Đến với các xã, thị trấn của huyện Mường Khương (Lào Cai) vào những ngày này, thấy những tuyến đường giao thông nông thôn trải dài đã và đang được Nhà nước hỗ trợ đầu tư bê tông hóa, tạo thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận tiện. Hai bên những cung đường đó cũng chính là màu xanh bạt ngàn của cây chè.
Đang hái những búp chè tươi non xanh bóng mượt cùng người thân trong gia đình, anh Lý Chín Mình, thôn Sín Lùng Chải, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, chia sẻ: Năm 2011, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ trồng 1 ha chè Shan tuyết.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật hiện nay số diện tích chè đã cho thu hoạch. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình tôi thu được gần 10 tấn chè búp tươi, thu về gần 100 triệu đồng. So với cây ngô thì cây chè mang lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.
Chị Nông Thị Dín, thôn Na Vai B, xã Bản Sen, huyện Mường Khương phấn khởi: Gia đình tôi trồng chè được hơn 20 năm nay rồi, hiện gia đình tôi có 2 ha, trong 9 tháng đầu năm 2023, gia đình tôi đã thu được hơn 10 tấn chè búp tươi. Với giá bán dao động từ 6-8 nghìn đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng.
Hiện nay, chè búp tươi của gia đình tôi thu hoạch đến đâu được HTX Bản Sen thu mua đến đó nên người dân chúng tôi rất yên tâm.
Ông Trần Mạnh Thắng, Phó Giám đốc HTX Bản Sen, xã Bản Sen, huyện Mường Khương, cho hay: HTX Bản Sen thành lập năm 2020, sau một thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, HTX đã từng bước khắc phục khó khăn và đi vào hoạt động hiệu quả, với ngành nghề kinh doanh thu mua chè của người dân để sao thành chè khô xuất khẩu.
Theo ông Thắng chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, HTX đã thu mua của người dân trong xã Bản Sen và các xã lân cận 700 tấn chè búp tươi và xuất khẩu ra thị trường thế giới được khoảng 160 tấn khô. Hiện, HTX Bản Sen đang thu mua chè búp tươi của người dân, với giá từ 6-8 nghìn đồng/kg nên người dân rất yên tâm.
Bên cạnh đó, HTX còn nhân giống cây chè để cung cấp cho bà con mở rộng diện tích vùng trồng; hướng dẫn bà con chăm sóc, bón phân, tỉa lá và cách thu hoạch chè đúng cách…
Là một trong những huyện nghèo của cả nước và là huyện vùng cao biên giới, kinh tế, hội còn nhiều khó khăn, huyện Mường Khương luôn xác định chè là một trong những cây trồng chủ lực để giúp bà con nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, thực Nghị quyết số 10 - NQ/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về "Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", huyện Mường Khương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền vận động nhân dân tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Từ đó, xây dựng vùng chè nguyên liệu chất lượng cao, coi cây chè là cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Do vậy, huyện Mường Khương đã tập trung chỉ đạo, các phòng, ban chuyên môn của huyện tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trồng chè.
Khuyến khích các hộ dân trồng chè bằng các chính sách vay vốn ưu đãi có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm chè cho người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu quả năng suất, chất lượng chè và triển khai trồng mới chè tại các xã có thế mạnh phù hợp.
Đến nay, huyện Mường Khương có gần 5.000 ha chè chủ yếu là chè Shan tuyết, Kim tuyên được trồng tập trung tại các xã Bản Sen, Lùng Khấu Nhin, Lùng Vai, Thanh Bình, Pha Long, Cao Sơn…
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Khương (Lào Cai) cho biết: Cây chè vốn đã gắn bó với bà con từ nhiều năm nay, trong đó, có những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi. Với việc phát triển trồng, chăm sóc cây chè không đòi hỏi kỹ thuật cao nên phù hợp cho bà con vùng cao mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, khí hậu Mường Khương vùng núi cao nên chất lượng chè thơm đặc trưng so với các vùng chè khác. Đồng thời, huyện Mường Khương có nhiều doanh nghiệp liên kết thu mua sản phẩm chè cho bà con yên tâm hơn về đầu ra. Đến thời điểm này, cây chè đang phát triển bền vững, đây sẽ là chìa khóa để cho người dân các xã vùng cao từng bước vươn lên thoát nghèo.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đời sống của người dân đã từng bước được nâng lên. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 28,78 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 39,74%.