Một nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ trồng 147 cây đặc sản ra trái bán đắt tiền, mỗi năm "bỏ túi" 700 triệu

Thứ sáu, ngày 15/12/2023 09:07 AM (GMT+7)
Tới năm 2002, sau khi đi học hỏi tại huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), ông Hướng, nông dân xã Long Phước, TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã chuyển đổi hơn 1ha đất sang trồng sầu riêng với 147 cây sầu riêng giống Thái và sầu riêng Ri6. Năm nay, vườn sầu riêng cho thu hoạch trên 17 tấn, mang lại thu nhập hơn 700 triệu đồng.
Bình luận 0

Phát huy tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào thi đua, hoạt động tại địa phương mà còn tích cực tham gia phát triển kinh tế. 

Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả trở thành gương sáng cho con cái, cộng đồng học tập, noi theo.

Một nông dân chỉ trồng 147 cây đặc sản ra trái bán đắt tiền, mỗi năm "bỏ túi" 700 triệu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Ngôn (Bìa trái, ngụ tại ấp An Hòa, xã An Nhứt, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trò chuyện cùng ban đại diện hội NCT trên địa bàn.

Gương mẫu trong phát triển kinh tế

Dù đã ở tuổi được nghỉ ngơi, nhưng ông Nguyễn Văn Hướng (70 tuổi, ấp Bắc, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) vẫn miệt mài lao động. 

Hơn 10 năm nay, vườn sầu riêng 1ha đã mang lại cho gia đình ông Hướng nguồn thu nhập ổn định. Trước đây, ông Hướng trồng cà phê. Năm 2000, ông được đi giao lưu, tham quan mô hình trồng sầu riêng ở Vĩnh Long.

Từ đó, ông mạnh dạn chuyển đổi 1/2 diện tích trồng cà phê sang trồng sầu riêng. Tới năm 2002, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng tại huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích hơn 1ha đất sang trồng sầu riêng với 147 cây sầu riêng giống Thái và sầu riêng Ri6. 

Năm nay, vườn sầu riêng cho thu hoạch trên 17 tấn trái, mang lại thu nhập cho gia đình trên 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hướng chia sẻ: “Công việc của người làm nghề nông cần có sự yêu nghề, chịu khó lao động. Muốn sầu riêng đạt năng suất cao, bên cạnh việc sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, cây sầu riêng cần tăng cường phân hữu cơ, giữ ẩm gốc cây bằng cỏ”.

Cùng ấp với ông Hướng là ông Trần Văn Ban, tuy đã ở tuổi thất thập nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và năng động trong phát triển kinh tế gia đình. 

Với diện tích đất của gia đình rộng 1,5ha, ông Ban trồng 1.500 gốc đu đủ và nuôi thêm 300 con gà thả vườn. Ngoài ra, ông Ban còn trồng thêm lúa. Với mô hình này đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông.

Cũng là một điển hình trong phát triển kinh tế, ông Nguyễn Hữu Ngôn (72 tuổi, ấp An Hòa, xã An Nhứt, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Với bản chất hay lam hay làm, hơn 50 năm nay ông kiên trì bám trụ với cây lúa. 

Một nông dân chỉ trồng 147 cây đặc sản ra trái bán đắt tiền, mỗi năm "bỏ túi" 700 triệu - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hướng (ấp Bắc, xã Long Phước, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chăm sóc vườn sầu riêng. Vườn sầu riêng của gia đình ông Hướng có 147 cây đang cho trái, mang lại thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm.

Làm gương cho con cháu noi theo

Với tổng diện tích 5ha đất, hàng năm gia đình ông Ngôn canh tác 3 vụ lúa. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lời hơn 200 triệu đồng.

Ông Ngôn tâm sự: “Tuy tuổi đã cao nhưng tôi nghĩ mình còn sức khoẻ và kinh nghiệm tích luỹ trong quá trình sản xuất nông nghiệp, có thể làm được gì có ích cho gia đình và xã hội thì nên làm. 

Hơn nữa, tham gia lao động cũng là một cách để rèn luyện sức khoẻ và làm gương cho con cháu noi theo nên tôi còn tham gia phát triển kinh tế”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.647 tổ hội, 104.218 hội viên NCT. Có 220 CLB các loại nhưng CLB giúp nhau phát triển làm kinh tế giỏi luôn dẫn đầu. Phong trào NCT làm kinh tế giỏi đã và đang phát triển sâu rộng trên địa bàn.

Để phát huy vai trò “Tuổi cao gương sáng” những năm qua, hội NCT các cấp đã triển khai, phát động sâu rộng phong trào NCT thi đua làm kinh tế giỏi đến cán bộ, hội viên. 

Đồng thời, tranh thủ sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các cấp ngành trong việc định hướng và hỗ trợ hội viên; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về phát triển kinh tế. 

Qua thực hiện phong trào đã có nhiều hội viên NCT phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, phát triển các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ.

Ông Lương Trí Tiên, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, toàn tỉnh có 20.929 người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất, 758 người làm chủ trang trại, DN, 1.455 người làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương.

Gắn phong trào người cao tuổi thi đua làm kinh tế giỏi với công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh, đã và đang khẳng định được vai trò, vị trí và uy tín người cao tuổi trong cộng đồng, là những tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.

Thùy Hương (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem