Đây là Yoni bằng đá nguyên khối, có chiều ngang 43cm, dài 53cm, dày 13cm.
Yoni phát hiện lần này có kích thước nhỏ hơn những bộ đã phát hiện trước đây, nhưng niên đại sớm hơn, vào khoảng thế kỷ IX.
Việc phát hiện Yoni lần này xác định thêm là ở vùng Điền Trang xưa có cư dân người Chămpa sinh sống.
“Yoni là hiện vật dùng để thờ cúng của người Chămpa. Ngoài ra, tại đây còn tìm thấy 6 đá tảng kê chân cột, có thể nơi đây là công trình kiến trúc bằng gỗ kê trên đá tảng.
Chúng tôi đang nghiên cứu địa tầng để xác định đây có phải là công trình kiến trúc gốc của đền tháp Chămpa hay ở cận kề trong khu vực, rồi mới tính đến phương án khai quật”, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết.
Theo đề xuất của Ban Quản lý đình làng Điền Trang và chính quyền địa phương, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp với địa phương bảo quản Yoni tại đình làng và tiếp tục khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu hơn tại vùng đất này.
Hiện vật Yoni của người Chăm vừa được phát hiện tại đình làng Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa). Ảnh: KIM NGÂN
Trước đó, vào năm 2017, khi khai quật tháp Chăm ở núi Thiên Bút, phường Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi), các nhà nghiên cứu đã phát hiện bộ Linga và Yoni khá lớn. Tại dinh Bà Sở, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) cũng có bộ Linga và Yoni còn nguyên vẹn.
Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, hầu như các tháp Chăm ở Quảng Ngãi đều thờ thần Siva và coi Linga là biểu hiện đặc tính dương, Yoni là biểu hiện đặc tính âm của thần.
Do vậy, có thể khẳng định ngoài những bộ Linga và Yoni đã phát hiện, thì trong lòng đất có khả năng còn nhiều hiện vật văn hóa Chămpa.
Di sản Linga và Yoni ngoài giá trị nghệ thuật, còn thể hiện giá trị văn hoá tín ngưỡng đặc sắc của người Chămpa xưa.
Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện đang lưu giữ hai bảo vật quốc gia liên quan đến văn hóa Chămpa, đó là Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng; tượng cổ tu sĩ Chămpa Phú Hưng.
Các nhà nghiên cứu nhận định, đây là bảo vật hiếm có ở Đông Nam Á, thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật của người Chămpa.
Cùng với đó là tượng Gajasimha tại tháp Chánh Lộ; tượng bò thần Nadin trong phế tích tháp Gò Giàng (huyện Tư Nghĩa); hai con Gajasimha đầu voi mình sư tử, linh vật canh cổng thánh đường Chánh Lộ; tiểu phẩm phật giáo tại lò nung gốm Núi Chồi, xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi); bộ sưu tập ngói mặt hề thế kỷ III - VII trong phế tích tháp Phú Thọ (huyện Tư Nghĩa)...