Một huyện ở Yên Bái sắp cán đích nông thôn mới nhờ dân đang thay đổi tư duy làm kinh tế

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 13/11/2023 08:00 AM (GMT+7)
Sau 12 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay đời sống và thu nhập của người dân trên địa bàn huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có nhiều đổi thay đáng kể. Tính đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 4,55%.
Bình luận 0

Công tác giảm nghèo có nhiều khởi sắc

Những năm qua, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã triển khai nhiều chính sách giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm.

Một huyện ở Yên Bái sắp cán đích nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn ở mức thấp - Ảnh 1.

Diện mạo nông thôn ở Yên Bình, tỉnh Yên Bái ngày càng đổi thay rõ rệt. Ảnh: TTVH huyện Yên Bình.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông An Hoàng Linh - Bí thư Huyện uỷ Yên Bình nhấn mạnh: Từ năm 2020 đến nay, hằng năm Ban Thường vụ Huyện ủy đều ban hành kế hoạch về công tác giảm nghèo, giao chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan đơn vị từ huyện đến cơ sở phụ trách giúp đỡ các hộ thoát nghèo, tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ đẩy nhanh hơn, bền vững hơn công tác giảm nghèo.

Từ năm 2011 đến nay, huyện đã chủ động thực hiện lồng ghép các chính sách như: Hỗ trợ về phát triển sản xuất (hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã triển khai 138 dự án với 2.860 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia với tổng nguồn vốn thực hiện gần 19 tỷ đồng để phát triển sản xuất; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã triển khai 41 dự án với 324 hộ tham gia với tổng nguồn vốn thực hiện là 1,2 tỷ đồng); hỗ trợ về tín dụng ưu đãi cho 18.098 lượt hộ với số tiền cho vay gần 673 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 25.580 lượt hộ với số tiền trên 15 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 957 hộ nghèo với tổng kinh phí trên 31 tỷ đồng.

Một huyện ở Yên Bái sắp cán đích nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn ở mức thấp - Ảnh 2.

Trẻ em tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đến trường được học tập trong môi trường xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Hà Thanh

Riêng năm 2023, tổng kinh phí thực hiện là 38,5 tỷ đồng, trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là trên 16 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (hỗ trợ phát triển sản xuất) là 1,2 tỷ đồng; vốn hỗ trợ Nghị quyết 69/NQ-HĐND, Nghị quyết 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 6,9 tỷ đồng. 

Kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát 9 tỷ đồng. Kinh phí xã hội hóa của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ 2,7 tỷ đồng. Kết quả, sau 12 năm tổng kinh phí hỗ trợ xóa đói giảm nghèo đã huy động được trên 739 tỷ đồng.

Một huyện ở Yên Bái sắp cán đích nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn ở mức thấp - Ảnh 3.

Ông An Hoàng Linh - Bí thư Huyện uỷ Yên Bình tham gia ngày cuối tuần cùng dân tai xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. Ảnh; TTVH huyện Yên Bình

Tính đến tháng 10/2023, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện Yên Bình còn 1.407/30.892 hộ (chiếm 4,55%), giảm 3,55% so với năm 2022; tổng số hộ cận nghèo còn 924/30.892 hộ (chiếm 2,99%), giảm 1,22% so với năm 2022; tổng số hộ nghèo đa chiều (hộ nghèo + hộ cận nghèo) còn 2.331/30.892 hộ chiếm 7,54%. Theo đánh giá bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, đến nay đã có 22/22 xã trên địa bàn huyện Yên Bình đạt tiêu chí về nghèo đa chiều.

Tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức thấp

Trên địa bàn huyện Yên Bình, xã Đại Minh là địa phương đầu tiên được công nhận nông thôn mới vào năm 2016. Năm 2021, địa phương này tiếp tục được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, xã đang tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống và thu nhập của người dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao. Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm đáng kể. Đây là những nỗ lực đáng kể của cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương trong công cuộc giảm nghèo.

Ông Nguyễn Kiều Hưng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đại Minh khẳng định, đến giờ phút này, diện mạo nông thôn của xã Đại Minh có sự thay đổi tích cực, đặc biệt là cảnh quan, môi trường, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Đường làng, ngõ xóm thông thoáng phục vụ cho bà con nhân dân đi lại thuận tiện cũng như giao thương hàng hoá. 

"Nếu như năm 2016, thu nhập của bà con nhân dân chỉ ở mức 26 triệu đồng/người/năm thì nay đã tăng lên 59,4 triệu đồng/người/năm", ông Hưng dẫn chứng và nhấn mạnh "nhờ phát triển mạng lưới giao thông mà kinh tế của bà con nhân dân phát triển hơn, từ đó tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn ở mức rất thấp. Cả xã chỉ còn duy nhất 14 hộ nghèo trên tổng số hơn 1.000 hộ".

Một huyện ở Yên Bái sắp cán đích nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn ở mức thấp - Ảnh 4.

Nhờ thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hà Thanh

Tại xã Đại Minh, hiện nay thôn Làng Cần là địa phương duy nhất trên địa bàn xã không còn hộ nghèo nhờ thay đổi tư duy làm kinh tế của bà con.

Ông Hoàng Thanh Nghị - Bí thư Chi bộ thôn Làng Cần, xã Đại Minh cho biết, trước đây, bà con trong thôn chủ yếu phát triển kinh tế với nghề trồng lúa nước và trồng rừng do đó đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, sau khi nhà nước có chủ trương hỗ trợ bà con vùng dân tộc miền núi phát triển kinh tế, bà con trong thôn đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả (chủ yếu là cây bưởi) mang lại thu nhập cao. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Nếu như năm 2016, thu nhập của người dân trong thôn chỉ ở mức 21 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2023 đã tăng lên 64 triệu đồng/người/năm. Đến nay, thôn không còn hộ nghèo và nhà dột nát.

Chị Triệu Thị Nhàn (thôn Làng Cần) chia sẻ, gia đình đình chị trước đây là một trong những hộ nghèo của thôn, nhưng nhờ thay đổi tư duy, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế sang trồng bưởi nên đến nay gia đình có cuộc sống khấm khá hơn. "Với mô hình trồng bưởi và được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, hiện gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm và từng bước vươn lên, thoát nghèo", chị Nhàn cho hay.

Trao đổi với PV Dân Việt, nhiều lãnh đạo các xã ở huyện Yên Bình khẳng định, để có được những kết quả nói trên trong công tác giảm nghèo tại Yên Bình là nhờ sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự sáng tạo và thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của bà con nhân dân. Nhờ đó mà diện mạo nông thôn ở Yên Bình ngày càng khởi sắc, cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem