Từ nhà báo học làm nông...
Là nhà báo trẻ, chúng tôi luôn khao khát tìm kiếm các đề tài mới, thời sự riêng, độc lạ. Theo đó, cuối tháng 8/2023, may mắn "đi săn" được thông tin, đề tài mới về việc việc nông dân khó vận hành máy bay không người lái ở Ninh Bình, tôi đã vào cuộc ngay để nghiên cứu, thông tin nhằm mong muốn tháo gỡ khó khăn giúp bà con làm cánh đồng mẫu lớn hiệu quả hơn.
Càng nghiên cứu sâu, chúng tôi càng thấy nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi số của nông dân. Dù máy bay không người lái là thiết bị số phục vụ sản xuất rất hiện đại giúp nông dân có thể phun thuốc BVTV cả chục ha/ngày nhưng do trình độ của bà con về việc sử dụng các thiết bị bay có giới hạn; hạ tầng phục vụ máy bay rất hạn chế; đơn đặt hàng bay còn khiêm tốn do nông dân ở các vùng làm lúa manh mún, nhỏ lẻ, phía doanh nghiệp, cán bộ cơ sở hướng dẫn, tập huấn cho nông dân hời hợt khiến bà con vận hành máy mới khó càng thêm khó.
Để khai thác, thu thập triệt để các thông tin về vụ việc này, chúng tôi đã tận dụng hết các ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 để gặp gỡ nông dân, cùng nông dân đưa máy bay ra đồng trải nghiệm phun thuốc trừ sâu. Hay thậm chí vào vai nông dân làm cánh đồng mẫu để liên hệ với doanh nghiệp thăm dò tình hình phân phối, bảo dưỡng, bảo hành... máy bay không người lái.
Sau khi hoàn thiện cơ bản xong thông tin về máy bay không người lái làm khó các "đại điền", chúng tôi lại tiếp tục mở rộng đề tài về các thiết bị, phần mềm số khác đang được áp dụng tại các tỉnh, thành. Địa điểm chúng tôi ngắm đến tiếp theo là Vĩnh Phúc, một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trong việc áp dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt.
Cũng phải thú thực, trước khi thực hiện đề tài này, chúng tôi chưa phát hiện các hạn chế trong mô hình chuyển đổi số trong mô hình nuôi cá ở Vĩnh Phúc nên vẫn quyết định đi thăm mô hình để trải nghiệm trước.
Tuy nhiên, trong quá trình nhập vai người nuôi cá tìm đến các chủ trại ở một số vùng của Vĩnh Phúc để học hỏi kinh nghiệm làm giàu, chúng tôi mới phát hiện ra vấn đề. Có chủ trại trên 60 tuổi, sau khi được "mời chào", hỗ trợ lắp đặt hệ thống cảm biến vận hành trên máy tính bảng nhiều tháng nhưng lại phải dùng tay để vận hành thiết bị mới khiến chúng tôi rất bất ngờ.
Chia sẻ với phóng viên, lão nông Trần Ngọc Thanh ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) rất thật thà: Nuôi cá hàng chục năm nay nên tôi vẫn quen làm bằng kinh nghiệm. Tôi đo nước (nhiệt độ, pH) bằng tay và mắt thường, vào ngày thời tiết thay đổi bất thường cá ngoi lên ngớp nhiều sẽ bật quạt oxy điều hòa vẫn giúp cá khỏe mạnh mà không cần dùng máy móc.
Hơn nữa, tôi có tuổi nên chỉ quen dùng cục gạch (điện thoại nhỏ có phông chữ to) dễ dùng để liên lạc, không dùng được điện thoại to (điện thoại thông minh, smart phone) nên từ khi lắp đặt cảm biến đến giờ vẫn dùng tay để vận hành quạt nước.
Cũng trong vai người nuôi cá, chúng tôi tìm đến nhà Bí thư Chi bộ thôn Trại Trong, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) Nguyễn Ngọc Tuấn. Thấy có khách lạ, lão nông thăm dò khá nhiều về kiến thức nuôi cá, đầu vào, đầu ra sản phẩm... Vốn con nhà nông dân đã từng nuôi cá và nghiên cứu nhiều tài liệu chăn nuôi nên chúng tôi đều trả lời rất trôi chảy.
Khi dẫn khách ra thăm thiết bị cảm biến chăm sóc cá, chúng tôi mới "vỡ mộng". Hệ thống mới này đáng ra phải lắp đặt phao nổi ở dưới nước ao để đo các chỉ số pH, nhiệt độ... và khi có sự cố cảnh báo về điện thoại, tự động bật quạt oxy giúp cá nuôi trong ao luôn an toàn, khỏe mạnh nhưng lâu nay lại bị lão nông này "cưỡng chế" đưa thiết bị lên bờ, bỏ vào xô nước nhỏ cho "làm việc".
Thấy khách thắc mắc, lão nông này chia sẻ ngay: "Ban đầu tôi đã từ chối lắp đặt nhưng thấy được hỗ trợ chi phí mua máy, cá, cám... nên tôi mới lắp. Giờ lắp xong có dùng đâu".
Để có đủ thông tin sâu, đa chiều, khách quan, phóng viên đã rất kiên trì, miệt mài báo địa bàn, bám nông dân. Thậm chí, để tiếp cận mô hình các mô hình nuôi cá ở đây, chúng tôi phải lặn lội mưa gió từ Hà Nội để xác minh thói quen, tác phong làm việc, sử dụng thiết bị, phần mềm số mới để thông tin xác thực, thuyết phục nhất khi đăng báo.
...đến vào vai "cán bộ số"
Trong quá trình thực hiện bài tiếp theo: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Nản toàn tập khi "trải nghiệm" mã QR ở một xã nông thôn mới kiểu mẫu", phóng viên đã vào vai "cán bộ số" để về một trong số những xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô nhằm kiểm tra, trải nghiệm mô hình "thôn thông minh".
Khi đến xã Song Phượng (huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội), chúng tôi đến từng ngõ ngách, điểm công cộng, nhà văn hóa để trải nghiệm mã quét QR làm thủ tục hành chính trực tuyến. Tuy nhiên, sau nhiều ngày bám địa bàn, phóng viên liên tục dùng 2 điện thoại cá nhân quét mã QR nhưng đều thất bại, các mã sau khi quét đều báo về: Hệ thống bị lỗi.
Để thuyết phục hơn, chúng tôi đến gặp người dân tại xã nông thôn mới kiểu mẫu này để hỏi thông tin và cùng trải nghiệm mã QR hoàn thiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến cũng đều thất bại.
Bên cạnh việc việc khai thác thông tin liên quan đến mã QR, phóng viên cũng tìm đến tận các mô hình sản xuất nông nghiệp nổi bật ở Song Phượng để tìm hiểu quá trình chuyển đổi số của bà con. Sau nhiều ngày lặn lội đến các trang trại trồng nấm, hoa (sản phẩm chủ lực của Song Phượng) chúng tôi thấy bà con rất khao khát được "chuyển đổi số" nhưng giờ vẫn phải làm nấm khá thủ công, đầu ra cũng ít tiếp cận đến các chợ online, sàn thương mại điện tử nên rất bấp bênh, rủi ro.
Cán bộ phản hồi nhanh, nông dân được hưởng lợi, nhà báo cũng vui
Trong suốt quá trình tác nghiệp thực hiện loạt bài độc quyền: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp", chúng tôi xác định mục tiêu phải làm hết mình, công tâm, khách quan, đa chiều; chấp hành các quy định nghề nghiệp, thường xuyên báo cáo lãnh đạo cơ quan để nhận chỉ đạo, hoàn thiện loạt bài đạt chất lượng cao nhất.
Để có thêm góc nhìn khách quan, chúng tôi đã liên hệ phỏng vấn thêm các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học để xin hiến kế, giải pháp mới giúp các bộ ngành, các tỉnh, thành, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả, thành công hơn.
Điều đáng mừng nhất là ngay sau khi các bài trong loạt bài lần lượt được đăng tải trên Báo điện tử Dân Việt, sáng sớm ngày 19/10/2023 phóng viên được đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp nhắn tin động viên, khen ngợi đề tài hay, thông tin rất chất lượng.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn đánh giá: Loạt bài:"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp" độc quyền, công phu của Báo điện tử Dân Việt đã phản ánh một đề vấn đề rất "nóng" trong nông nghiệp hiện nay, khi chỉ ra những lợi ích, cũng như những bất cập trong chuyển đổi số đối với người nông dân. Qua đó, giúp lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến với nông dân, hợp tác xã...
Nhận được thông tin phản ánh trên Báo điện tử Dân Việt, ngày 31/10, đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đã liên hệ để cảm ơn phóng viên và Báo Dân Việt đã thông tin kịp thời. Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đã cam kết sẽ vào cuộc chỉ đạo các địa phương khắc phục, chỉnh sửa các hạn chế trong quá trình chuyển đổi số ở các xã nông thôn mới ở Hà Nội.
Ngay sau phản hồi của lãnh đạo TP.Hà Nội, chúng tôi đã về ghi nhận thực tế ở các xã nông thôn mới kiểu mẫu thấy đã có thay đổi tích cực. Các địa phương đã thay đổi mã quét QR từ 5 mã tích hợp thành một mã QR duy nhất giúp người dân làm các thủ tục hành chính thuận lợi hơn qua dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, các cán bộ cơ sở cũng về tận các trang trại, mô hình sản xuất cũng để khảo sát, hỗ trợ giúp nông dân chuyển đổi số hiệu quả, thiết thực hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, ngay sau khi loạt bài : "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp", được đăng tải, đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã vào cuộc và trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Dân Việt.
Tư lệnh ngành Nông nghiệp Việt Nam thừa nhận: "Trong các bài trong loạt bài: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp của Báo điện tử Dân Việt vừa đăng tải chúng ta phải nhìn nhận ra hai vấn đề, đó là giữa sản phẩm công nghệ, người tạo ra App và nông dân chưa gặp nhau".
Để giúp Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong nông nghiệp đạt hiệu quả hơn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã đề ra các giải pháp giúp các tỉnh, thành, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả hơn.
Ngoài ra, lãnh đạo một cơ quan thuộc Bộ NNPTNT cũng cảm ơn phóng viên và Báo điện tử Dân Việt đã thông tin kịp thời về các hạn chế trong các mô hình, dự án chuyển đổi số ở các địa phương.
Đáng chú ý hơn, đơn vị này đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn ở các địa phương gặp vấn đề trong việc thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phần mềm số cho nông dân như báo đã phản ánh phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác chuyên môn giúp nông dân áp dụng phần mềm (App), thiết bị mới vào sản xuất đúng hướng và hiệu quả hơn.
Để thu thêm phản hồi cho loạt bài độc quyền: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp, phóng viên đã về thực tế các địa phương Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Đồng Tháp, Tây Ninh... và nhận thấy các lãnh đạo, cán bộ cơ sở đã thay đổi cách làm, hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm số, máy bay không người lái, thiết bị mới chăm sóc cây trồng, vật nuôi thuận lợi và hiệu quả hơn.
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về "Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn Việt Nam" 2023 sẽ được tổ chức vào 20h ngày 10/12/2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV2. Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Viện Nam phối hợp chỉ đạo, giao báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) tổ chức thực hiện. Agribank cũng là nhà tài trợ duy nhất cho giải.