Dân Việt

Cho cá, tôm, cua ở chung một hồ, không thấy "bất hòa" mà vợ chồng Quảng Bình thu bộn tiền hơn

Trần Anh 16/12/2023 05:35 GMT+7
Bà Trần Thị Ruyệt (SN 1968, ở phường Phú Hải, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cùng chồng nuôi kết hợp cá, tôm, cua trong một hồ rộng khoảng 2.000m2. Cứ lứa nào thả xuống mà đủ kích cỡ là bà mang ra chợ Đồng Hới bán và thu về gần 300 triệu đồng/năm.

Nuôi kết hợp cá, tôm, cua trong hồ ở ven sông Nhật Lệ

Trò chuyện với PV Dân Việt, bà Trần Thị Ruyệt (SN 1968, ở phường Phú Hải, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Từ năm 2005, tôi cùng chồng (Hoàng Văn Thọ - SN 1965) ra bãi đất ven sông Nhật Lệ khai hoang. Thuở ấy, kinh tế gia đình khó khăn lắm, hai vợ chồng nhiều lúc đứt bữa để gánh đất bồi ra phía sông và tạo ra những ao cá nhỏ. Sau ngày ấy, gia đình tôi nuôi cá, cua nhỏ lẻ rồi mang ra chợ bán kiếm cơm qua ngày".

Clip: Bà Trần Thị Ruyệt (ở phường Phú Hải, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ việc nuôi kết hợp cá, tôm, cua trong một hồ

"Cuộc sống cứ trôi, cho đến khi, cơn lũ lịch sử năm 2020 đã cuốn đi tất cả cá, cua trong hồ và gia đình tôi mất trắng, nhiều đêm bật khóc vì không biết bắt đầu lại từ đâu", bà Ruyệt nói.

Theo bà Trần Thị Ruyệt, mất một thời gian dài để gia đình ổn định lại tâm lý rồi mới quyết định tiếp tục theo con đường nông nghiệp. Đầu năm 2022, bà được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình cho vay nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 80 triệu đồng và gom góp mượn bạn bè được một khoản kha khá.

Quảng Bình: Nuôi kết hợp cá, tôm, cua trong hồ ở ven sông Nhật Lệ, vợ chồng này thu về 300 triệu/năm - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Ruyệt (ở phường Phú Hải, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) bên hồ nuôi kết hợp cá, tôm, cua. Ảnh: Trần Anh

Có tiền trong tay, bà cùng chồng mở rộng diện tích nuôi và mua giống cá, cua, tôm thả vào trong hồ rộng khoảng 2.000m2. Lứa cá, cua, tôm nào lớn lên đủ kích cỡ là bà mang ra chợ Đồng Hới bán. Cuối năm đó, bà thu về gần 300 triệu đồng".

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi kết hợp cá, tôm, cua

Bà Trần Thị Ruyệt chia sẻ: "Việc nuôi kết hợp cá, cua, tôm giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thông thường, ao nên có diện tích trên 2.000m2 và có cống cấp, thoát nước đảm bảo hoạt động tốt. Muốn thả giống vào nuôi, cần vệ sinh ao, như: vét đáy ao, tu sửa bờ, bón vôi, phơi đáy…".

Quảng Bình: Nuôi kết hợp cá, tôm, cua trong hồ ở ven sông Nhật Lệ, vợ chồng này thu về 300 triệu/năm - Ảnh 3.

Chính quyền địa phương cùng cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình tới thăm, động viên bà Ruyệt phát triển mô hình nuôi kết hợp cá, tôm, cua. Ảnh: Trần Anh

Theo bà Ruyệt, tùy vào điều kiện ao nuôi của từng vùng để chọn đối tượng thả nuôi ghép cho phù hợp, như thế mới mang lại hiệu quả cao. Tại ao của gia đình, bà Ruyệt nuôi tôm sú và cá đối, cá dìa cùng cua, đây là những loài có tập tính ăn mùn bã hữu cơ.

Đặc biệt, không thả nuôi tôm, cá giống trong thời điểm có mưa, không khí lạnh hay những ngày thời tiết bất thường. Và phải thả cá, cua trước khi thả tôm giống trước 1 tháng, bởi cua và cá có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn tôm.

Quảng Bình: Nuôi kết hợp cá, tôm, cua trong hồ ở ven sông Nhật Lệ, vợ chồng này thu về 300 triệu/năm - Ảnh 4.

Bà Trần Thị Ruyệt trong lần mang cua trưng bày và bán tại gian hàng bên lề Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Sau thời gian nuôi khoảng 3 tháng, nếu tôm đạt kích cỡ thì thu hoạch trước. Còn cá, cua nuôi thêm một thời gian nữa là thu hoạch tốt.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Văn Tình – Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Hải, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Bà Trần Thị Ruyệt là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Việc nuôi kết hợp cá, tôm, cua trong một ao ở ven sông Nhật Lệ bước đầu đã mang lại hiệu quả, cho gia đình bà thu nhập hàng trăm triệu/năm. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ cùng đồng hành và nhân rộng mô hình cho các hội viên nông dân khác".