Đam mê con vật lạ
Anh Việt tâm sự: "Tôi rời quê vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp đã lâu, công việc kinh doanh sắt thép do thị trường bão hòa và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gặp nhiều khó khăn.
Đến tháng 7/2021, khi thành phố bắt đầu giãn cách xã hội để chống dịch thì gia đình tôi quyết định trở về quê lập nghiệp.
Tình cờ biết đến chồn hương là một vật nuôi mới có chi phí nuôi thấp, dễ chăm sóc, lại có giá trị kinh tế cao, nên tôi mạnh dạn khởi nghiệp với số vốn khoảng 200 triệu đồng.
Trong đó, tôi được tạo điều kiện vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hòa Vang 70 triệu đồng và Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố Đà Nẵng 30 triệu đồng".
Chồn hương là động vật hoang dã, vì vậy khi nuôi chồn anh đã làm thủ tục và được cơ quan chức năng cấp phép. Vì là tay ngang bước vào ngành chăn nuôi, nên anh Việt luôn chủ động mày mò, tích lũy kiến thức từ sách vở, internet… để chăm sóc con giống mua về đạt hiệu quả tốt.
Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho biết: "Trên địa bàn xã có nhiều hộ nuôi chồn hương nhỏ lẻ, nhận thấy đây là mô hình độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, nên Hội Nông dân xã đã thành lập Hợp tác xã nuôi cầy vòi hương và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Sơn.
Thông qua việc thành lập hợp tác xã, Hội Nông dân xã phối hợp hỗ trợ, giúp các thành viên đăng ký giấy phép kinh doanh để có điều kiện phát triển và nhân rộng mô hình này".
Đặc tính của chồn hoang dã, ăn tạp nên dễ nuôi, ít bị bệnh, ít tốn công chăm sóc. Thức ăn là các loại trái cây chín có vị ngọt (chủ yếu là chuối xiêm chín) và cá đồng. Mỗi ngày, anh cho ăn 2 lần nên mỗi con chồn chỉ tốn khoảng 3.000 đồng thức ăn. Việc đảm bảo nguồn thức ăn tươi giúp chồn lớn nhanh và tránh các bệnh về đường ruột.
Theo anh Việt, nuôi chồn hương không cần diện tích rộng, nên anh nuôi trong lồng sắt nhỏ theo kiểu công nghiệp nhưng vẫn đảm bảo cho một con ở và vận động. Mỗi sáng, anh đều vệ sinh chuồng sạch sẽ, đảm bảo luôn khô thoáng và thường xuyên tưới nước làm mát mái vào mùa nắng vì chồn không chịu được nóng.
Chồn hương thường mắc các bệnh về đường hô hấp, đường ruột. Điển hình là bệnh tiêu chảy, khi thấy chồn có triệu chứng thì anh tách chuồng để tránh lây lan, dùng thuốc thú y thông thường để điều trị.
Do vậy, chi phí thuốc men không nhiều, chủ yếu là phải phòng bệnh tiêu chảy ngay từ nhỏ thì chồn sẽ sinh trưởng khỏe mạnh.
Làm giàu trên mảnh đất quê hương
Đợt mưa lịch sử tháng 10/2022, khiến gia đình anh Việt không kịp trở tay, đàn chồn hương 20 con chết hết vì ngập trong nước lũ. Không nản chí, anh tiếp tục vay vốn để gầy lại đàn và nâng cấp chuồng trại. Hiện nay, trại chồn hương của anh có quy mô hơn 100m2, với tổng đàn 30 con.
Bình quân mỗi năm chồn hương sinh sản 2 lứa, mang thai hơn 2 tháng, mỗi lứa từ 2-5 con. Chồn con nuôi khoảng 2 tháng thì anh tách mẹ, cho ăn dặm nhằm thuần hóa và tránh việc chồn mẹ cắn chết chồn con. Chồn giống được bán với giá khoảng 8 triệu đồng/cặp (khoảng 8g/con), nuôi từ 12 tháng xuất bán thịt với giá từ 1,6-2 triệu đồng/kg (3-4kg/con).
So với các vật nuôi khác thì chồn hương có giá trị kinh tế cao, nhất là nhu cầu chế biến thức ăn ở các quán ăn, nhà hàng. Vì thế, đầu ra của chồn thịt và chồn giống rất thuận lợi, đem lại cho anh Việt thu nhập cao để tiếp tục tái đầu tư mở rộng quy mô.
Mỗi ngày, anh Việt, nông dân nuôi chồn hương ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, (thành phố Đà Nẵng) cho chồn ăn 2 lần nên mỗi con chỉ tốn khoảng 3.000 đồng thức ăn. Ảnh: T.N.
Hợp tác xã nuôi cầy vòi hương và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hòa Sơn gồm có 14 thành viên, anh Phan Thanh Việt đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc hợp tác xã.
Là thành viên có quy mô nuôi chồn hương lớn nhất trong hợp tác xã, anh Nguyễn Hữu Khánh (37 tuổi) chia sẻ: "Gia đình tôi nuôi chồn hương được 3 năm, hiện nay có tổng đàn hơn 100 con. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Đây là một vật nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao, vì vậy tôi rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi chồn hương cho các thành viên hợp tác xã cũng như bà con nông dân có mong muốn làm giàu trên chính quê hương mình".
Anh Việt cho biết: "Hợp tác xã thành lập nhằm tập hợp các hộ nuôi chồn hương trên địa bàn xã, tạo ra hệ sinh thái cung ứng sản phẩm chất lượng, xây dựng thương hiệu và tạo uy tín, tăng sự cạnh tranh trên thị trường.
Với mục tiêu là tăng số lượng, chất lượng đàn chồn hương thương phẩm và tạo con giống tốt phục vụ khách hàng. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên chăn nuôi tại địa phương".
Hợp tác xã nuôi cầy vòi hương và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được thành lập với 14 thành viên, với mục tiêu tăng số lượng, chất lượng đàn chồn hương thương phẩm và tạo con giống tốt phục vụ khách hàng. Ảnh: T.N.
Hiện nay, khi có giấy phép kinh doanh, các thành viên Hợp tác xã nuôi cầy vòi hương và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hòa Sơn rất phấn khởi, dự định phát triển và nhân rộng mô hình hơn nữa.
Với hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi chồn hương hứa hẹn đem lại cho các thành viên hợp tác xã nguồn thu nhập khá, góp phần vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.