Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025.
Mục tiêu được đặt ra là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn. Nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh trên địa bàn Thủ đô.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; ít nhất 75% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao;
100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM; 100% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao; 100% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa).
100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, sản phẩm nông lâm thủy sản thực phẩm tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm TP. Hà Nội (check.hanoi.gov.vn).
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới;
Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; Tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng NTM; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh.
Trong đó, Hà Nội sẽ nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (mạng internet không dây wifi miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn...)
Bổ sung website nongthonmoihanoi.gov.vn ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Hà Nội cũng sẽ xây dựng bản đồ số về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng NTM; Tích hợp dữ liệu số về du lịch nông nghiệp, nông thôn vào bản đồ số về du lịch chung của TP.
Đặc biệt, TP. Hà Nội lựa chọn xã Dương Xá, huyện Gia Lâm xây dựng mô hình thí điểm NTM thông minh. Khuyến khích các huyện, thị xã lựa chọn ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh hoặc xã thương mại điện tử để trực tiếp chỉ đạo thực hiện làm cơ sở để tổng kết và nhân ra diện rộng.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Tô Hữu Vịnh, Chủ tịch UBND xã Dương Xá cho biết năm 2015, xã được TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM; đến năm 2021, xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Do xác định mục tiêu xây dựng thôn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 là nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cho người dân, xã Dương Xá đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở với quyết tâm cao hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu trong năm 2022.
Để xây dựng NTM kiểu mẫu, xã phải hoàn thiện 3 nhóm tiêu chí bao gồm: Thu nhập bình quân đầu người, có ít nhất 1 "thôn thông minh" và lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu. Với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 73,21 triệu/người/năm, tăng 14,4% so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới, nâng cao tại cùng thời điểm.
Xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội với cơ sở vật chất khang trang: Quyết tâm xây dựng nông thôn mới thông minh
Đến năm 2022, toàn xã không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo chỉ còn 6 hộ, chiếm 0,15%. Trong xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tỉ lệ lao động qua đào tạo, có chứng chỉ bằng cấp tăng cao (đạt 89,5% tổng số người trong độ tuổi lao động), phân bố trong các ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp và xây dựng, dịch vụ… Giáo dục được quan tâm, đầu tư, nâng cấp đồng bộ tạo bước phát triển mạnh mẽ.
Xã cũng được quan tâm đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao với hội trường đa năng, các phòng tập, nhà thi đấu đa năng, sân luyện tập thể thao ngoài trời; 8/8 thôn đều có nhà văn hóa hội họp đạt chuẩn, có sân bóng mi ni, lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời tại các điểm công cộng, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên… Hệ thống y tế cơ sở được quan tâm, củng cố, trạm y tế xã cũng được xây dựng mới với dãy nhà 2 tầng bao gồm 11 phòng theo tiêu chí quốc gia về y tế và một phòng chức năng; trang thiết bị y tế cơ sở phù hợp, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Để xây dựng chương trình nông thôn mới, nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, lãnh đạo xã đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, ban hành các nghị quyết, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương quyết tâm hoàn thành các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới gắn với đầu tư, xây dựng xã thành phường.
Xã Dương Xá đã thí điểm xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh thôn Thuận Quang với 30 ha trồng cam, ổi cho giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, trên địa bàn xã có 6 HTX hoạt động ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Tiêu biểu là mô hình hoạt động của HTX Sản xuất tinh dầu, tinh bột nghệ Bà Bé có doanh thu ước đạt 200 - 300 triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 người với thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Ông Hoàng Đình Hoan, Trưởng thôn Thuận Quang, ngay sau khi được xã giao cho xây dựng mô hình "thôn thông minh", địa phương đã quán triệt đến tất cả mọi người, mọi gia đình cùng tham gia để xây dựng mô hình và nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con. Nhờ vậy, đến nay, Thuận Quang đã hoàn thành mô hình "thôn thông minh". Diện mạo nông thôn đã không ngừng "thay da đổi thịt", cơ sở hạ tầng phát triển, các trục đường, tuyến đường liên xã, liên thôn đều được thảm nhựa và mở rộng, được bảo trì, nâng cấp, có hệ thống điện chiếu sáng và cây xanh…Qua đó đã tạo cảnh quan, không gian "đáng sống" cho bà con trong thôn.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội cho biết, để thực hiện xây dựng NTM hiệu quả, thực chất và bền vững, TP Hà Nội sẽ phải tiếp tục tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân. Cần ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã NTM thông minh.
"Trong đó các xã cần xác định rõ lĩnh vực thế mạnh của địa phương để tập trung đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân, nhằm động viên nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân" - Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội thông tin thêm.