Chân dung doanh nghiệp mới thành lập 1 tháng trúng thầu mỏ cát giá hơn 400 tỷ

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 08/11/2023 10:30 AM (GMT+7)
Trong số 3 doanh nghiệp vừa trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát tại Hà Nội, có doanh nghiệp chỉ thành lập cách thời điểm đấu giá hơn 1 tháng. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ khá khiêm tốn so với giá trúng thầu mỏ cát.
Bình luận 0

Trong 3 mỏ cát được Sở TN&MT thành phố Hà Nội đưa ra đấu giá, mỏ Tây Đằng – Minh Châu có trữ lượng lớn nhất, với gần 4,9 triệu m3 khai thác. Sau buổi đấu giá, quyền khai thác mỏ Tây Đằng – Minh Châu đã thuộc về Công ty TNHH Thương Mại Phúc Lộc Thịnh (Công ty Phúc Lộc Thịnh).

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, doanh nghiệp này thành lập năm 2012 tại xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ngày đầu thành lập, Công ty Phúc Lộc Thịnh có vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là ông ông Nguyễn Văn Nha, giữ chức danh Giám đốc.

Công ty Phúc Lộc Thịnh tiếp tục có các đợt tăng vốn điều lệ vào các năm 2017, 2020 lần lượt là 20 tỷ đồng và tăng lên 99 tỷ đồng với các cổ đông Trương Thị Ngọ và Nguyễn Văn Phúc, mỗi người giữ 50% tỷ lệ. Để có quyền khai thác mỏ Tây Đằng – Minh Châu, công ty Phúc Lộc Thịnh đã bỏ thầu tới 880 tỷ, gấp 46 lần giá khởi điểm và gấp hơn 8 lần so với vốn điều lệ năm 2020.

Chân dung các doanh nghiệp "chịu chi" nhất trong buổi đấu giá 3 mỏ cát Hà Nội - Ảnh 1.

Buổi đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát tại Hà Nội vừa qua

Công ty trung thầu mỏ cát Châu Sơn là Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn (Công ty Việt Sơn). Công ty này được thành lập vào tháng 2/2009 tại thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Thành Quý. Ban đầu doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 9 tỷ đồng, cổ đông nắm giữ 80% tỷ lệ vốn là ông Ngô Thành Sơn. Danh tính cổ đông nắm 20% còn lại không được tiết lộ. Năm 2017, tỷ lệ sở hữu cổ phần của 2 cổ đông Ngô Thành Quý  là 14,9%, 4,9% là của  Hoàng Văn Long – Tổng giám đốc.

Suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp này liên tục chuyển trụ sở. Biến động đáng chú ý có thể nhắc đến là vào quãng thời gian năm 2017, Công ty Việt Sơn chuyển trụ sở từ tỉnh Bắc Ninh về thành phố Hà Nội và đặt trụ sở chính tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Tiếp đó có thêm một lần chuyển trụ sở về số 36, ngõ 61 cũng thuộc phường Vĩnh Tuy. Thời gian này, vốn điều lệ của Công ty Việt Sơn tăng lên thành 99 tỷ đồng, gấp 10 lần so với khi thành lập.

Năm 2019, doanh nghiệp này lại trở về nơi "khai sinh" là tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời trong thời gian này, vốn điều lệ giảm xuống còn gần 44 tỷ đồng.

Riêng về Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP (Công ty KSP), đơn vị vừa trúng thầu mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) với mức trúng thầu cao gấp 204 lần so với giá khởi điểm lại vô cùng non trẻ.

Khối thông tin của doanh nghiệp này rất trống bởi theo tìm hiểu của PV, KSP chỉ mới được thành lập cách thời điểm đấu giá 3 mỏ cát... hơn 1 tháng. Cụ thể, Công ty KSP thành lập ngày 26/9/2023 tại phố Trần Đăng Ninh, phường Phú La, quận Hà Đông. Người đại diện là ông Lê Sơn Tùng, doanh nghiệp thành lập với vỏn vẹn 9,9 tỷ đồng. 2 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Văn Phong, giữ 52% tỷ lệ và ông Lê Sơn Tùng, giữ 48%.

Chân dung các doanh nghiệp "chịu chi" nhất trong buổi đấu giá 3 mỏ cát Hà Nội - Ảnh 2.

Công ty KSP chỉ mới thành lập vào tháng 9/2023. Ảnh chụp màn hình

Đến cuối tháng 10/2023, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng do có thêm sự tham gia của các cổ đông Nguyễn Văn Định, Đặng Hoàng Sơn. Trong 3 mỏ cát được đưa ra đấu giá đợt 1 tại thành phố Hà Nội, KSP chỉ tham gia đấu giá tại mỏ cát Liên Mạc với mức giá trúng là 408 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ của doanh nghiệp này.

Trước đó, Dân Việt đã đưa tin về buổi đấu giá gây xôn xao dư luận khi các nhà thầu thắng quyền khai thác 3 mỏ cát tại Hà Nội chi gấp nhiều lần so với khởi điểm. Không ít ý kiến nêu nhận định đây là mức giá "trên trời" đối với ngay cả những đối thủ tham gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem