Trước đó, Dân Việt đã đưa tin về buổi đấu giá gây choáng khi 3 mỏ cát được Hà Nội đưa ra đấu giá quyền khai thác đều được trả mức giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Đáng nói, ví dụ như mỏ Liên Mạc, nhiều ý kiến cho rằng đối chiếu với trữ lượng dự báo đưa ra đấu giá và giá trúng thầu, giá mỗi m3 cát khai thác bị đẩy lên đến khoảng 500.000-800.000 đồng/m3. Đây là con số cao bất thường, và với giá cát như vậy doanh nghiệp khai thác sẽ rất khó có lãi.
Trao đổi với PV Dân Việt, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VLXD) Tống Văn Nga cũng cho rằng khả năng thua lỗ của doanh nghiệp là có cơ sở, và chỉ có bản thân doanh nghiệp mới biết rõ vì sao trả giá đấu thầu cao đến như vậy.
"Hoặc phải kiểm tra quá trình làm khảo sát trữ lượng, có thể là chúng ta đã đánh giá sai, hoặc nghiêm trọng hơn là giấu trữ lượng. Trữ lượng nhiều hơn nhưng khi đấu thầu chỉ tính có chừng ấy", Chủ tịch Hiệp hội VLXD Tống Văn Nga nói.
Phản ứng khi mức giá trúng thầu được công bố, một số doanh nghiệp trong ngành cũng phải "choáng váng" đồng thời cho rằng mỗi doanh nghiệp sẽ có một phép tính. Không loại trừ các đơn vị trúng thầu đã tính tới bài toán ủ cát, bán nhỏ giọt để đợi giá thị trường tăng giá. Bởi tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, cộng với thị trường khan hiếm sẽ nâng giá sẽ tăng gấp nhiều lần.
Chia sẻ về sự bất thường này, ông Tống Văn Nga thẳng thắn nêu nhận định, "Cũng cần tính tới việc doanh nghiệp khi thực hiện khai thác sẽ vi phạm các quy định như khai thác ngoài quy hoạch, ngoài giờ... Hoặc doanh nghiệp muốn giữ lại khu đất để sau này xây dựng công trình khác. Những việc làm đó đều là vi phạm, và phải xử lý nếu phát hiện".
Mục đích của UBND thành phố Hà Nội khi đưa các mỏ cát ra đấu giá nhằm dễ quản lý, vừa khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản vừa đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, mục tiêu lớn nhất mà thành phố là góp phần hạn chế tối đa hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép, gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường và gây mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thành phố hiện nay. Tuy nhiên, những mục tiêu này sẽ lung lay nếu không được kiểm soát tốt, ông Tống Văn Nga cho rằng tất cả đều là do con người, giải pháp tiên quyết nhất phải là tâm lý chấp hành các quy định pháp luật, làm đúng, làm đủ.
Liên quan đến việc 3 mỏ cát vừa được Hà Nội đưa ra đấu giá được trả cao bất thường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Công điện nêu rõ, trên địa bàn TP. Hà Nội vừa qua, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng.
Chiều 14/11, trao đổi với PV Dân Việt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP.Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho biết, hiện nay Sở đang thực hiện rà soát để báo cáo UBND thành phố.
Chia sẻ về vấn đề dư luận đang hết sức quan tâm, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết chưa phát hiện vấn đề vi phạm nào trong quá trình triển khai đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát vừa qua. Hiện nay điểm đáng chú ý nhất vẫn chỉ ở việc các mỏ được trả giá cao và đó là quyền của doanh nghiệp.
"Bản thân chữ quyền-khai-thác đã nói nên sự vĩ mô, không phải chỉ là m3 cát. Nếu lấy ra để chia trữ lượng ra m3 thì tôi nghĩ rằng là doanh nghiệp họ chỉ đâu có bài toán đó. Còn rất nhiều bài toán khác để họ trả cao, đó là bí mật nhà nghề của doanh nghiệp và điều đó không phạm luật", ông Nguyễn Anh Quân nói.
Đồng thời, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, do trữ lượng m3 cát tại mỏ và quyền khai thác không cùng đơn vị tính nên không thể so ra để chia mặt bằng.
Trả lời về nghi vấn các mỏ bị đánh giá sai trữ lượng, Phó Giám đốc Sở TN&MT khẳng định, việc tham gia vào Hội đồng đánh giá trữ lượng của thành phố có sự đóng góp của rất nhiều chuyên gia. Từng bước phê duyệt dự án, phê duyệt kết quả, thẩm định đánh giá trữ lượng đều được thực hiện bởi tập thể, không phụ thuộc cá nhân. Đồng thời, việc thẩm định được thực hiện từ trước, chứ không phải tới giờ mới làm.
Chia sẻ về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của 3 doanh nghiệp trúng thầu vừa qua, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Anh Quân cho biết với nội dung này, doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện theo lộ trình, chia làm nhiều giai đoạn.