Nông thôn mới Hải Phòng: Quét mã QR code, dân đi chợ mà chả cần mang theo tiền mặt

Thu Thủy Chủ nhật, ngày 12/11/2023 12:54 PM (GMT+7)
Để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số nông thôn, thành phố Hải Phòng đã triển khai hoạt động thanh toán trên mã QR code, không dùng tiền mặt trên nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng tại thôn, xã trên các địa bàn vùng nông thôn.
Bình luận 0

Xã An Hòa là xã đầu tiên của huyện An Dương (TP. Hải Phòng) được thí điểm triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, trường học, nhà trọ, nhà hàng… Đặc biệt, triển khai đồng loạt tới các hộ kinh doanh trên các tuyến đường 17B, tiểu thương tại chợ, các trục thôn, xã.

Tạo thói quen thanh toán tiêu dùng mới

Tại đây, các hộ kinh doanh, các tiểu thương và người dân được hỗ trợ cấp mã QR code, mở tài khoản miễn phí, hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, giúp họ có thể dễ dàng lựa chọn phương thức thanh toán trực tuyến.

Thanh toán trên mã QR code, không dùng tiền mặt khi đi chợ tại nông thôn Hải Phòng - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Hồng - tiểu thương bán nước ép hoa quả tại trục đường 17B, chợ Ngọ Dương, xã An Hòa, (Huyện An Dương, TP. Hải Phòng) vừa được cấp mã QR code để hỗ trợ thanh toán trực tuyến cho khách tới mua. Ảnh: Thu Thủy

Chị Trần Thị Thảo – công nhân tại khu công nghiệp An Dương (xã Hồng Phong, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) cho biết, công nhân làm trong các khu công nghiệp, toàn bộ đều được trả lương qua tài khoản. Trước đây, hàng tháng, mỗi lần công ty chuyển lương, công nhân chúng tôi lại lũ lượt xếp hàng chờ tại cây ATM để rút tiền mặt về tiêu. Có người chờ cả tiếng đồng hồ mới tới lượt.

"Có tiền ra chợ thanh toán cũng lại phải chờ đợi người bán trả lại tiền, không có tiền lẻ lại mang đi chỗ khác đổi mới mua bán được, rất bất tiện và phiền toái. Nhưng nay tại nhiều chợ ở nông thôn, cửa hàng kinh doanh, quán xá đều có mã QR code để thanh toán. Giờ đây, khi ra chợ quê hay đi đâu tôi cũng không lo phải cầm ví, chỉ cần đem theo chiếc điện thoại thông minh và trong tài khoản có tiền là có thể thanh toán" – chị Thảo phấn khởi nói.

Clip: Anh Nguyễn Quỳnh Tuân, quản lý siêu thị T&T tại xã Hồng Phong (huyện An Dương, TP.Hải Phòng) chia sẻ về việc thanh toán qua mã QR code của siêu thị tại nông thôn. Thực hiện: Thu Thủy

Việc thanh toán tiền qua mã QR code sẽ thuận tiện cho cả người mua và người bán, tiết kiệm được thời gian và công sức. Chị Nguyễn Thị Hồng - một trong những tiểu thương bán nước ép hoa quả tại trục đường 17B, chợ Ngọ Dương, xã An Hòa, (Huyện An Dương, TP. Hải Phòng) cho biết, khi mua mặt hàng nước ép của quán khách mua chỉ phải trả một số tiền rất nhỏ. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc thanh toán tại quán tôi đã nhờ cán bộ ngân hàng cấp mã QR code cho quán nhà mình. Đến quán, khách mua có thể thực hiện song song hai phương thức thanh toán.

Không lo ra chợ quên tiền mặt

Cũng giống như chị Hồng, anh Phạm Văn Tiến có hàng cháo dinh dưỡng bán trên trục đường 17B, gần chợ Ngọ Dương cũng vừa được các nhà mạng, ngân hàng hướng dẫn, hỗ trợ mở tài khoản miễn phí. Anh Tiến chia sẻ, trước đây, khi chưa có mã QR code, lắm lúc không có tiền lẻ trả lại khách phải chạy khắp nơi đi đổi tiền rất mất thời gian. Từ hôm có mã QR code, mọi người thanh toán trực tuyến rất nhàn nhã, tiết kiệm được thời gian, anh chỉ việc tập trung thời gian vào bán hàng không mất nhiều thời gian thu tiền, đổi tiền trả lại khách như trước.

Thanh toán trên mã QR code, không dùng tiền mặt khi đi chợ tại nông thôn Hải Phòng - Ảnh 3.

Khách hàng đang thực hiện thanh toán trên mã QR code, khi mua cháo dinh dưỡng tại quán nhà anh Phạm Văn Tiến, trên trục đường 17B, gần chợ Ngọ Dương (xã An Hòa, huyện An Dương, TP. Hải Phòng). Ảnh: Thu Thủy

Trao đổi về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương, anh Ngô Văn Thống – Chủ tịch UBND xã An Hòa (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) cho biết, hiện xã An Hòa đã triển khai được 8 hạng mục thanh toán không dùng tiền mặt.

8 hạng mục đó bao gồm thanh toán các khoản phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính xã; chi trả lương, các khoản trợ cấp, an sinh xã hội; chi trả tiền điện, nước; xây dựng mô hình tuyến đường, chợ 4.0, khu nhà trọ thanh toán không dùng tiền mặt với gần 500 địa điểm chấp nhận thanh toán...

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn thực hiện thanh toán, thu các khoản học phí, phí tại 100% các trường học với trên 60% phụ huynh học sinh chi trả các khoản thu qua các ứng dụng thanh toán; 90% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, ví điện tử…

Trên địa bàn xã cũng có trên 4.000 thuê bao sử dụng ứng dụng Viettel Money, với tỷ lệ 54,4% thực hiện thanh toán điện tử đối với các dịch vụ thiết yếu như trả tiền điện, nước, cước viễn thông.. hoàn thành xây dựng 2 điểm nạp, rút tiền, hỗ trợ kỹ thuật tại xã An Hòa.

Thanh toán trên mã QR code, không dùng tiền mặt khi đi chợ tại nông thôn Hải Phòng - Ảnh 4.

Khách hàng đang thực hiện thanh toán bằng mã QR code tại siêu thị T&T (xã Hồng Phong, huyện An Dương, TP.Hải Phòng). Ảnh: Thu Thủy

Cũng theo anh Ngô Văn Thống – Chủ tịch UBND xã An Hòa, việc triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng, là điều kiện thuận lợi cho người dân trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại. 

Đồng thời, giúp người dân dần tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần nâng cao tính minh bạch trong thanh toán, đa dạng mạng lưới bán hàng, dần hoàn thiện cơ sở dữ liệu người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, xây dựng xã hội số, công dân số, thúc đẩy kinh tế số.

Ông Lương Thế Quý – Phó chủ tịch UBND huyện An Dương (TP. Hải Phòng) đánh giá cao về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn xã An Hòa. Ông cho rằng, hiện nay người dân nông thôn cũng đã hiểu được những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt đem lại. 

Vì thế, xây dựng mô hình này, chúng tôi khuyến khích người dân khi mua sắm hãy sử dụng hình thức không dùng tiền mặt để tạo thành thói quen cũng như hạn chế được những rủi ro như đánh rơi hoặc mất cắp. 

Qua đó, từng bước hỗ trợ đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân các vùng nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem