Dân Việt

Đây là vùng núi nổi tiếng An Giang, xưa rắn to, rắn nhỏ chạy lụt bò la liệt, có con huýt sáo một tràng dài

Huỳnh Hiếu 03/12/2023 18:50 GMT+7
Chuyện xưa kể rằng ngày xưa, vùng núi Sam (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), ngay cả ban ngày ít ai dám đi một mình trên đường vắng. Ban ngày nhiều con rắn lục, màu da xanh biếc, quấn đuôi trên cành cây, miệng huýt sáo những tràng dài...

Lối đi trong xóm hai bên gai góc rậm rì, đi đêm phải cầm đuốc, cầm cây để xua đuổi rắn. Những năm nước lớn, những ngôi nhà gần bãi phải kê sàn lên tận mái nhà. 

Trăn, rắn chạy lụt bò lên những gò đất, chui vào những ngôi nhà bập bềnh ven bãi. Lắm khi rắn bò lên tận chỗ người nằm, thu mình dưới chiếu.

Có con chắc vì mệt quá chưa bò kịp lên sàn, cuộn mình quay chân cuột suốt đêm. Sáng ra chủ nhà lấy gậy dài chọc đuổi mới đi. 

Đêm đêm rắn hổ ngựa ào ào rượt chuột trên mái nhà. Ban ngày nhiều con rắn lục, màu da xanh biếc, quấn đuôi trên cành cây, miệng huýt sáo những tràng dài. Nhiều hôm có những con trăn dài ba thước đeo lủng lẳng trên cành tre. Người ta xô nhau ra vây bắt. Rất vui.

***

Hầu như năm nào trong làng cũng có vài người bị rắn cắn. Nhưng không mấy người chết vì nọc độc của những con rắn quanh quẩn trong làng. 

Chỉ có một lần, ông Tu Ất bị rắn chàm oạp cắn lúc đang làm rọ ở nơi xa. Nửa đêm chở ông về đến làng, bà chị đứng lên vồ đá kêu to, nghe lạnh cả xương sống:

- “Làng xóm! Làng xóm ơi! Ai biết thuốc đến cứu giùm em tôi, nó bị rắn cắn”.

Đây là vùng núi nổi tiếng An Giang, xưa rắn to, rắn nhỏ chạy lụt bò la liệt, có con huýt sào một tràng dài - Ảnh 1.

Hình chụp đường vào núi Sam (nay thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) khoảng năm 1940

Dân xóm chạy đến chật nhà, người bị rắn cắn nằm cứng đơ trên chiếc võng tre, miệng sôi bọt. Ông thầy thuốc rắn đã có mặt từ lúc nào, tay cầm chiếc đèn con xem xét vết thương, coi vẻ mặt nạn nhân, ông lắc đầu:

- “Muộn quá rồi! Bị cắn từ xế chiều, nọc độc đã ngấm vào máu, vào tận tim. Hết cứu!”

Cả nhà nạn nhân òa lên khóc. Ông thầy thuốc rắn lặng lẽ ngồi nhìn bóng núi loáng thoáng trong ánh trăng khuya, vẻ mặt lạnh lùng. Đó là lần đầu tiên người ta thấy ông chịu bó tay, chịu thua rắn độc.

***

Ông Bảy Lễ đại tài! Rắn nào cắm cũng phải thua ông. Dân làng đối với ông như người thân quyến. Họ nói về ông như nói đến danh y, họ coi ông là ân nhân của cái làng nhiều rắn này… mặc dù có người chưa được ông chữa trị lần nào. Họ nói về ông với giọng nói chừng như hiểu rõ tận tường tài năng và đức độ của ông.

Này nhá! Người lớ, con nít xóm này ai bị rắn cắn, gãy tay, gãy chân không có ông Bảy Lễ thì chắc là chầu trời hoặc suốt đời què quặt. Trời đất cũng ngộ, đã sinh ra cái làng lắm rắn độc, lại sinh tiếp con người có tài trị nọc rắn. 

Theo người ta - mà có tài như ông - thì đã làm giàu mấy kiếp rồi. Đàng này cả vợ chồng con cái, bảy tám con người vẫn sống hẩm hiu trong mái nhà lá đơn sơ, không cửa nẻo.

Đó ai thấy Bảy Lễ mặc áo bao giờ? Quần lúc nào cũng ống cao ống thấp. Cái lưng trần đen trũi, da sần lên, cứng như tấm da thuộc mới phơi khô. 

Đến đám tiệc, ông khoác hờ cái áo trên lưng một lúc, rồi vui vẻ “xin lỗi bà con” cho ông cởi áo. Đã quen trần trụi với nắng mưa, ông không thể và cũng không cần mặc áo.

Mỗi lần trong làng có người bị rắn cắn, người ta chạy tìm ông Bảy Lễ. Dù đang giông mưa, bão tố hay đêm khuya tăm tối, nghe báo tin, ông lật đật đi ngay. 

Người sống hơn đống vàng. Vàng mất đi còn tìm vàng khác lại được. Còn người mà nhắm mắt là rũ sạch một đời người. Mỗi lần cứ sống mạng người ông thường nói thế.

Đây là vùng núi nổi tiếng An Giang, xưa rắn to, rắn nhỏ chạy lụt bò la liệt, có con huýt sào một tràng dài - Ảnh 2.

Một hình ảnh về tỉnh An Giang xưa

Phong thái ông rất ung dung, nhưng không bệ vệ. Đến chỗ người bị rắn cắn, ông thầy thuốc rắn tự bưng đèn xem kỹ dấu răng. Biết chắc loại rằn gì rồi, ông lặng lẽ ra vườn cây, tìm hái một nhúm nhỏ gì đó, bỏ vào miệng nhai. 

Biểu thân nhân lấy đũa bếp cậy răng người bị nạn, ông đổ nước vào miệng người đang ngắc ngoải. Tức khắc đờm hạ, cổ kêu on ót. Xác cỏ còn lại ông đắp vào chỗ rắn cắn, nói rất thản nhiên:

- Sống rồi! Nấu nồi cháo đậu xanh cho ăn, sáng mai sẽ khỏe.

Gia đình nạn nhân quá đỗi vui mừng, nhưng đáp lại cái ơn cứu mạng đối với ông thầy thuốc rắn hết sức giản đơn. Một xị rượu, con khô cá bồi và trái xoài còn xanh, bày vẽ món gì khác ông không bằng lòng và xin khước từ.

Lễ đền ơn chỉ có thế, ông ngồi nhấm nháp qua loa vài ly rượu, đợi cho nạn nhân thiệt tỉnh ông mới đủng đỉnh về nhà.

***

Còn một loại thân chủ khá đông của ông Bảy Lễ là đám choai choai trong xóm. Đá banh, trèo cây, chạy nhảy, cậu nào trật chân, gãy tay thì cha mẹ dẫn ngay đến ông Bảy Lễ. 

Trật chân không đi được, ông nắn bóp một hồi, đắp cho miếng ngải núi, vài giờ sau đi đứng như thường. Nếu gãy xương, ông xếp lại cho xương liền khớp, dùng nẹp tre giữ chặt nơi xương gãy, thuốc thì bó phía bên lành. Vậy mà hết bịnh mới tài. Có người nói đó là cách đau Nam chữa Bắc. Nhưng ông Bảy Lễ bảo rằng:

- Bó bên lành thuốc mới chạy qua bên tay gãy.

Quả thiệt, ông đã chữa khỏi không biết bao nhiêu cậu bé gãy tay, lọt chân, không cậu nào phải chịu tật nguyền.

Chữa trị cho bất cứ ai, ông không lấy tiền thuốc, tiền công. Thuốc của ông là thuốc núi, trong núi thuốc vô ngần. Còn công chẳng có là bao. Có điều cậu nào muốn ông chữa trị phải hứa không được trèo cây, không chơi những trò nguy hiểm.

***

Một hôm, ông Bảy Lễ đi thăm người bạn đang nằm “nhà thương”. Xế chiều một chiếc “xe lôi” từ mạn Mỹ Đức hối hả chở lên phòng cấp cứu một cậu bé trạc 14 tuổi, mặt tái ngắt, chân trái sưng vù. 

Cậu bé nhăn nhó kêu đau và rên rỉ từng lúc. Viên bác sĩ phụ trách quyết định cắt bỏ cái chân đau. Chấn thương nặng quá, gãy xương bắp chuối và dập xương đùi nhiều mảnh.

Mới chừng ấy tuổi đã chịu tật nguyền đi đứng một chân, tội nghiệp! Cha mẹ cậu bé đau đớn kêu van bác sĩ cố gắng cứu con mình. Đội mắt người bác sĩ đượm chiều thương xót, nhưng cũng chỉ lắc đầu. Hết cách!

Bảy Lễ dứng đó từ lâu, ông thấy hết, nghe hết, bấy giờ ông mới từ tốn thưa:

- Xin bác sĩ tha lỗi, đáng lẽ tôi không nên chen vào chuyên môn của bác sĩ. Nhưng vì thương cháu bé, không muốn cháu chịu tật nguyền khi còn thơ ấu. Tôi có thể làm cái chân cháu lành lặn, mà khỏi phải bỏ một đoạn nào. Nếu bác sĩ cho phép.

Bác sĩ không ngạc nhiên, nhưng dò xét:

- Chắc ông biết thuốc gia truyền? Xin ông cho biết quý danh?

Ông Bảy Lễ chưa kịp đáp, những người đứng quanh đã nhao nhao lên mỗi người một câu, hăm hở:

- Ông Bảy Lễ đó mà. Bó gãy xương giỏi lắm.

- Giỏi cả thuốc rắn nữa kia.

- Bác sĩ cho ông tiếp tay đi.

- À, vậy ra là ông Bảy Lễ. Viên bác sĩ có vẻ thú vị, gật đầu:

- Tôi nghe danh tiếng đã lâu. hôm nay mới gặp. Tôi sẵn sàng để ông cứu em nhỏ. Ông cần tôi giúp những gì? Để em nhỏ ở đây hay đem về chỗ nhà ông?

- Phải bắt tay ngay - ông Bảy Lễ vui mừng ra mặt - Xin ông cho một liều thuốc tê, xương đập nhiều mảnh, làm lâu sợ cháu chịu không nổi. Và ngay bây giờ bà con làm ơn về nhà biểu vợ tôi đưa giùm thuốc bó gãy xương.

Đêm ấy em bé ngủ yên, và nửa tháng sau ra viện. Bác sĩ phụ trách bịnh viện mời Bảy Lễ ra làm việc nhà thương, lương rất hậu. Nhưng ông Bảy Lễ một mực chối từ:

- Tôi sống bằng nghề ruộng rẫy, đá cát. Thuốc rắn, thuốc gãy xương ông bà tôi truyền lại để cứu giúp bà con, không phải nghề sinh sống. Hơn nữa đâu phải hàng ngày có người bị rắn cắn, gãy chân tay. Ngồi không ăn lương nhà nước, không làm lụng chân tay buồn lắm, tôi không chịu nổi đâu.

Biết chuyện ấy, có người ở chợ chê ông dại, cơm người ta dâng tới miệng chẳng chịu ăn. Nhưng dân làng ai nấy đều khen ông Bảy Lễ trọng nghĩa khinh tiền, quí mạng người chứ không màng danh vọng.