ông bắt đầu thuê công nhân bấm ngọn để cây đẻ nhánh. Trên một cây hòe, ông chỉ giữ lại 4-5 cành chính để tán lá phân bố đều.
"Đặc biệt khi trồng hoa hòe, tôi luôn chú trọng canh tác theo hướng hữu cơ. Tôi sử dụng phân bò rồi ủ hoai mục thành phân hữu cơ để bón cho vườn cây. Cách làm này vừa tiết kiệm nhiều chi phí mà vườn cây hòe lại phát triển tốt, bền vững thay vì bốn phân hóa học.
Bên cạnh đó, việc cung cấp nước cho cây hoa hòe cũng được tôi chú trọng. Mặc dù chịu hạn tốt nhưng vào những tháng mùa khô nắng nóng, 2 lần/ngày ông đều đặn tưới cho cây. Toàn bộ vườn cây đều được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động đến từng gốc cây", ông Tình phân tích.
Cũng theo ông Tình, hoa hòe một dược liệu quý và được trồng để lấy nụ hoa. Sau khi thu hoạch nụ, người ta sẽ tiến hành phơi khô hoặc sấy khô để làm trà.
Trong hoa hòe có chứa hàm lượng rutin là một loại vitamin có tác dụng giúp ổn định và hạ huyết áp, phòng ngừa tai biến mạch máu não.
Với những thành công bước đầu, ông Tình cho biết, bản thân đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng hoa hòe lên thành 50 ha tại huyện Chư Sê và Mang Yang vào năm 2024.
Cùng với đó, ông dự định sẽ xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ hoa hòe.
"Đồng thời, tôi sẽ vận động một số hộ dân, đặc biệt là hộ người dân tộc thiểu số trong vùng chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa hòe. Tôi sẽ hỗ trợ về giống, kỹ thuật và cam kết thu mua sản phẩm cho bà con để giúp họ cải thiện kinh tế gia đình", ông Tình nói thêm.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho hay, cây hoa hòe đã được trồng tại địa bàn huyện cách đây khoảng 4 năm.
Đến năm, tổng diện tích hoa hòe trên địa bàn huyện là khoảng 20 ha. Theo đánh giá ban đầu, khí hậu, thổ nhưỡng ở tỉnh Gia Lai rất phù hợp để trồng loài dược liệu này.
"Đặc tính của cây hoa hòe rất ít chăm sóc, ít sâu bệnh, cho thu hoạch nụ hoa quanh năm và có thể trồng xen với các các cây trồng khác như cà phê để chắn gió, tạo bóng mát.
Loài dược liệu này phù hợp với điều kiện sản xuất của người nông dân Gia Lai, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với hộ ông Đào Tiến Tình, ngành nông nghiệp của huyện sẽ có những hỗ trợ đối với ông trong việc xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ cây hoa hòe. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục theo dõi để đánh giá hiệu quả kinh tế của cây hoa hòe trước khi tham mưu cho lãnh đạo huyện để nhân rộng diện tích", ông Hợp thông tin thêm.