Dân Việt

GS Võ Tòng Xuân: Việt Nam có thể canh tác 4 vụ lúa/năm để cung cấp lương thực cho thế giới

Huỳnh Xây 13/12/2023 15:10 GMT+7
Trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức tại Hậu Giang, sáng 13/12, Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Hội thảo "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới". Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, GS Võ Tòng Xuân cho biết, Việt Nam có thể canh tác 4 vụ lúa/năm.


Việt Nam sẵn sàng cung cấp gạo trong thời gian dài cho nhiều quốc gia - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo quốc tế "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới" được tổ chức ngày 13/12. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, kịch bản an toàn nhất mà Bộ NNPTNT tính toán, Việt Nam còn dư từ 13 - 14 triệu tấn lúa/năm, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng cung cấp lúa gạo cho các quốc gia trong thời gian dài.

"Để nông dân Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, cần phải có các bản ghi nhớ giữa các bên" - ông Nam nói.

Để các nguồn hàng cung cấp cho các quốc gia một cách bền vững qua các năm, ông Nam đề nghị các doanh nghiệp cũng như các địa phương, các tổ khuyến nông cộng đồng phối hợp chuẩn hóa vùng nguyên liệu, phải xác định và có chương trình, kế hoạch để nâng cao thương hiệu của ngành hàng, chung tay xây dựng ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Về 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, ông Nam cho biết, sẽ giúp các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân có cái nhìn đúng đắn hơn, nhận thức rõ hơn về canh tác lúa trong thời điểm hiện tại. Bộ NNPTNT sắp tới sẽ điều tiết để các bên tạo lập những chuỗi cung ứng trong quá trình liên kết, không chỉ trong nước mà còn là các quốc gia trong khu vực.

Việt Nam sẵn sàng cung cấp gạo trong thời gian dài cho nhiều quốc gia - Ảnh 2.

Theo GS.Võ Tòng Xuân, hiện nay, giá gạo ngày càng tăng, đây là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi mà chúng ta đang ngày có càng nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao. Ảnh: Huỳnh Xây

Chia sẻ tại hội thảo, GS. Võ Tòng Xuân cho biết, hiện nay, giá gạo ngày càng tăng, đây là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi mà chúng ta đang ngày có càng nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều chính sách giúp người nông dân được linh hoạt hơn trong việc lựa chọn đối tượng canh tác. Chẳng hạn, các diện tích bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn có thể canh tác luân canh tôm - lúa, đem lại lợi ích gấp 4 lần so với trồng lúa đơn thuần.

Do đó, theo GS.Võ Tòng Xuân, nếu năm 2024, nguồn cung lúa gạo vẫn ít hơn so với nhu cầu như năm 2023 thì Việt Nam có thể nâng lên canh tác 4 vụ 1 năm với nhiều loại gạo chất lượng cao, tận dụng được cơ hội xuất khẩu.

"Gạo từ Việt Nam, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn đủ để chia sẻ cho nhiều quốc gia trên thế giới' - GS.Võ Tòng Xuân nhận định.

Còn ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thì cho hay, với vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các cơ quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ ngành tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các mặt công tác chuyên môn của ngành hàng lúa gạo.

Cụ thể là đẩy mạnh xuất khẩu gạo thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa trong khu vực nông dân, nhất là vào các thời điểm thu hoạch rộ, giúp bình ổn giá gạo nội địa và góp phần đảm bảo nguồn gạo dự trữ quốc gia.

Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, diện tích gieo sạ lúa cả nước năm 2023 ước khoảng 7,1 triệu ha, năng suất ước đạt 60,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 43,1 triệu tấn, tăng 420 nghìn tấn so với năm 2022.

Về vấn đề thị trường, thị trường số một của Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Theo xu hướng của thị trường, ông Hòa khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đi vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến sản lượng như trước đây.

"Yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài" - ông Hòa thông tin tại hội thảo.