Từng bước hình thành xã NTM thông minh
Ông Lê Hoài Thanh – Chủ tịch UBND xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Năm 2014 xã An Thạnh 1 được công nhận xã NTM đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng, năm 2020 xã được công nhận NTM mới nâng cao, cuối năm 2023 được công nhận xã NTM kiểu mẫu. Để đạt được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn xã.
Clip: Ông Lê Hoài Thanh - Chủ tịch UBND xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ về công cuộc đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn xã. Thực hiện: Thúy Vy
Để thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, thời gian qua, xã An Thạnh 1 đã và đang tích cực triển khai công tác chuyển đổi số với quyết tâm cao, hướng tới một lộ trình và mục tiêu rõ ràng.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, và công dân số một cách đồng bộ và hiệu quả.
Về xây dựng chính quyền số, xã An Thạnh 1 tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước, tận tình hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hồ sơ trực tuyến, sử dụng các dữ liệu dân cư,...
Cụ thể, trong 3 năm (từ năm 2020 – 2022), Bộ phận một cửa của xã An Thạnh 1 đã tiếp nhận và giải quyết 100% tỷ lệ hồ sơ. Các thủ tục hành chính của các tổ chức công dân được giải quyết minh bạch, nhanh chóng.
Tập trung phát triển xã hội số, xã An Thạnh 1 sử dụng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM.
Tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nhiệp về giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa được 130 phiếu khảo sát. Kết quả 130 phiếu hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 100%.
Ngoài việc tích cực triển khai chuyển đổi số trong quản lý hành chính, xã An Thạnh 1 cũng đã nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông bằng việc lắp đặt mạng wifi miễn phí tại 7 điểm công cộng, bao gồm: UBND xã, nhà văn hóa, trạm y tế, điểm du lịch cộng đồng và nhà sinh hoạt cộng đồng. Đảm bảo người dân có thể tìm kiếm thông tin, sử dụng mạng internet mọi lúc mọi nơi.
Ngoài ra, xã có 1 điểm phục vụ bưu chính thuận tiện cho việc giao dịch của bà con, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 95%.
Ông Hà Văn Còn - Cán bộ Văn hóa xã hội xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng giới thiệu về hệ thống camera được lắp đặt ở các cửa ngõ ra vào địa bàn xã. Ảnh: Thúy Vy
Bên cạnh việc đưa người dân đến gần với công nghệ số, xã An Thạnh 1 đã lắp đặt 15 camera an ninh trật tự ở các cửa ngõ ra vào địa bàn xã, ấp và lắp đặt 1 màn hình tivi cỡ lớn có kết nối các mắt camera tại trụ sở UBND xã.
Đây được xem là "tai mắt", là "cánh tay nối dài" của lực lượng Công an nhân dân góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Ông Hà Văn Còn - Cán bộ Văn hóa xã hội xã An Thạnh 1 thổ lộ: "Nhờ có camera an ninh nên tình hình an ninh trật tự được giữ vững, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông, tình trạng trộm cắp vặt cũng hạn chế. Người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo quản tài sản chung" .
Thêm vào đó, xã có 1 trạm truyền thanh và 6 tổ truyền thanh tại 3/3 ấp đạt 100%. Định kỳ phát thanh vào lúc 5 giờ và 17 giờ hàng ngày, có hệ thống loa thông minh hoạt động thường xuyên, đảm bảo kịp thời tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến tận người dân.
Đẩy mạnh xây dựng ấp thông minh
Trong quá trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu, UBND xã An Thạnh 1 (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) chọn ấp An Thường xây dựng thí điểm mô hình ấp thông minh.
Từ khi mô hình đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tối ưu như: 3 điểm công cộng có wifi miễn phí, 8 hệ thống camera an ninh, ứng dụng thiết bị thông minh vào các hoạt động trao đổi mua bán, tìm kiếm việc làm trong đời sống người dân.
Ông Trần Nhựt Quang, Bí thư Chi bộ ấp An Thường chia sẻ: "Trên địa bàn ấp đã thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng, thường xuyên đi đến các hộ dân để hướng dẫn tạo tài khoản ngân hàng điện tử, cài đặt app định danh điện tử, app thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt như Viettel Money, VnMoney,...
Ban đầu thành lập cũng gặp khá nhiều khó khăn vì nhận thức và khả năng tiếp cận với công nghệ của bà con còn hạn chế. Đến những cán bộ như chúng tôi cũng bỡ ngỡ, phải đi tập huấn sử dụng các nền tảng số nhiều lần để nắm được mục đích, yêu cầu khi xây dựng ấp thông minh. Sau đó, cùng tổ công nghệ số tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia, đến nay thì cũng đã được nhiều bà con nhiệt tình thực hiện" .
Bà Đặng Thị Thảo Ly (SN 1982, ấp An Thường, xã An Thạnh 1), chủ khu du lịch ẩm thực Vườn Xoài đã chuyển mình từ hoạt động du lịch truyền thống sang hoạt động ứng dụng du lịch số. Cụ thể, bà Ly đã xây dựng trang mạng xã hội để quảng bá hình ảnh khu du lịch, sản phẩm xoài Cát Chu tại vườn để thu hút khách đến tham quan.
Bà Ly vui vẻ nói: "Từ khi được cán bộ xã hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, quảng bá hình ảnh vườn xoài thông qua các trang mạng xã hội, khu du lịch ẩm thực Vườn Xoài đã có rất nhiều lượt khách tìm đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ vậy, khu du lịch đạt doanh thu hơn 270 triệu đồng/năm".
Đặc biệt, trong vườn xoài của gia đình bà Ly đã áp dụng biện pháp tưới tiên tiến. Trên diện tích hơn 15.000m2 đất trồng xoài, đã được trang bị 600 béc hệ thống tưới cây thông minh, có thể được điều khiển bằng điện thoại.
Hệ thống sử dụng các cảm biến để theo dõi độ ẩm đất, nhiệt độ và điều kiện thời tiết, từ đó xác định lượng nước cần thiết cho cây trồng và kích hoạt quá trình tưới cây tự động.
Ông Lê Hoài Thanh - Chủ tịch UBND xã An Thạnh 1 chia sẻ: "Chuyển đổi số NTM là một quá trình có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, do đó, từ cán bộ cho đến người dân phải cùng nhau tham gia. Thông qua chuyển đổi số, bộ mặt địa phương được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư nâng cấp. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao hơn".