Trai làng Nam Định 8X đổi đời nhờ nuôi chim yến-chim tiền tỷ, chả phải cho ăn, cứ thế "hái tổ tiền"
Trai làng Nam Định 8X đổi đời nhờ nuôi thứ chim tiền tỷ, chả phải cho ăn, cứ thế "hái tổ tiền" trong nhà
Mai Phú
Thứ năm, ngày 14/12/2023 12:46 PM (GMT+7)
Nhờ chăm chỉ, cần mẫn gắn bó với nghề nuôi chim yến, đến nay anh Phạm Văn Tứ (SN 1984, ở xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã có “của ăn của để”. Công việc nuôi chim yến không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, mà còn mang lại cho anh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 2022 sản phẩm yến sào của anh Tứ được Sở NN&PTNT Nam Định công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Xây nhà tiền tỷ để nuôi chim yến-chim tiền tỷ
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nông nghiệp, ngay từ nhỏ anh Phạm Văn Tứ đã thấu hiểu được nỗi vất vả của cuộc sống mưu sinh. Lớn lên, anh Tứ đã chọn con đường xuất khẩu lao động để thoát nghèo. Ở Hàn Quốc công việc chính của anh là sửa chữa ô tô- một công việc mang tính kỹ thuật cao, cho thu nhập khá.
Công việc làm thuê ở xứ người vất vả, dù số tiền lương kiếm được mỗi tháng khá cao, nhưng anh Tứ cũng chỉ dám chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm tiền để gửi về quê nhà. Sau 7 năm lặn lội ở xứ người, năm 2017 hết hạn visa anh Tứ quay trở về nước.
Có kinh nghiệm, tay nghề trong việc sửa chữa ô tô, nhưng anh Tứ lại không chọn nghề sửa chữa ô tô để phát triển, anh Tứ chọn việc nuôi chim yến để gắn bó.
Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi chim yến, anh Tứ cho hay, năm 2017 sau khi về nước, anh vào TP Hồ Chí Minh để tham quan, học tập một số mô hình làm giàu của người dân. Tại đây, anh may mắn gặp lại người bạn cũ đang rất thành đạt nhờ nghề nuôi chim yến, quá trình giao lưu anh lại được bạn rủ góp vốn nuôi chim yến, thế là Tứ quyết định đầu tư cùng bạn.
Sau một thời gian đầu tư chung cùng bạn, anh cảm thấy nuôi chim yến mang lại thu nhập tốt, nhu cầu đầu ra của thị trường cao, anh đã suy nghĩ tại sao mình không phát triển nghề nuôi yến trên chính mảnh đất quê hương mình?
Nghĩ là làm, anh bắt tay vào tìm hiểu sâu hơn về nghề nuôi chim yến, từ cách làm thế nào để nhử được chim yến về tổ, cho chim yến ăn gì, rồi cách giữ chân chim yến, để chim không bỏ đi...
Khi kiến thức về nuôi chim yến đã hòm hòm, anh Tứ về quê nghiên cứu để nuôi chim yến. Ban đầu, anh sử dụng máy phát âm thanh gọi nhử chim yến, thấy chim yến ở quê khá nhiều nên anh đã bắt tay vào việc nghiên cứu xây dựng nhà nuôi chim yến.
Đầu năm 2019, anh Tứ bắt đầu xây nhà nuôi chim yến với diện tích tổng là 450m2. Ngôi nhà được thiết kế 3 tầng 1 tum, tầng 1 diện tích là 150m2 để làm cửa hàng kinh doanh và sản xuất đóng gói; 2 tầng còn lại được dùng để nuôi yến. Quá trình xây dựng hoàn thiện, anh Tứ đầu tư loa đài, thiết bị cân bằng độ ấm và chiếu sáng… để dẫn dụ chim yến.
Theo anh Tứ, người nuôi phải đặc biệt chú ý tới quá trình xây dựng nhà. Nhà nuôi chim yến phải đảm bảo yếu tố ấm áp về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. "Chi phí để xây dựng nhà tốn kém nhất, nhà nuôi chim yến khá đặc biệt, độ kiên cố nhiều hơn so với nhà thông thường. Giữa hai tường gạch được bố trí nhiều lớp xốp giữ nhiệt để đảm bảo ấm áp về mua đông và thoáng mùa hè về mùa hè, tạo điều kiện thuận lợi cho chim yến sinh sống..", anh Tứ cho hay
Cũng theo anh Tứ, người nuôi chim yến không tốn nhiều công chăm sóc, bởi yến là loài chim hoang dã thức ăn của chim yến thường là côn trùng ngoài tự nhiên, chim thường kiếm ăn từ ngoài thiên nhiên…
Xây dựng thương hiệu nhờ sản phẩm OCOP
Nói về quá trình thu hoạch tổ yến, anh Tứ cho hay, thời gian để thu hoạch tổ yến khoảng 3 đến 5 tháng, tính từ lúc chim bố, mẹ sinh sản, ấp trứng đến khi chim non trưởng thành có thể tự lập và bắt đầu đi kiếm bạn tình. Đây chính là thời điểm vàng để thu hoạch tổ yến.
Trường hợp thu hoạch sớm quá sẽ khiến yến có thể bỏ tổ, giảm số lượng chim yến. Bởi, chim yến có giác quan rất nhạy bén, nếu thu hoạch tổ yến sớm quá, khi trở về không tìm được tổ chim yến sẽ cảm thấy đây không phải là nơi an toàn để sinh sống, và sẽ bỏ đi, dẫn tới giảm số lượng chim. Còn nếu thu hoạch muộn quá, giá trị dinh dưỡng của tổ yến sẽ giảm dần, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Nhẩm tính sản lượng yến thời gian qua, anh Tứ cho biết, mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng 18kg, với giá bán thô 25 triệu đồng/kg, tính ra mỗi năm anh thu nhập gần 500 triệu đồng.
Hiện mô hình nuôi chim yến của anh tạo công ăn việc làm thời vụ cho 8 lao động ở địa phương.
Năm 2022 sản phẩm yến sào của anh Tứ cũng là một trong những sản phẩm yến sào đầu tiên đạt doanh hiệu OCOP 3 sao của tỉnh Nam Định. Đầu năm 2023 anh Tứ đã chuyển đổi mô hình lên Công ty sản xuất kinh doanh yến sào Tứ Gia.
Theo ông Bùi Văn Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, Nam Định), đến nay sản phẩm yến sào của Công ty sản xuất kinh doanh yến sào Tứ Gia đã và đang khẳng định chất lượng của sản phẩm trên thị trường. Hiện Công ty tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Thời gian tới, UBND xã Giao Phong sẽ hướng dẫn, hỗ trợ Công ty làm hồ sơ để tiếp tục tham chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị, phát triển thêm những sản phẩm mới, tạo cơ hội cho người dân làm giàu trên quê hương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.