Đây là nơi còn vô số nhà cổ, ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng, ai đến thấy đẹp mê là phải rồi

Trần Hậu - Tuyết Nhung Chủ nhật, ngày 23/07/2023 06:02 AM (GMT+7)
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20km, làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai thuộc thôn Thái Lai, xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang được du khách thập phương tìm đến. Làng cổ Thái Lai, mảnh đất bình yên, hữu tình, thơ mộng, bản sắc văn hóa đa dạng, đặc biệt trong làng còn vô số nhà cổ....
Bình luận 0

Bình yên làng cổ Thái Lai

Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai nằm về phía tả ngạn sông Túy Loan, hình thành cách đây gần 500 năm vào thời nhà Lê, với tên gọi là làng Bàu Trai. 

Đến thời Gia Long năm thứ 10 (1818) được đổi tên thành làng Thái Lai với khát vọng qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai (cuộc sống sung sướng).

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 1.

Năm 2010, đình làng Thái Lai, xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang (TP Đà Nẵng) được công nhận là Di tích văn hóa – lịch sử cấp thành phố. Ảnh: T.N.

Thái Lai có phong cảnh hữu tình, thơ mộng với cảnh quan đẹp của sông, suối, ao, hồ, đồng ruộng, vườn cây trái và nhiều công trình kiến trúc cổ. Trong đó, đình làng Thái Lai được hình thành gần 300 năm và xây dựng theo lối kiến trúc thời Nguyễn.

Theo các cụ cao niên trong làng, đình làng Thái Lai được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1811 tại xóm Ngoài. Về sau dân làng ngày càng đông đúc, các tộc họ di dời đình về nơi đắt địa với quy mô xây dựng lần thứ 2 kiên cố hơn và tồn tại đến ngày nay.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình trở thành nơi tập kết lương thực, vũ khí, nuôi giấu cán bộ cách mạng. 

Trải qua nhiều lần xây dựng, tôn tạo và trùng tu, đình làng Thái Lai vẫn giữ nguyên lối kiến trúc cổ kính, với 17 sắc phong, những tấm hoành phi, hương ước, nghi thức vẫn được bảo tồn.

Chính vì vậy, năm 2010, UBND TP.Đà Nẵng đã công nhận đình làng Thái Lai là Di tích văn hóa – lịch sử cấp thành phố.

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 2.

Đình làng Thái Lai được hình thành gần 300 năm và xây dựng theo lối kiến trúc thời Nguyễn. Ảnh: T.N.

Bước qua cổng tam quan là một bức bình phong mang ý nghĩa che chắn, ngăn chặn chướng khí làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của đình. Bình phong có mặt ngoài là hình kỳ lân, mặt trong đắp nổi hình cá chép vượt long môn và trên cùng là phụng hoàng đang sà cánh đáp xuống.

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 3.

Ông Đỗ Hữu Minh là chủ nhân của nhà cổ Tích Thiện Đường có tuổi đời hơn 200 năm. Ảnh: T.N.

Mái đình được lợp ngói âm dương, trên đỉnh nóc trang trí cặp rồng đối xứng, ngoảnh đầu chầu nguyệt. Các góc của phần mái nhô ra được vuốt cong mềm mại, bên trên có chim phụng, kim quy và kỳ lân.

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 4.

Bên cạnh đình làng là nhà thờ tộc Đỗ cũng được xây dựng theo lối kiến trúc nhà thờ cổ truyền thống ở làng cổ Thái Lai, xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang (TP Đà Nẵng). Ảnh: T.N.

Hàng năm, vào dịp "xuân kỳ, thu tế", dân làng lại rộn ràng tổ chức lễ tế đình để tỏ lòng biết ơn các vị tiền hiền đã có công khai khẩn lập làng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Bà Nguyễn Thị Huệ (89 tuổi) cho biết: "Hiện nay, người dân thống nhất chọn mùng 10/3 Âm lịch hàng năm để tổ chức Lễ hội đình làng Thái Lai. Đây là dịp để người dân gặp gỡ giao lưu, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha ta, góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần của nhân dân".

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 5.

Trên mái đình lợp ngói âm dương và trang trí long, lân, quy, phụng. Ảnh: T.N.

Bên cạnh đình là nhà thờ tộc Đỗ, cũng được xây dựng theo lối kiến trúc nhà thờ cổ truyền thống, góp phần tạo nên một không gian văn hoá tâm linh đặc sắc.

Làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng

Ở Thái Lai có nhiều nhà cổ còn được người dân gìn giữ và bảo quản. Trong đó, Đỗ Gia Viên là địa chỉ được du khách gần xa yêu thích nhất, với điểm nhấn là nhà cổ Tích Thiện Đường.

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 6.

Tại Đỗ Gia Viên trưng bày nhiều vật dụng có giá trị văn hoá – lịch sử, đặc trưng của làng quê xứ Quảng. Ảnh: T.N.

Nằm bên bờ sông Tuý Loan thơ mộng, nhà cổ Tích Thiện Đường của ông Đỗ Hữu Minh là ngôi nhà cổ độc nhất tại Đà Nẵng còn giữ nguyên vẹn lối kiến trúc đặc trưng nhà Việt xưa.

Ông Minh (66 tuổi) vui vẻ nói: "Tích Thiện Đường là nơi gia đình thờ tự ông bà tổ tiên, cũng là niềm tự hào của mọi người vì dù trải qua bao biến cố nhà cổ vẫn đứng vững, trầm mặc và cổ kính. Nhà cổ có tuổi đời hơn 200 năm, tồn tại đến nay đã qua 6 thế hệ và tôi là thế hệ thứ 4 tiếp quản".

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 7.

Nhà cổ xây theo kiểu ba gian, hai chái, với nhiều cột gỗ lớn. Ảnh: T.N.

Ngôi nhà cổ có diện tích khoảng 80m2, được xây dựng gồm ba gian, hai chái, lợp mái ngói âm dương. Nhà có 36 cây cột to, hệ thống kèo, đà làm bằng gỗ mít được chạm trổ hoa văn tinh xảo.

Trong nhà, nhiều vật dụng xưa cũ được lưu giữ cẩn thận, có giá trị văn hoá – lịch sử như: hoành phi, liễn đối, nồi đồng, lư đồng, cối xay bột, bàn ủi than, bình gốm sứ, mâm gỗ, chén đĩa….

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 8.

Ông Minh xây dựng thêm nhiều tiểu cảnh, hội khách để phục vụ khách tham quan, uống trà, nghỉ ngơi. Ảnh: T.N.

Với diện tích vườn rộng hơn 3.000m2, ông Minh đầu tư xây dựng, mở rộng không gian để phục vụ du khách tham quan, ngồi uống trà, nghỉ ngơi như xây nhà bát giác, lục giác, tiểu cảnh, hội khách, homestay.

Đặc biệt, ông xây dựng thêm một gian nhà trưng bày nông cụ gồm các đồ dùng trong sinh hoạt – sản xuất như: cối – chày giã gạo, thuyền, thúng, xe quạt lúa, đòn gánh tre, cày, cuốc… giúp tái hiện rõ nét cuộc sống làng quê nông thôn bên bờ sông Tuý Loan ngày xưa.

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 9.

Làng Thái Lai hiện nay vẫn còn nhiều nhà cổ giữ được nét đặc trưng của làng quê xưa. Ảnh: T.N.

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 10.

Hầu như nhà nào cũng có vườn cây trái sum suê, xanh mát, đủ chủng loại như bưởi, mít, ổi, xoài…. Ảnh: T.N.

Ông Minh tâm sự: "Nằm ở triền sông, nên hầu như năm nào nhà cổ cũng ngập lụt. Điển hình trận lớn nhất gần đây là đợt mưa lụt lịch sử tháng 10/2022, căn nhà ngập nước ngang đầu người. Tuy nhiều lần ngâm mình trong nước lụt, nhưng nhà cổ không hư hại nhiều vì phần lớn đồ vật được làm từ gỗ mít, ít bị mối mọt và giữ được màu gỗ đẹp, cổ kính".

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 11.

Nhà sàn Sông Quê được xây dựng nhằm phục vụ mô hình du lịch cộng đồng ở làng Thái Lai. Ảnh: T.N.

Việc ông Minh gìn giữ nhà cổ Tích Thiện Đường không chỉ là giữ lại mảnh đất của cha ông, mà còn để con cháu, du khách tới đây có thể tìm về quá khứ, nhớ về nguồn cội và biết quý trọng hơn cuộc sống đi lên từ gian khó.

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 12.

Nhiều du khách tìm đến Thái Lai để trải nghiệm các dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng. Ảnh: T.N.

Làng Thái Lai được ví như một làng Nam Bộ thu nhỏ giữa lòng Đà Nẵng, với không gian làng quê thanh bình của cây đa, bến nước, sân đình, ngoài đồng những đám mạ non xanh mơn mỡn, những đám ruộng gieo mè đang đơm hoa trắng muốt, ở mé sông đang có người kéo cá. Và đặc biệt ở nơi đây, hầu như nhà nào cũng có vườn cây trái sum suê, xanh mát, phong phú chủng loại như: bưởi, mít, ổi, xoài….

Đây là ngôi làng có nhiều nhà cổ, được ví như làng Nam Bộ giữa lòng Đà Nẵng - Ảnh 13.

: Nằm giữa phố thị, nhưng làng Thái Lai vẫn giữ được những nét đẹp thanh bình, trầm lắng và thơ mộng. Ảnh: T.N.

Năm 2022, Làng du lịch sinh thái cộng đồng thôn Thái Lai chính thức đi vào hoạt động, du khách có thể đến tham quan bằng đường bộ và đường sông, trải nghiệm các dịch vụ: đạp xe tham quan, thưởng thức ẩm thực truyền thống, trải nghiệm nấu ăn tại Đỗ Gia Viên hoặc tổ chức các buổi tiệc tại khu cắm trại bờ sông.

Dù tiệm cận với quá trình đô thị hoá, nhưng làng Thái Lai vẫn giữ riêng cho mình nét đẹp đặc trưng của làng quê xứ Quảng thanh bình, trầm lắng và thơ mộng, lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem