Huyện miền núi Bác Ái ở Ninh Thuận có nhiều cách hay để giảm nghèo cho đồng bào DTTS

Đức Cường Thứ sáu, ngày 24/11/2023 12:53 PM (GMT+7)
Bác Ái là huyện miền núi tỉnh Ninh Thuận, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 34% dân số, trong đó phần lớn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhà ở tạm bợ cao đã ảnh hưởng rất lớn đến chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Bình luận 0

Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cấp huyện, cấp tỉnh nên diện mạo của vùng nông thôn miền núi này đã nhiều thay đổi...

Một ngày trung tuần tháng 11, PV Dân Việt tìm về huyện miền núi Bác Ái ở tỉnh Ninh Thuận và nghi nhận sự thay đổi, phát triển nhiều so với trước đây. Bác Ái là vùng đất đã gắn liền với những chiến công hiển hách của quân và dân Ninh Thuận trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

Niềm vui trong những căn nhà mới

Xuôi theo tỉnh lộ 707 từ thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn) lên các xã Phước Hòa, Phước Bình của huyện Bác Ái chúng tôi được dịp chiêm ngắm đồng lúa xanh mát trải dài ngút tầm mắt. Đến dưới chân đập thủy lợi Phước Hòa lớn nhất tỉnh Ninh Thuận là thôn Chà Panh và Tà Lọt, 2 thôn đồng bào Raglai của xã Phước Hòa, huyện Bác Ái.

Huyện miền núi Bác Ái ở Ninh Thuận nổ lực giảm nghèo, xóa nhà tạm để xây dựng nông  - Ảnh 1.

Đường làng bê tông hóa khang trang ở thôn Tà Lọt xã Phước Hòa, huyện Bác Ái. Ảnh: Đức Cường

Dạo quanh thôn 2 thôn Tà Lọt và Chà Panh, chúng tôi cảm nhận được sự khởi sắc của vùng nông thôn miền núi đang chuyển mình. 

Đập vào mắt chúng tôi là những công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng phủ khang trang. Đời sống người đồng bào Raglai trong thôn cũng ngày càng nâng lên, minh chứng rõ ràng nhất là những mái nhà xanh, đỏ giữa núi rừng Chà Panh.

Theo UBND xã Phước Hòa, đến nay xã đã đạt 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có những tiêu chí đạt cao như: giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông.

Riêng các tiêu chí về giảm tỉ lệ hộ nghèo, tiêu chí nhà ở và nâng cao thu nhập cho người dân đang được địa phương chú trọng thực hiện. Đặc biệt, địa phương đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và các mạnh thường quân chung tay xóa nhà tạm cho người dân trong xã.

Điển hình như gia đình anh Chamaléa Loan và chị Pinăng Thị Ngẫy là hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở của thôn Chà Panh, xã Phước Hòa.

Huyện miền núi Bác Ái ở Ninh Thuận nổ lực giảm nghèo, xóa nhà tạm để xây dựng nông  - Ảnh 3.

Anh Loan (áo hồng) phấn khởi khởi công xây nhà do tỉnh đoàn cùng địa phương và mạnh thường quân hỗ trợ. Ảnh: Hoàng Huy

Anh Loan cho biết, trước đây cuộc sống gia đình chỉ dựa vào việc trồng bắp, đậu nên thu nhập bấp bênh. Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, hơn 7 năm qua do không có điều kiện nên 4 người trong gia đình sống tạm trong căn nhà nhỏ.

Đến tháng 10 vừa qua, gia đình anh may mắn được chính quyền địa phương và tỉnh đoàn Ninh Thuận phối hợp với các mạnh thường quân hỗ trợ khởi công xây dựng căn nhà mới rộng 32 mét vuông, trị giá 60 triệu đồng.

"Nhà mới sẽ được lợp tôn, sàn lát gạch men khang trang nên gia đình tôi rất mừng. Có nhà rồi, vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn để thoát nghèo bền vững…", anh Loan phấn khởi nói.

Huyện miền núi Bác Ái ở Ninh Thuận nổ lực giảm nghèo, xóa nhà tạm để xây dựng nông  - Ảnh 4.

Con gái lớn của anh Loan, chị Ngẫy tươi cười khi nhà mới sắp hoàn thành. Ảnh: Đức Cường

Ông Lê Thành Mười – Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết, đến tháng 10/2023, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 36,09% (giảm 25 hộ), hộ cận nghèo giảm còn 13,27% (giảm  15 hộ), thu nhập bình quân của người dân tuy chưa cao nhưng đã được nâng lên 21 triệu/người/năm.

Toàn xã hiện có 482 hộ có nhà ở, trong đó có 342 căn đạt "3 cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng), đạt tỉ lệ 71% so với chỉ tiêu đề ra 80%.

"Hiện địa phương đang nổ lực nâng cao các tiêu chế để đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 theo kế hoạch đã đề ra…", ông Mười cho hay.

Huy động nguồn lực để xóa nhà tạm

Chung niềm vui như gia đình chị Ngẫy, anh Loan ở xã Phước Hòa còn có gia đình ông Katơr Yên ở thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại (huyện Bác Ái).

Huyện miền núi Bác Ái ở Ninh Thuận nổ lực giảm nghèo, xóa nhà tạm để xây dựng nông  - Ảnh 5.

Nhà mới do Ủy ban Mặt trận Tố Quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Hội cựu chiến binh và huyện Bác Ái trao tặng cho ông Katơr Yên. Ảnh: Đức Cường

Ông Katơr Yên cho biết, do hoàn cảnh khó khăn nên chưa có điều điện xây dựng nhà mới. Được nhà nước "giúp sức" hơn 65 triệu đồng, gia đình đã mạnh dạn vay mượn thêm người thân để xây mới căn nhà 60 mét vuông.

"Có được nhà mới khang trang là ước mơ hơn 10 năm của gia đình tôi. Tết này được ở nhà mới nên gia đình tôi vui lắm...", ông Yên vui giọng.

Theo UBND huyện Bác Ái, hiện nay toàn huyện chưa có xã/thôn nông thôn mới, các tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo và xóa nhà tạm không những chưa xã nào đạt, mà còn cách rất xa so với tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đề ra.

Có 4 tiêu chí khó về đích "nông thôn mới" là tiêu chí về quy hoạch, thu nhập bình quân người dân, hộ nghèo, tiêu chí nhà ở và môi trường. Trước mắt, địa phương này đang tập trung huy động từ nguồn lực nhà nước và xã hội hóa để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm dột nát cho người nghèo.

Huyện miền núi Bác Ái ở Ninh Thuận nổ lực giảm nghèo, xóa nhà tạm để xây dựng nông  - Ảnh 6.

Căn nhà mới đang xây dựng của hộ nghèo ở xã Phước Thắng huyện Bác Ái. Ảnh: Kim Quyên

Ông Ngô Thanh Lâm -  Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, giai đoạn 2021 đến nay, địa phương đã hỗ trợ sữa chữa và xây dựng nhà mới cho 180 hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn về nhà ở với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Đến nay, toàn huyện Bác Ái có 4.687/7.261 căn nhà được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, đảm bảo đạt "3 cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng) theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố được nâng lên đạt 64,6%, nhà tạm dột nát giảm còn 462 căn.

"Riêng về tỉ lệ hộ nghèo đến tháng 10/2023 giảm còn 34,81%, hộ cận nghèo còn 8,78%. Tuy còn cách xa so với chỉ tiêu đề ra nhưng đó là tính hiệu tích cực để tiếp tục nổ lực, giảm nghèo bền vững hơn…", ông Lâm cho hay.

Phấn đấu về đích Nông thôn mới

Cũng theo ông Ngô Thanh Lâm - Phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái, thời gian tới huyện tiếp tục bám sát chủ đề "xây dựng nông thôn mới phải là cuộc cách mạng trong nông nghiệp" thực hiện theo phương châm "Dân biết – Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra - Dân thụ hưởng" là cốt lõi.

Huyện miền núi Bác Ái ở Ninh Thuận nổ lực giảm nghèo, xóa nhà tạm để xây dựng nông  - Ảnh 7.

Bảng tuyên truyền xây dựng NTM và tuyến đường bê tông sạch đẹp ở xã Phước Chính. Ảnh: Đức Cường

Trong đó, huyện phấn đấu đến cuối năm 2023, sẽ có 5/38 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới gồm thôn Ma Hoa xã Phước Đại, thôn Mã Tiền xã Phước Tiến, thôn Đồng Dầy xã Phước Trung, thôn Tà Lọt xã Phước Hòa và thôn Hành Rạc 2 xã Phước Bình.

"Đến năm 2025 toàn huyện phấn đấu có 2/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 23/38 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo kế hoạch đề ra…", ông Lâm thông tin.

Bác Ái là huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Ninh Thuận với hơn 86% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Raglai. Đây một trong 74 huyện nghèo theo Quyết đinh 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 202 – 2025.

Huyện Bác Ái quán triệt quan điểm "nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược. Nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt. Người nông dân là chủ thể".

Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (dự kiến thêm các xã Phước Trung, Phước Tiến, Phước Bình); có ít nhất 70% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt đạt trên 70%; thu nhập bình quân của nhân dân trong huyện được tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2025; tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng ngành nông nghiệp 4-5%. Giá trị sản xuất 100-150 triệu đồng/ha đất trồng trọt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem