Chắc có lẽ theo quan niệm người xưa, cái chết chấm dứt cuộc sống ở thế giới bên này nhưng mở ra cuộc sống mới ở thế giới bên kia.
Vì thế, khi chôn cất người chết, họ chôn theo nhiều đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày để về thếgiới bên kia người thân của họ có đồ vật để dùng, tiếp tục cuộc sống của mình.
Qua các đợt thám sát, khai quật cho thấy đồ chôn cất theo người chết ngày xưa rất đa dạng như nồi, vò, bát bồng, rìu đá và cả những hiện vật quý như tượng thú bằng đồng và gương đồng.
Cùng với trống đồng Phú Chánh (Heger I) là biểu tượng đỉnh cao của sự sang giàu và quyền uy Việt cổ - Đông Sơn, họ còn có các sản phẩm đặc trưng của những nền văn minh khác.
Gương đồng thời Hán là đồ tùy táng của cư dân Bình Dương xưa, chưa từng được phát hiện ở các di tích nào khác ở Đông Nam bộ, là bằng chứng sống động của mối quan hệ giao lưu trao đổi văn hóa, kỹ thuật và nghệ thuật của người cổ Bình Dương ở tầm mức châu lục.
Phú Chánh vốn là một tên xã, trước đây thuộc Tổng Bình Điền, thuộc quận Châu Thành, tỉnh Bình Dương (nay TX Tân Uyên, Bình Dương).
Di tích khảo cổ học mang địa danh Phú Chánh vốn là một thung lũng sình lầy (nên có tên Bưng Sình), nằm dọc theo bờ suối Cái, gần nơi hợp lưu với suối Con.
Gương đồng thời Hán được trưng bày tại Bảo tàng Bình Dương. Gương đồng là đồ tùy táng, đồ chôn cất theo người chết.
Khu vực này quanh năm có nước, kẹp giữa hai vùng đất xám phù sa cổ, có chiều dài gần 3km, rộng 50m đi qua hai xã Phú Chánh và Vĩnh Tân theo hướng đông bắc - tây nam.
Có thể trước đây suối rộng hơn hiện nay do quá trình bồi tụ từ các vùng cao hơn, nó hẹp dần dòng chảy và cánh đồng rộng theo thời gian, thuận lợi cho con người sinh tụ và sản xuất nông nghiệp.
Khu vực này trước đây là một vùng sình lầy cổ, nằm giữa vùng đất xám và vàng nâu trên vùng phù sa cổ với nhiều nguồn nước bổ sung từ các dòng suối nhỏ.
Hiện nay, nơi đây được người dân địa phương trồng lúa, hoa màu và cây ăn trái. Năm 1998, trong khi rà sắt phế liệu trên nền đất nhà ông Hai Hổ, anh Nguyễn Văn Cường (xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã phát hiện một chiếc trống đồng cùng với một chum gỗ ở độ sâu 1,8 - 2,0m còn nguyên với các hiện vật tùy táng như dao dệt bằng gỗ, trục dệt, một số đồ gốm và chiếc gương đồng.
Gương đồng có nguồn gốc từ Trung Nguyên cùng với các loại gương đồng thời Hán khác như Nhật Quang kính, Chiêu Minh kính…. Gương “Tứ nhũ-tứ ly” được buôn bán trao đổi khắp châu lục. Ngoài lãnh thổ Trung Hoa, gương đồng phân bố trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, cả miền Bắc và Nam Trung bộ của nước ta.
Ở di chỉ khảo cổ Phú Chánh lần đầu tiên phát hiện loại gương đồng “Tứ nhũ - tứ ly” ở miền Nam nước ta. Gương đồng Trung Nguyên thường được chôn trong các ngôi mộ mà chủ nhân của nó có thân phận quyền quý, sang giàu.
Như ở bán đảo Triều Tiên và quần đảo Nhật Bản, người ta đào thấy gương “Nhật Quang kính”, ở mộ Hán ở Trung Nguyên (Hà Nam, Giang Tô, Quảng Đông…) người ta đào thấy gương dành cho Trung Sơn Vương Tu chết năm 56 trước Công nguyên…
Ở nước ta các nhà khảo cổ học tìm thấy hàng chục gương các loại (có hai chiếc giống gương phát hiện ở Phú Chánh) trong các mộ Hán ở xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa (nay là xã Thiệu Dương thuộc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có rất nhiều tùy táng phẩm kèm theo bằng đồng thau, sắt, gốm, trang sức ngọc màu, nhẫn vàng hay bạc…
Thông thường gương chôn kèm với lược đặt ở gần đầu người chết, chỉ duy nhất có ngôi mộ song táng chôn cùng lúc hai người đều có gương đồng trên đầu mỗi người. Trong văn hóa Sa Huỳnh (Nam Trung bộ - Việt Nam), Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học và Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản) hợp tác khai quật di tích mộ chum ở Bình Yên (tỉnh Quảng Nam).
Trong mộ chum số 7, phát hiện một gương đồng chôn dưới một hộp sọ, nằm trên một rìu sắt. Đây là chiếc gương đồng “Nhật Quang kính” duy nhất được phát hiện trong mộ chum văn hóa Sa Huỳnh, được các nhà khảo cổ học Nhật Bản định niên đại từ năm 70 đến năm 50 trước Công nguyên.
Các gương “Tứ nhũ - tứ ly” giống Phú Chánh ở Thiệu Dương (tỉnh Thanh Hóa) được định niên đại khoảng cuối Tây Hán - đầu Đông Hán (khoảng thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên).
Việc phát hiện gương đồng Tây Hán cùng chôn với trống đồng trong chum gỗ Phú Chánh củng cố niềm tin về thời gian của chủ nhân di tích quý hiếm này, khoảng thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên.
Bên cạnh sự có mặt của gương đồng cùng nhiều tùy táng phẩm khác và dấu tích than tro dày thành nhiều lớp trong bùn sình ở lòng chum gỗ Phú Chánh cho chúng ta nhận thức được về táng thức hỏa thiêu người trong nghĩa địa xưa ở ấp Phú Bưng.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học không tìm thấy di cốt người xưa trong chum gỗ Phú Chánh ngoài lớp sét vàng và xám xanh ke bờ và trét thành lớp mỏng trong lòng chum gỗ. Tuy nhiên, lối hỏa táng và chôn theo tàn tích người trong quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng có liên quan những táng thức phổ biến nhất trong nhiều dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Cùng với trống đồng và gương đồng, các di vật giống như “kiếm trượng” và “nghi trượng” chôn theo thể hiện vị thủ lĩnh của bộ lạc hay thủ lĩnh tôn giáo của cộng đồng tộc người Đông Nam bộ lúc bấy giờ. Gương đồng trước khi chôn thì người ta đập thành 4 mảnh.
Gương đồng được phát hiện tại di tích Phú Chánh vào năm 1998 cùng với trống đồng Phú Chánh II. Gương đồng tròn, với mặt soi láng bóng, nhưng do ngâm lâu ngày trong bùn đất nên lớp mặt soi bị bong gần hết, loang lổ như đốm da báo.
Mặt soi không phẳng mà hơi cong. Ở mặt bên phần chính giữa gương là một núm tròn nổi khá cao có lỗ xuyên ngang, núm tròn có đường kính rộng 1cm, nổi cao khoảng 0,9cm. Quanh núm là một vành tròn nổi để trơn, vành đai này rộng 0,3cm, đường kính khoảng 3cm.
Từ vành đai trơn trở ra đường rìa biên có 3 đường hoa văn. Vành 1 và vành 3 rộng 0,3cm là các vành có những đường gạch chéo song song và cách đều nhau, những vành văn gạch chéo hơi lõm xuống kiểu lòng máng, đường kính lớn nhất là 3,5cm và 7,5cm. Vành 2 rộng 1,3cm là vành có 4 núm tròn, là tâm điểm của 4 vòng tròn nhỏ đường kính 0,6cm, nằm cách đều nhau rất cân xứng qua núm tròn ở tâm gương.
Ở các khoảng giữa 4 núm tròn nổi là hình 4 chữ S với một đầu uốn cong (có người gọi các hình chữ S này là hình giản hóa của 4 con ly), với hình chim đậu ở trong khoảng trống gần bụng các chữ S, cùng các vòng tròn nhỏ ở hai bên chim đậu.
Toàn bộ vành 2 có đường kính rộng 6,5cm, được khống chế bởi hai đường chỉ nổi, các núm tròn nổi khoảng 0,5cm.
Gương đồng Phú Chánh thuộc cỡ nhỏ và trung bình, có đường biên trơn rộng, với đường kính 10,6cm, dày 0,6cm, bị rỉ xanh với vành đen do ngâm lâu ngày trong bùn đất, độ dày nhất ở biên đo được 0,5cm, phần giữa mỏng nhất từ 0,1cm đến 0,2cm.
Lưng trang trí hoa văn và mặt soi hơi cong. Xen kẽ 4 núm tròn cách đều nhau qua tâm gương là những hình chữ S với một đầu lượn cong mạnh. Đây là mô típ cách điệu hóa hình của 4 con ly nên còn được gọi là gương “Tứ nhũ-tứ ly”.
Gương đồng là một trong những đồ tùy táng đặc sắc trong táng thức của cư dân Phú Chánh xưa, là loại đồ tùy táng đặc biệt và hiếm thấy, giúp chúng ta hiểu hơn về đồ tùy táng của cư dân sống trên mảnh đất này. Gương đồng tìm thấy ở Phú Chánh chứng tỏ cư dân Bình Dương xưa đã có mối giao lưu văn hóa với thế giới xung quanh.