Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam với danh nghĩa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến 3 lần là điều đặc biệt

Mỹ Hằng thực hiện Thứ bảy, ngày 09/12/2023 10:13 AM (GMT+7)
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào thời điểm quan hệ Việt - Trung đang ở thời điểm rất thuận lợi.
Bình luận 0

Nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, nguyên Công sứ (Phó Đại sứ) Việt Nam tại Bắc Kinh, trả lời phỏng vấn của Dân Việt về việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong các ngày 12-13/12.

Thời điểm thuận lợi cho quan hệ

* Xin ông đánh giá chung về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện nay?

- Từ khi Việt Nam – Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, giao lưu lãnh đạo cấp cao gần như thành truyền thống. Chỉ 3 năm gần đây do đại dịch nên chỉ có thể giao luu trực tuyến.

Cuối năm 2022 đã có chuyến thăm rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc. Chuyến thăm này quan trọng vì diễn ra ngay sau khi bế mạc Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc và người đứng  đầu Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm chúc mừng Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam với danh nghĩa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến 3 lần là điều đặc biệt - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh ngày 31/10/2022. Ảnh: TTXVN.

Chuyến thăm giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm nay. Vì thế có thể nói thời điểm hiện nay rất thuận lợi cho quan hệ Việt -Trung, mở đầu bằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau đó nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao khác sang Trung Quốc, như chuyến thăm Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn Vành đai và Con đường, nhiều đồng chí thuộc Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, các bộ ngành cũng sang thăm Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cũng có nhiều chuyến thăm Việt Nam, đặc biệt Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng đối ngoại, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm và đồng chủ trì Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Trung…

Qua những chuyến thăm đó chúng ta thấy quan hệ hai nước phát triển tốt như thế nào.

Đó là về chính trị ngoại giao. Trên thực tế các giao lưu khác về kinh tế thương mại đầu tư du lịch, kể từ khi Trung Quốc mở cửa sau đại dịch đầu năm nay đã rất nhộn nhịp.

Thương mại giữa hai nước gia tăng mạnh mẽ. Tôi vui mừng thấy chênh lệch cán cân thương mại đang rút ngắn từng bước. Đó là điểm đáng mừng trong năm vừa rồi.

Chuyến  thăm của ông Tập Cận Bình lần này diễn ra trong môi trường như thế, là điều kiện rất tốt cho việc nâng cao mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

* Vậy chuyến thăm sẽ có mục đích, ý nghĩa như thế nào?

 - Chúng ta rất coi trọng chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Mục đích chuyến thăm  là thúc đẩy quan hệ Việt - Trung, nâng cao lên một bước nữa quan hệ vốn đã ở mức thuận lợi. Còn các vấn đề khó khăn cần tháo gỡ thì chính những chuyến thăm như thế này có thể đạt thỏa thuận để các bộ ngành xử lý các khó khăn tồn đọng trong quan hệ.

Tôi rất quan tâm việc lần này ông Tập Cận Bình  thăm Việt Nam với danh nghĩa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là lần thứ 3. Trước đây các đồng chí Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào thăm với danh nghĩa này chỉ 2 lần. Điều này cho thấy phía Trung Quốc, đặc biệt ông Tập Cận Bình, rất coi trọng quan hệ với Việt Nam.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ đang thuận lợi cũng rất quan trọng. Vì thế quan hệ hai nước đã thành công rồi và sẽ còn thành công hơn nữa.

Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam với danh nghĩa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến 3 lần là điều đặc biệt - Ảnh 2.

Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang cho rằng quan hệ Việt - Trung đang ở thời điểm rất thuận lợi.. Ảnh: V.N.

* Nông sản đã trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Trung Quốc. Nhưng đôi khi xảy ra những vấn đề như tắc biên, giá cả bấp bênh. Theo ông làm thế nào để thị trường xuất khẩu nông sản được ổn định?

- Sự ổn định của thị trường phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó có yếu tố người tiêu dung. Nhu cầu người tiêu dùng thay đổi thì thị trường thay đổi. Năm vừa rồi tôi cảm giác người Trung Quốc phát hiện ra quả sầu riêng Việt Nam, thấy sầu Việt Nam rất ngon, vì thế thị trường sầu riêng  tăng rất nhanh, hàng tỉ USD xuất sang Trung Quốc, không chỉ từ xuất khẩu chính ngạch hay tiểu ngạch mà là từ nhu cầu gia tăng từ người tiêu dùng.

* Ông đánh giá Việt Nam sẽ đạt được lợi ích gì nhân chuyến thăm?

- Chắc chắn các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao sẽ đạt được thỏa thuận chung, nhận thức chung phù hợp với lợi ích của cả hai bên.

Tôi không dự đoán được cụ thể, nhưng có một số vấn đề đang được chờ đợi bàn để giải quyết, ví dụ vấn đề kết nối chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam – Trung Quốc. Kết nối chiến lược phát triển quốc gia là xu hướng lớn trên thế giới hiện nay, đặc biệt ở Châu Á – Thái Bình Dương. Việt – Trung là hai nước láng giềng có nhiều điểm đồng. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái, của Thủ tướng năm nay tới Trung Quốc đã nhắc đến vấn đề kết nối chiến lược phát triển quốc gia, và tôi nghĩ chuyến thăm này có thể nhắc đến cụ thể hơn. Lợi ích của hai nước nằm ở chỗ đó.

Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác mà một chuyến thăm quan trọng như thế có thể đề cập.

Về mặt kinh tế, tôi hy vọng chuyến thăm sẽ có một số hiệp định, MOU được ký kết. Chắc chắn qua 1 năm sau đại dịch có vấn đề gì thì các cơ quan hữu quan sẽ điều chỉnh và trình lên cho lãnh đạo cấp cao xem xét điều chỉnh chính sách. Tôi cho rằng chuyến thăm sẽ có tác động tốt đến cả hai nước.

Một điều ta phải làm được là làm thế nào quảng bá sản phẩm sang Trung Quốc, xúc tiến thương mại, lập văn phòng xúc tiến thương mại ở các địa phương của Trung Quốc, phát huy vai trò của các đại diện thương mại của Việt Nam ở các cơ quan đại diện Trung Quốc như đại sứ quán, tổng lãnh sự quán để người Trung Quốc biết có sản phẩm tốt, để người dân Việt Nam có điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.

Việt Nam xuất khẩu đi nhiều nơi nhưng thị trường Trung Quốc là quan trọng với Việt Nam, nhu cầu họ cao, dân số họ đông, rất gần Việt Nam, logistic đơn giản hơn nhiều khi không phải qua đường biển mà chỉ cần đường bộ. Đó là những điều kiện thuận lợi. Các sản phẩm của Việt Nam, chủ yếu là nông sản, hải sản Việt Nam ở Trung Quốc đang được ưa chuộng.

Đường biên giới Việt - Trung 1400km bây giờ mở nhiều cửa khẩu giao lưu, đường đi lối lại, đặc biệt sau đại dịch. Chúng ta cũng sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng đi sang Trung Quốc, ví dụ đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên Cao Bằng nếu mở ra thành đường cao tốc trong mấy năm tới  thì việc xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn.

Ở một số cửa khẩu có vấn đề này khác như việc ùn tắc xe hàng. Đó chủ yếu cũng là lý do kinh tế cả, lượng hàng hóa rất đông, xử lý thủ tục thế nào cho nhanh là việc 2 nước cần giải quyết.  Đó là lý do mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, Thủ tướng, Chủ tịch nước của chúng ta sang Trung Quốc đều đặt vấn đề này và một số đã được giải quyết.

* Trung Quốc đang trở thành một nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Vậy theo ông làm thế nào thu hút đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc?

- Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là vấn đề lớn và tôi thấy có rất nhiều tiềm năng, nhưng họ cũng phải tính toán lợi ích và khảo sát thị trường.

Một số trường hợp của Trung Quốc với các nước trong quá trình đầu tư vẫn mắc vấn đề này khác. Ta phải nghiên cứu kỹ rút kinh nghiệm: Nợ bao nhiêu thì vừa, vay như thế nào, tỷ lệ vay vốn ra sao, thế nào thích hợp, khả năng trả thế nào, tất cả phải tính toán kỹ. Trung Quốc có nhiều tiềm lực tài chính và sẵn sàng đầu tư với nhiều công trình, đặc biệt các công trình liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Chúng ta lựa chọn đầu tư thế nào vì lợi ích của ta. Trung Quốc có công nghệ mạnh về cơ sở hạ tầng, cao tốc, đường sắt, đường hầm, cầu cống rất mạnh trên thế giới, chúng ta có thể lựa chọn. Không chỉ Trung Quốc, chúng ta vẫn kêu gọi đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản... Chính sách  của Việt Nam là bình đẳng, không ưu tiên nước này hoặc nước kia. Chúng ta phải chọn lợi ích thích hợp với Việt Nam nhất. Qua thực tế những năm vừa rồi, những ai đầu tư vào Việt Nam, ai tham gia các dự án có hiệu quả thì đã biết.

Một số điểm mạnh khác của Trung Quốc ví dụ là năng lượng sạch. Rất nhiều nước đang làm, nhưng Trung Quốc họ làm với giá phải chăng, công nghệ của họ nếu ta thấy họ có thể đạt được thì sẵn sàng để họ đầu tư. Trên thực tế họ đã đầu tư vào một số nơi rất thành công.

Quan trọng nhất là bộ lọc của chúng ta  có tốt hay không,  bộ lọc tốt sẽ đem lại lợi ích tốt. Trong bộ lọc thì ta không ưu tiên hình cảm, mà chú trọng lợi ích, hiệu quả cao. Ai đầu tư, ai cho vay kèm theo các điều kiện chính trị thì phải cân nhắc.

Trong kinh tế, đặc biệt là kinh tế thị trường, việc dùng biện pháp chính trị để điều khiển thị trường thì không hiệu quả. Nói thẳng là không thành công. Quan trọng vẫn là thị trường phải hiệu quả.

Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang đã có 45 năm làm việc về quan hệ Việt - Trung. Ông là Bí thư thứ nhất ĐSQ Việt Nam tại Bắc Kinh từ đầu năm 1992, sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ năm 1991. Ông cũng từng là Vụ trưởng Vụ Trung Quốc của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Năm 2007, ông được cử sang Trung Quốc làm Công sứ, tức Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc trong 5 năm. Hiện nay ông là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung.

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem