Những ngày này, đi trên con đường dọc theo trục chính các xã của huyện Thanh Trì, ai cũng cảm nhận rõ sự đổi thay kỳ diệu của làng quê nơi đây. Đường làng được đổ bê-tông hoặc thảm nhựa, sạch sẽ, khang trang; ao, hồ được cải tạo, kè bờ chắc chắn; môi trường trong xóm ngoài làng xanh, sạch; những bức tranh tường sinh động, vui tươi.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn được cải thiện, nâng cao. Hầu hết các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Chất lượng văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được nâng cao.
Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi động, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Điều đáng nói là tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Huyện có 63 trường đạt chuẩn quốc gia trong tổng số 73 trường, đạt tỷ lệ 86,3%. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch khu vực nông thôn đã đạt 100%. Trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Văn Hưng, sau khi tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, các xã thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện đã hướng dẫn 15 xã rà soát đánh giá mức độ đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Để đạt được mục tiêu đề trên, công tác tuyên truyền vận động nhân dân xã hội hóa, đóng góp kinh phí xây dựng các công trình công cộng được đẩy mạnh, Mặt trận Tổ quốc các xã đã đăng ký thực hiện 123 công trình. Sáu tháng đầu năm 2023, đã có 55 công trình được thực hiện, huy động sự đóng góp của nhân dân trị giá hơn 4 tỷ đồng như: xã hội hóa lắp đặt dụng cụ thể thao, đầu tư các sân bóng đá cỏ nhân tạo, lắp 119 camera an ninh, trồng 576 cây xanh...
Mặc dù đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trước kế hoạch hai năm và hiện đang hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tuy nhiên trên địa bàn huyện Thanh Trì vẫn còn một số hạn chế. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường còn chưa đồng bộ.
Việc thu hút nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chủ yếu vẫn là từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn đóng góp của người dân chưa bảo đảm theo quy định; nguồn xã hội hóa còn thấp. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn ít, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện. Việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp còn khó khăn trong thỏa thuận với dân để thuê đất sản xuất.
Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Điều đó dẫn đến thu nhập và đời sống của nông dân còn chưa cao, chưa bền vững. Mặt khác, việc đào tạo nghề cho người dân, nhất là các khu vực bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp còn chưa đáp ứng được nhu cầu...
Sáng ngày 15/11, Đoàn thẩm định Nông thôn mới (NTM) Hà Nội đã có buổi khảo sát thẩm định NTM kiểu mẫu tại 4 xã trên địa bàn huyện Thanh Trì: Tân Triều, Thanh Liệt, Tam Hiệp, Tứ Hiệp.
Đoàn Khảo sát Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát thẩm định NTM kiểu mẫu tại 4 xã huyện Thanh Trì gồm: Tân Triều, Thanh Liệt, Tam Hiệp và Tứ Hiệp.
Đoàn Khảo sát đã thực hiện khảo sát về kết quả thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu về tất cả các lĩnh vực: An ninh trật tự, Môi trường, Y tế, Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch, An ninh trật tự, Du lịch, Chuyển đổi số… của các xã Tân Triều, Thanh Liệt, Tam Hiệp, Tứ Hiệp huyện Thanh Trì.
Tại xã Tân Triều, ông Đặng Ngọc Quyền, Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022, theo Quyết định số 277/ QĐ -UBND ngày 18/4/2023 của UBND Thành phố Hà Nội. Toàn xã có 11.732 hộ theo điều tra thực tế, có 34.213 khẩu, thu nhập bình quân đạt 89 triệu đồng/người/năm (năm 2023), tăng 19% so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã NTM nâng cao tại thời điểm và đạt mức cao nhất huyện.
Trong những năm qua Đảng bộ, Chính quyền xã Tân Triều đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực phát triển kinh tế ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng 65%; thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 35%; sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn dưới mức 0,1% tổng giá trị sản xuất toàn xã.
Do đó, đã góp phần thay đổi diện mạo và thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện theo định hướng phát triển đô thị. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển, dịch vụ cho cho thuê trọ và kinh doanh dịch vụ ngày càng phát triển.
Đến với xã Tam Hiệp, ông Đỗ Văn Ấu - Chủ tịch UBND xã cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của huyện Thanh Trì, Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ, công chức, người lao động và lãnh đạo các thôn khắc phục khó khăn tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, ngay từ đầu năm và đạt được kết quả nhất định.
Cuối năm 2023, bình quân thu nhập ước đạt 75,3 triệu đồng/người/năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022 xã Tam Hiệp đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao của theo Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 18/4/2023 của Thành phố Hà Nội. Không thỏa mãn với những kết quả đạt được, đầu năm 2023, Đảng bộ xã Tam Hiệp đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng xã NTM kiểu mẫu để không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân và để thực hiện mục tiêu xây dựng xã thành phường.
Ông Tạ Đăng Doanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xã Thanh Liệt đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 theo Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 18/4/2023 của UBND thành phố Hà Nội. Thực hiện Bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 xã Thanh Liệt tự đánh giá 19 tiêu chí NTM nâng cao đạt 99,75/100 điểm. Sau khi được công nhận, xã tiếp tục duy trì, giữ vững, hoàn thiện và từng bước xây dựng NTM kiểu mẫu".
Xã Tứ Hiệp nằm ở trung tâm huyện Thanh Trì, là xã có tốc độ phát triển nhanh trong khoảng 10 năm gần đây. Với lợi thế về giao thông đường bộ nên Tứ Hiệp rất thuận lợi trong việc giao lưu văn hóa, phát triển về thương mại dịch vụ cũng như phối hợp tiêu thụ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp với các xã, phường, các vùng lân cận.
6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã Tứ Hiệp tăng khoảng 12% so với năm 2022, trong đó tỷ trọng ngành Nông nghiệp chiếm khoảng 2,5%, Tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 45,5%, Thương mại dịch vụ chiếm 52%. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp ước đạt 270 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 76,5triệu đồng/người/năm.
Sau khi thực hiện khảo sát, Đoàn đã dự Hội nghị thẩm định hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu tại UBND huyện Thanh Trì. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để phân tích những nguyên nhân, hạn chế trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn về giao thông, môi trường, chuẩn tiếp cận pháp luật, bộ phận một cửa;… đồng thời chỉ ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội đã đánh giá cao sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Trì trong quá trình triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, đặc biệt là sự đồng thuận nhất trí cao trong nhân dân.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội cũng chúc mừng 4 xã đã đủ điều kiện để trình thành phố Hà Nội xét công nhận NTM kiểu mẫu. Đồng thời mong muốn, thời gian tới, Thanh Trì cần phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, cải cách hành chính; quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là phát huy các giá trị các di tích văn hóa, lịch sử,... tạo sức lan toả trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Theo đó, ngày 17/11, Đoàn Thẩm định tiếp tục khảo sát thực tế các tiêu chí NTM kiểu mẫu tại các xã Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, Yên Mỹ, Duyên Hà trên địa bàn huyện Thanh Trì để làm căn cứ xét duyệt hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.