Chim cút-loài chim bé tí dễ nuôi
Phường Điện Thắng Bắc có nhiều hộ nuôi chim cút, nhưng gia đình anh Phạm Minh Cảnh là hộ nuôi có số lượng đàn lớn nhất. Anh Cảnh bắt đầu khởi nghiệp nuôi chim cút từ năm 1997.
Khi đó, anh vừa nuôi chim cút đẻ trứng và ấp trứng, bán chim giống với tổng đàn 10.000 con, đầu tư số vốn khoảng 300 triệu đồng. Sau một thời gian, nhận thấy nuôi chim cút đẻ trứng cho lợi nhuận cao hơn, nên anh quyết định thuê đất để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nuôi chim cút nằm xa khu dân cư, phía sau một cánh đồng lúa, anh Cảnh vui vẻ nói: "Nghề nuôi chim cút đẻ nhàn lắm, không tốn nhiều diện tích nuôi và công chăm sóc, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 250m2, tôi nuôi 20.000 chim cút đẻ, thiết kế thành 2 dãy chuồng, mỗi chuồng nhỏ gồm 6 lồng xếp tầng lên nhau, mật độ nuôi 40 con/1 lồng".
Nuôi chim cút chỉ 35 ngày là đẻ trứng, nhanh có thu. Anh Cảnh mua cút giống từ tỉnh Phú Yên về đã 20 ngày tuổi, chỉ cần nuôi thêm 15 ngày là có thể thu trứng bán.
Anh Cảnh cho biết, nuôi chim cút rất dễ, chủ yếu tận dụng thời gian rỗi. Khi nuôi đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo. Đặc biệt phải phòng ngừa kháng sinh, thuốc bổ đầy đủ và cho ăn bằng loại cám dành riêng cho chim cút là chúng sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh, đẻ đều. Sau 9 tháng phải thải cút để đảm bảo thu hoạch trứng hiệu quả.
Anh chăn nuôi cút theo hướng an toàn sinh học, sử dụng đệm lót có chứa tro trấu để làm tiêu hoai nhanh chóng lượng phân thải ra. Do đó giảm được mùi hôi thối, khí độc trong chuồng, tạo môi trường sống không ô nhiễm và tiết kiệm thời gian vệ sinh chuồng trại, đồng thời giúp giảm tỷ lệ chim mắc bệnh.
Phân cút được anh thu gom và phơi khô trong 2 ngày, sau đó bán làm phân bón. Tiền thu được từ phân ủ giúp anh Cảnh có thêm một khoản kha khá để chi trả thuốc men nuôi chim.
Nằm ở cánh đồng lúa, nên trại cút khá mát mẻ vào mùa hè, nhiệt độ thông thoáng. Anh Cảnh sử dụng tấm cách nhiệt cho trần nhà, mở hết các cửa trại. Vào mùa đông, do thời tiết lạnh nên chim sinh sản chậm, anh thắp đèn để đảm bảo ánh sáng và tăng độ ấm, duy trì nhiệt độ thích hợp cho chim cút phát triển là 20-30 độ C.
Luôn giữ chuồng trại yên tĩnh, vì cút rất dễ bị kích thích do sợ hãi tiếng động. Nước cho cút uống phải là nước sạch, được thiết kế dẫn theo một hệ thống tự động mổ giúp tiết kiệm nước và giữ vệ sinh chuồng trại.
Đem lại thu nhập cao
Anh Cảnh cho hay: "Thức ăn của cút là loại chế biến sẵn, thỉnh thoảng tôi pha các loại vitamin vào để tăng dinh dưỡng, giúp cút đẻ chất lượng trứng tốt. Bình thường người ta cho cút ăn ngày 2-3 lần, cứ thấy hết là lại đổ thêm. Nhưng từ khi tôi đặt lưới ăn có ô tròn khoảng 1cm vào máng, thì chỉ cần đổ bột 1 lần là cút sẽ cặm cụi ăn cả ngày, lượng thức ăn luôn đảm bảo mới, cút không bươi bột rơi vãi".
Trung bình mỗi ngày, đàn chim cút 20.000 con ăn hết 20 bao cám. Trong quá trình nuôi đẻ, vợ chồng anh Cảnh luôn theo dõi thể trọng của cút để tránh chim quá mập hay quá gầy, sẽ làm giảm năng suất đẻ trứng.
Bên cạnh việc chủ động tìm tòi, tìm hiểu phương pháp nuôi hiệu quả, an toàn, anh Cảnh còn tích cực tham gia các lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh và xử lý thuốc men trên đàn gia súc, gia cầm do địa phương tổ chức. Từ đó, anh nắm vững kiến thức chăn nuôi chim cút đẻ, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo anh Cảnh, nuôi chim cút đẻ không cần nhỏ vắc xin phòng bệnh như heo, gà, nhưng khâu tiêu độc khử trùng chuồng trại hết sức quan trọng. Cứ 2 ngày anh vệ sinh chuồng một lần, thường xuyên phun thuốc sát khuẩn chuồng trại và môi trường xung quanh.
Sau mỗi buổi sáng thu trứng, vợ chồng anh sẽ quan sát kỹ từng chuồng, theo dõi tình trạng ăn uống, phân để nắm tình hình phát triển của cả đàn. Qua đó, phát hiện sớm nếu có dịch bệnh và kịp thời xử lý để giảm thiểu thiệt hại.
Chia sẻ về những lần chăn nuôi thất bại, anh Cảnh tâm sự: "Cút đẻ nhìn thì dễ nuôi, dễ ăn tiền, nhưng người nuôi phải chịu khó và thực sự tâm huyết thì mới gắn bó lâu dài được. Tôi nhớ nhất là hai trận càn quét của dịch cúm H5N1 năm 1999 và 2006 khiến tôi sạch chuồng, không còn một đồng vốn. Nhưng từ niềm đam mê nuôi cút đã giúp tôi gắng gượng đứng dậy để làm lại từ đầu".
Chim cút là loài có sức đề kháng cao và khỏe mạnh, ít bị bệnh tật nhưng thường mắc bệnh về đường ruột. Khi phát hiện cút bị bệnh thì nhanh chóng cách ly đàn, xử lý thuốc để tránh lây lan ra cả trại. Sau đó tiến hành vệ sinh khử trùng môi trường nuôi, máng ăn, máng uống.
Trứng chim cút được anh Cảnh cung cấp thường xuyên cho các chợ, siêu thị trong và ngoài địa phương. Với tình hình chăn nuôi ổn định, trung bình mỗi năm anh thu lãi gần 200 triệu đồng, trở thành tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của địa phương.
Từ nguồn thu của trang trại, anh đầu tư mua xe tải để vận chuyển trứng chim cút đi tiêu thụ. Đều đặn 2 ngày anh sẽ thu trứng một lần, được từ 70.000-80.000 trứng, bán giá sỉ 6.000 đồng/10 quả.
Trang trại nuôi chim cút của anh Cảnh là địa chỉ được nhiều người tìm đến tham quan, học hỏi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tích luỹ nhiều năm để cùng bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững.