Ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết như thế tại Kỳ họp lần thứ 13 - HĐND tỉnh Bình Dương khóa X (kỳ họp thường lệ cuối năm 2023), khai mạc vào sáng 7/12.
Năm 2023, cơ cấu nội ngành công nghiệp Bình Dương tiếp tục có chuyển biến tích cực, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng, các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, UBND tỉnh cho biết, vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng phải thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng hoạt động.
Vì thế, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh ước chỉ tăng 5,95% so với năm 2022. Trong khi năm 2022, chỉ số IIP tăng 8,8%, đạt mục tiêu kế hoạch tăng cao hơn 8,7%.
Cũng vì đối mặt với nhiều khó khăn do suy giảm nhu cầu ở các thị trường quốc tế, kim ngạch xuất khẩu Bình Dương cũng sụt giảm.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD, giảm 7%.
Tính đến ngày 30/11, Bình Dương thu hút 81.819 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh đầu tư trong nước (giảm 15,4% so với cùng kỳ). Trong năm, Bình Dương có 97 doanh nghiệp giảm vốn (5.600 tỷ đồng), và 613 doanh nghiệp giải thể (4.781 tỷ đồng).
Đầu tư nước ngoài của tỉnh đạt 1,467 tỷ USD, chỉ đạt 81% kế hoạch, bằng 48% so với cùng kỳ.
Sản xuất kinh doanh gặp khó nên tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng theo. Toàn tỉnh có hơn 127.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, chủ yếu tập trung ở ngành da giày, may mặc, chế biến gỗ.
Đánh giá chung, UBND tỉnh cho rằng tình hình năm 2023 diễn ra trong điều kiện khó khăn.
Một số doanh nghiệp vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19 lại gặp ngay khó khăn mới, khi đơn hàng giảm mạnh, tồn kho tăng. Trong khi đó, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, chi phí lãi vay cao, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thanh lý tài sản để giảm bớt khó khăn về dòng tiền.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống bị suy giảm hoặc tăng thấp; nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đều giảm sâu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiệu quả không cao và thị trường thiếu ổn định nên một số người dân, doanh nghiệp hạn chế đầu tư mở rộng, tái đầu tư một số sản phẩm nông nghiệp. Việc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Lộc Hà đánh giá, thu ngân sách cơ bản của tỉnh đảm bảo dự toán nhưng thu từ sản xuất kinh doanh, thu xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ.
Mặt bằng lãi suất giảm nhưng tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Giá cả một số hàng hóa thiết yếu tiếp tục tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Nhiều lao động mất việc làm, giảm giờ làm nên gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần. Điều này sẽ gây áp lực an sinh xã hội và tiềm ẩn vấn đề an ninh trật tự trong thời gian tới.
Năm 2024, UBND tinh xác định 36 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, tổng sản phẩm trong tinh (GRDP) tăng 8-8,5% so với năm 2023. Bình Dương phấn đấu chỉ số IIP năm 2024 tăng trên 8,7% so với cùng kỳ.
Tỉnh sẽ tập trung quy hoạch, từng bước hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo các trục giao thông cao tốc liên kết vùng.