Trồng loại rau thơm nức, nuôi ong dú làm mật "quý tộc", ông nông dân Bình Định được cả làng khen
Trồng loại rau thơm nức, nuôi thứ ong làm mật "quý tộc", ông nông dân Bình Định được cả làng khen
Thứ hai, ngày 04/12/2023 05:34 AM (GMT+7)
Mô hình trồng chôm chôm - nuôi ong dú - trồng sả java - trồng bạc hà đỏ (thân vuông) để sản xuất tinh dầu của ông Nguyễn Hải Đăng, 69 tuổi, ở khu phố Dương Liễu Nam, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), được nhiều người quan tâm...
Gần đây, mô hình trồng chôm chôm - nuôi ong dú - trồng sả java - bạc hà đỏ (thân vuông) để sản xuất tinh dầu của ông Nguyễn Hải Đăng, 69 tuổi, ở khu phố Dương Liễu Nam, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), được nhiều người quan tâm do đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người bắt đầu gọi vui ông là ông Đăng “tinh dầu”.
Ông Nguyễn Hải Đăng, khu phố Dương Liễu Nam, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) bên ruộng bạc hà đỏ. Từ bạc hà đỏ, ông Đăng chưng cất tinh dầu thơm. Ảnh: GIA BẢO
Nhiều năm trước, ông Đăng trồng một số cây chôm chôm trong vườn nhà để tạo bóng mát và lấy trái. Sau khi xây nhà, ông quy hoạch vườn và giữ lại 8 cây quanh nhà.
Đây là những cây cao lớn, sum xuê, năng suất trung bình 100 - 140 kg/cây/năm. Phát huy lợi thế tán cây và hoa chôm chôm, năm 2016, ông Đăng tổ chức nuôi ong dú. Mật ong dú mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các loại ong khác, hơn nữa từ khi có đàn ong, cả sản lượng và chất lượng chôm chôm bỗng nhiên cao hơn hẳn.
Hiện ông Đăng có 30 thùng ong dú và một số đàn ong dú khác được ông thử nghiệm nuôi trong các… tủ lạnh hỏng mua từ hàng phế liệu.
Ông Đăng chia sẻ: Tôi không lấy mật theo định kỳ mà để cho đàn ong “tự bảo quản” lấy, chỉ khi nào có người hỏi mua tôi mới thu hoạch. Với giá bán khoảng 2 triệu đồng/lít mật, đây là một nguồn thu rất khá.
Nghỉ hưu đã được 8 năm nhưng ông Đăng vẫn liên tục nghiên cứu để tự sản xuất một số dược phẩm theo kiểu “cây nhà lá vườn”.
Ông Đăng kể: Trong 36 năm công tác của mình, tôi có tới 20 năm làm việc ở mảng dược phẩm, đặc biệt tôi từng làm việc ở một số lò dược liệu tại nhiều nơi. Tôi muốn áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã có để sản xuất tinh dầu nên đã tự sắm dần một số máy móc, thiết bị chuẩn bị cho hoạt động sản xuất.
Sau khi sản xuất thành công tinh dầu bạch đàn (khuynh diệp), ông Đăng tự trồng bạc hà đỏ, sả java để tạo nguồn nguyên liệu ban đầu phục vụ sản xuất tinh dầu.
Đến nay ông Đăng đã có 3 sào sả java, 1 sào bạc hà đỏ và đang trồng thử nghiệm cây sả hoa hồng. Sản phẩm tinh dầu khuynh diệp, bạc hà, sả của ông Đăng được người dùng tín nhiệm, tiêu thụ tốt. Và mới đây sản phẩm tinh dầu bạc hà của ông được xếp hạng là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.
Ông Đăng, khu phố Dương Liễu Nam, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) vui vẻ chia sẻ: Tôi đang lên kế hoạch tăng diện tích vùng nguyên liệu lên 1 ha vào đầu năm 2024. Tôi sẽ kết hợp tinh dầu bạc hà, mật ong dú trong một sản phẩm chăm sóc da; sẽ sản xuất nước hoa hồng từ cây sả hoa hồng mà tôi đang nhân giống.
Cùng với đó, tôi đang đàm phán với một số bà con nông dân trong vùng cùng trồng bạc hà, sả để tạo vùng nguyên liệu đủ lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.