Chính thức phát động thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL
Chính thức phát động thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL
Huỳnh Xây
Thứ ba, ngày 12/12/2023 13:32 PM (GMT+7)
Trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Bộ NNPTNT phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ phát động thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sáng 12/12, tại ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, Bộ NNPTNT phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ phát động thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Đây là một trong những sự kiện lớn nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam năm 2023.
Tham dự buổi lễ phát động có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ ngành trung ương, cùng một số tổ chức quốc tế về ngành hàng lúa gạo, nhà khoa học, doanh nghiệp, đại diện các địa phương vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tuyên bố phát động triển khai thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Ông Hoan tin tưởng rằng, khi đề án được triển khai sẽ là những nấc thang đưa "người trồng lúa" đến với "sự thịnh vượng".
Theo ông Hoan, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được Chính phủ phê duyệt nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện đề án sẽ triển khai nhiều chính sách mới và đột phát để hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa.
Cũng tại buổi lễ phát động, bà Carolyn Turk (Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cho rằng, để có thể thúc đẩy phát triển ngành lúa gạo chúng ta sẽ phải đạt được rất nhiều các chỉ tiêu. Ngành lúa gạo không chỉ đem lại lợi ích cho nông nghiệp, cho nền kinh tế mỗi quốc gia mà nó còn phải mang lại sự sống và thu nhập cho người nông dân đồng thời có những đóng góp thiết thực cho hành tinh này.
“Ngân hàng thế giới đồng hành với Bộ NN-PTNT xây dựng đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao. Chúng tôi tin tưởng, Đề án này sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân và cho nền nông nghiệp của Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế cũng như cải thiện đời sống của người dân. Nhiều năm qua, chúng tôi đã đồng hành với Việt Nam thực hiện chuyển đổi ngành nông nghiệp. Với sự ứng dụng của khoa học công nghệ, người nông dân ngày nay sản xuất tốt hơn và thân thiện hơn với môi trường"- bà Carolyn Turk cam kết.
Ngoài ra, 2 tổ chức quốc tế trên cũng cam kết đồng hành, hỗ trợ Bộ NNPTNT thực hiện đạt kết quả cao nhất theo mục tiêu mà đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đã đề ra.
Theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đã được phê duyệt, có 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia thực hiện (trừ Bến Tre).
Trong giai đoạn 1 (2024 - 2025), các địa phương sẽ tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 ha. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), sẽ mở rộng thêm 820.000 ha.
Mục tiêu của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.
Ngoài ra đề án còn nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.