Cùng với việc hỗ trợ nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, Bình Dương còn thực hiện giải pháp hỗ trợ, cải thiện điều kiện sinh hoạt, đời sống của người nghèo thông qua các chiều về khả năng tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản.
Tính tại thời điểm chia tách tỉnh năm 1997, Bình Dương có hơn 14.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12% trên tổng số dân, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5,8 triệu đồng một năm.
Từ năm 2004 đến nay, Bình Dương đã 6 lần ban hành chuẩn nghèo riêng theo từng giai đoạn phát triển của tỉnh. Các chuẩn nghèo của tỉnh đều cao hơn mức chuẩn nghèo quốc gia.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Bình Dương hiện đạt 152 triệu đồng/năm, tăng gấp 26 lần thời điểm tách tỉnh. Từ cuối năm 2015, Bình Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương, tạo dấu mốc quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương.
Ông Hà Minh Trung – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, giai đoạn 2016-2020, Bình Dương áp dụng chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Công tác giảm nghèo có nhận thức mới, cách làm mới mang tính toàn diện và đi vào chiều sâu. Nghĩa là các hộ nghèo không chỉ được tiếp cận dưới góc độ thu nhập mà còn được xem xét hỗ trợ về khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin và việc làm.
Theo đó, các chính sách hỗ trợ, giải pháp thực hiện cũng mang tính đồng bộ và đầy đủ hơn thông qua rà soát đầu mỗi giai đoạn, hàng năm, định kỳ và đột xuất.
Thông tin hộ nghèo, cận nghèo được thu thập đầy đủ và phân loại các chiều thiếu hụt để có giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng nhóm hộ, gồm: Hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Hộ gia định chị Nguyễn Thị Gấm, ở xã Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng) thuộc diện hộ nghèo vì khó khăn về nhà ở, và phải một mình nuôi con nhỏ. Chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình dựa hết vào đồng lương công nhân của chị. Cuộc sống khó khăn nên gia đình chị không có điều kiện xây dựng nhà mới thay cho căn nhà cũ bị xuống cấp.
Thông qua Mặt trận tổ quốc xã, các mạnh thường quân đã hỗ trợ cho gia đình chị Gấm 80 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới. Dự kiến, ngôi nhà tình thương được xây dựng trên diện tích 60m2, kinh phí ước tính khoảng trên 100 triệu đồng.
"Gia đình cảm thấy rất hạnh phúc, không nghĩ gia đình có thể xây dựng được một ngôi nhà khang trang. Có ngôi nhà mới sẽ tiếp thêm động lực để gia đình cố gắng vươn lên trong cuộc sống", chị Gấm chia sẻ.
Em Nguyễn Thị Cẩm Linh ở phường Tân An (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, nhờ vốn vay từ chương trình sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội, em trang trải được các khoản chi phí học tập, tiền mua sách vở và đồng phục.
"Em mong có thể dùng số tiền này để tiếp tục hoàn thành 4 năm đại học của mình để ra trường, tìm được một công việc làm ổn định", Linh nói.
Thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn mới, Bình Dương giảm dần sự hỗ trợ trực tiếp, không điều kiện chuyển sang tăng dần hình thức hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả. Công tác này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, khơi gợi, động viên ý chí tự vươn lên, vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững của bản thân hộ nghèo.
Đồng thời, Bình Dương tăng cường chính sách tín dụng ưu đãi. Từ năm 2021 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho hơn 2.700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền hơn 136 tỉ đồng. Đến đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo Bình Dương giảm còn 1,54%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,47%.
Bà Đỗ Thị Hà ở phường Hiệp An (TP.Thủ Dầu Một) kể, từ năm 2016 trở về trước, gia đình bà rất nghèo. Các con còn nhỏ, đang ăn học, bà phải đi làm thuê đủ các nghề.
Được chính quyền tỉnh hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng, bà Hà mua sắm vật làm nghề bán đậu hũ, kiếm tiền lo cho con ăn học. "Từ đó tới nay, thu nhập dần ổn định, gia đình tôi đã thoát nghèo", bà Hà nói.
Ông Đoàn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tân (TP.Tân Uyên) thì kể, các hộ khó khăn của địa phương được giới thiệu về công tác cho vay theo chính sách giảm nghèo, giới việc làm để có định hướng phát triển. Ngoài công tác chăm lo xây dựng nhà tình thương, phường Vĩnh Tân thường xuyên chăm lo khám sức khỏe cho hộ nghèo, để mà các hộ nghèo có điều kiện là ổn định cuộc sống, vươn lên là thoát nghèo.
Tại kỳ họp thứ VI, HĐND tỉnh Bình Dương khóa IV, HĐND tỉnh đã thông qua 12 nghị quyết quan trọng, trong đó có quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn này quy định tiêu chí thu nhập hộ nghèo ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn Trung ương 1,4 lần; tiêu chí thu nhập hộ nghèo khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn Trung ương 1,3 lần.
Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2025 đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Bình Dương đã mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo phù hợp với đặc điểm, sự phát triển của địa phương để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Mới đây, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã đề nghị UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh thay đổi tên Nghị quyết về việc ban hành quy định nội dung, định mức hỗ trợ thực hiện các dự án từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong kỳ họp HĐND cuối năm 2023.
Dự kiến tên Nghị quyết sẽ đổi thành: Nghị quyết về quy định về nội dung, định mức hỗ trợ các cái dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2024-2025.
Ông Hà Minh Trung cho biết, mục tiêu xây dựng Nghị quyết lần này nhằm cụ thể hóa việc phân bổ nguồn lực, cũng như lựa chọn các cái mô hình, các dự án phát triển sản xuất, để hỗ trợ cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Việc sớm thông qua Nghị quyết vào kỳ họp cuối năm 2023 sẽ sớm đưa chính sách giảm nghèo được cụ thể hóa trong cuộc sống. Nghị quyết sớm được triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ là cơ sở pháp lý để UBND tỉnh sớm hoàn thành các trình tự, thủ tục hồ sơ cũng như tiêu chí để lựa chọn các các dự án phát triển sản xuất thuộc chương trình giảm nghèo quốc gia.
Mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2024-2025 hướng đến phương thức hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm, tạo thu nhập cho người nghèo.
"Phương thức này nhằm khơi gợi, động viên khả năng, năng lực nội tại, tự chủ, tự cường của người nghèo trong việc tạo việc làm, tạo sinh kế, cải thiện thu nhập, nâng cao cuộc sống để thoát nghèo bền vững", ông Trung chia sẻ.