Dân Việt

Đại sứ Hùng Ba: Sau sầu riêng, dừa tươi Việt Nam sẽ có thị trường rất lớn ở Trung Quốc

M.H. 11/12/2023 21:08 GMT+7
Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập hàng nông sản, đặc biệt trái cây của Việt Nam - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết.
Đại sứ Hùng Ba: Sau sầu riêng, dừa tươi Việt Nam sẽ có thị trường rất lớn ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Ảnh: V.N.

Gặp gỡ báo chí trước thềm chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam, Đại sứ Hùng Ba cho biết: Nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 quý đầu năm 2023 tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. 

10 tháng đầu năm xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt 1,95 tỉ USD. “Đầu năm nay Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ USD sầu riêng sang Trung Quốc năm 2023, lúc đó tôi nói đến cuối 2023 sẽ vượt xa con số này và hiện tại con số đó đã gấp 2 lần” - Đại sứ nói. 

Ông Hùng Ba cho biết, gần đây ông tiếp xúc nhiều phái đoàn và du khách Trung Quốc, họ đều nói nói sầu riêng Việt Nam ngon, giá phù hợp, rất được ưa chuộng tại Trung Quốc.

Đại sứ nhấn mạnh: “Một nông sản nữa rất được ưa chuộng là dừa tươi. Trung Quốc đang đẩy nhanh kiểm dịch dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam, tôi cho rằng dừa tươi cũng là thị trường rất lớn”.

Ông khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập hàng nông sản, đặc biệt là trái cây của Việt Nam. 

Về trao đổi thương mại nói chung, Đại sứ Hùng Ba nói: “Hai nước là đối tác thương mại quan trọng của  nhau. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trên toàn cầu và Việt Nam là nước đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc”. 

Về nhập siêu giữa hai nước, ông khẳng định đó không phải chính sách của Trung Quốc: “Tôi muốn nhấn mạnh nhập siêu của Trung Quốc với Việt Nam. Việc này Trung Quốc không cố ý theo đuổi. Tôi cho rằng đó là kết quả của phân công thương mại quốc tế theo hướng thị trường hóa chứ không phải chính sách của Trung Quốc dẫn đến việc này”. 

Đại sứ dẫn con số của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập siêu giảm 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nước duy trì tăng trưởng xuất khẩu sang TQ duy nhất trong các nền kinh tế ASEAN, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương trong xuất khẩu ra nước ngoài của Việt Nam. 

Đại sứ cho rằng, bất kỳ sự hợp tác thiết thực nào giữa 2 đảng 2 nước đều có cơ hội lớn hơn thách thức. 

Theo Đại sứ, 2 nước cần tăng kết nối liên thông đường bộ, đường biển, đường không, trên mạng Internet. Trên đường bộ là cơ sở hạ tầng, đường biển là vận tải biển, trên không là các chuyến bay giữa hai nước, internet là thương mại điện tử giữa hai nước cần đẩy nhanh. “Tôi cho rằng quan trọng nhất là 2 bên cần mở rộng tang cường liên thông và hợp tác trong cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt cơ sở hạ tầng cứng như đường bộ đường sắt…” - ông nói. 

“Trong lĩnh vực hợp tác trọng điểm, dưới tình hình mới cần khai thác và phát huy ưu thế độc đáo, đẩy nhanh hợp tác trên các lĩnh vực bao gồm cả kết nối chiến lược phát triển, ví dụ đẩy nhanh kết nối sáng kiến Vành đai và Con đường, khuôn khổ 2 hành lang 1 vành đai, quy hoạch này đã đạt tiến triển quan trọng và trong chuyến thăm này hai bên sẽ đạt được  văn kiện quan trọng”. 

Về thách thức, Đại sứ cho rằng sự phát triển kinh tế xã hội của hai nước không tránh khỏi ảnh hưởng của môi trường kinh tế bên ngoài. “Vì thế 2 nước phải cùng cộng đồng quốc tế hợp tác vượt qua khó khăn, giữ vững công bằng chính nghĩa quốc tế , cùng giữ môi trường phát triển toàn câu cởi mở, bao dung, cùng có lợi, cùng thắng. Hai nước phải cùng phản đối việc cắt đứt chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, việc xây tường phá hoại chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị quốc tế”. 

Đại sứ nhấn mạnh: 2 nước cùng là nền kinh tế độ mở cao, coi trọng thương mại quốc tế, tỷ lệ thương mại quốc tế chiếm GDP cao, đặc biệt với Việt Nam. Với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, việc duy trì cởi mở thương mại quốc tế tự do, cởi mở, ổn định rất quan trọng. 

Về kinh tế thương mại đầu tư, 2 nước là cơ hội quan trọng cho nhau, tạo không gian phát triển cho nhau, qua đó bổ sung cho nhau về ưu thế kinh tế, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định bền vững.

Trung Quốc và Việt Nam là các nền kinh tế mới nổi, là hai quốc gia đang phat triển tràn đầy sức sống, 2 nước có thể tăng cường hợp tác có thể giữ vững ổn định hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.