Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế từ đầu năm đến tháng 11/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 233.719 tỷ đồng, với 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.070 tỷ đồng.
Trong đó, ngành ngân hàng vẫn là nhóm chiếm ưu thế (chiếm tỷ trọng 48%), theo sau là nhóm bất động sản chiếm 29,3%, còn lại đến từ hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, xây dựng và các mảng khác.
Nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản nói chung và tại TP.HCM nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động phát hành, đáo hạn và trả nợ trái phiếu.
Trước đó, giai đoạn 2017 - 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, một số sai phạm nghiêm trọng gây mất lòng tin của các nhà đầu tư buộc thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua một bước ngoặt mới, với nhiều sự kiểm soát và cảnh báo từ các cơ quan chức năng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước ra khỏi giai đoạn tăng trưởng nóng và kéo dài tình trạng ảm đạm đến các tháng đầu năm 2023. Thị trường chỉ mới bắt đầu ghi nhận lại tín hiệu tích cực nhờ các chính sách ổn định thị trường của cơ quan chức năng.
Điều đáng nói, nghiên cứu của VARS cho thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang "bủa vây" các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.
Danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tăng lên từng ngày, đặc biệt ở nhóm bất động sản. Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 3/10/2023, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ là khoảng 176.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.
Khảo sát của Dân Việt, hàng loạt doanh nghiệp nổi bật tại TP.HCM như Novaland, Hưng Thịnh, Masterise, Phát Đạt... đều có lượng trái phiếu phát hành lớn. Điều này đồng nghĩa áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp trong dịp cuối năm càng lớn dần.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, bên cạnh đòn bẩy tài chính là vay vốn ngân hàng thì trái phiếu là một kênh quan trọng, phù hợp với nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiến hành vay từ trái phiếu thông qua nhiều tài sản đảm bảo khác nhau, phần lớn là cổ phiếu, dự án bất động sản hoặc tài sản của bên thứ ba. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, áp lực thanh toán lãi trái phiếu, đáo hạn trái phiếu đang trở thành nỗi lo của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho biết, trước áp lực đáo hạn trái phiếu, việc đàm phán kéo dài thời gian là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh khó tiếp cận dòng vốn tín dụng, thị trường chưa phục hồi hoàn toàn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian cơ cấu lại dòng tiền và cải thiện khả năng trả nợ.
Vị chuyên gia đánh giá, đàm phán gia hạn trái phiếu vẫn sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Thực tế, hoạt động đàm phán gia hạn diễn ra tích cực với kết quả khá thành công kể từ tháng 4 năm 2023. Tuy nhiên, việc đàm phán, gia hạn thời gian trả nợ chỉ là giải pháp tạm thời. Điều này chỉ giúp doanh nghiệp có thời gian ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp để phục hồi.
Để không phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, doanh nghiệp cần tận dụng quãng thời gian này để tái cơ cấu lại các khoản nợ. Các đơn vị nên nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường. Đây cũng là "khoảng lặng" giúp nhà đầu tư có thời gian ngừng lại để nhìn nhận, kiểm tra điều kiện để từ đó có định hướng tham gia bền vững, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đa dạng nguồn vốn. Ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp), các chủ đầu tư cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản - REIT, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).
Các chuyên gia đánh giá, về lâu dài, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả, thể hiện sự năng động của một nền kinh tế, phù hợp với xu hướng phân bổ tài sản của nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu hồi phục thật sự, doanh nghiệp phải xử lý việc thanh toán gốc và lãi trái phiếu, vực dậy niềm tin cho nhà đầu tư.