Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ như thế tại Hội thảo khoa học Mô hình phát triển của Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước do Tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức, ngày 13/12.
Sau hơn 25 năm, Bình Dương đã đạt được những thành tựu phát triển toàn diện và nổi bật, vươn lên trở thành một trong những tỉnh năng động, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Trưởng Tiểu ban Kinh tế Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Bình Dương đã chuyển đổi căn bản đời sống xã hội nông nghiệp - nông thôn sang xã hội công nghiệp - đô thị.
Tuy nhiên, mô hình phát triển của Bình Dương vẫn chưa bền vững. Tăng trưởng của Bình Dương không dựa nhiều vào năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) mà chủ yếu dựa vào tăng vốn và lao động.
Trong giai đoạn 2013 - 2020, TFP đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng kinh tế của Bình Dương, thấp hơn so với con số 35% của TP.HCM, và hơn 40% của trung bình cả nước.
Như vậy, 70% tăng trưởng của Bình Dương đóng góp bởi vốn và lao động. Trên thực tế, cả hai nguồn lực này đều đến từ bên ngoài Bình Dương. Về dài hạn, tính bền vững của cả hai nguồn này đều không được đảm bảo vững chắc.
Thêm nữa, cơ cấu kinh tế Bình Dương chưa hợp lý, ngành dịch vụ còn chưa phát triển; tăng trưởng kinh tế phụ thuộc FDI. Lao động ở Bình Dương chủ yếu là phổ thông, nhập cư, không ổn định; sản xuất chủ yếu là gia công, lắp ráp, chế biến; hạ tầng còn chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ cấu xã hội còn lạc hậu.
Vì thế, mô hình phát triển của Bình Dương cần tiếp tục kiên định đổi mới mô hình phát triển theo hướng thu hút các nhà đầu tư chiến lược; xây dựng các chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm.
"Đồng thời, Bình Dương cần thực hiện đồng bộ các trọng tâm và đột phá về thể chế, về hạ tầng, về nhân lực, về khoa học công nghệ và về đất đai để tối ưu hóa quá trình phát triển và nguồn lực của tỉnh Bình Dương", GS.TS Nguyễn Quang Thuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, mô hình phát triển của Bình Dương là sự kết hợp thành công giữa khả năng khai thác, chắt chiu những lợi thế hiếm hoi, hoán chuyển được bất lợi thế thành lợi thế với một chiến lược phát triển đúng đắn để bứt phá, vươn lên.
Trong những yếu tố làm nên sự thành công trong mô hình phát triển của Bình Dương như đột phá trong tư duy phát triển, đồng bộ trong quy hoạch phát triển còn phải kể đến việc cải cách thể chế và hành chính.
Việc cải cách thể chế và hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư đã giúp Bình Dương gạt bỏ những rào cản, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng.
Kinh nghiệm thực tế của Bình Dương đã cho thấy vai trò to lớn của các nhà đầu tư chiến lược. Đó là Becamex IDC, mô hình công ty phát triển rất thành công, đóng vai trò quan trọng định hình tiến trình phát triển của Bình Dương trong hơn một phần tư thế kỷ qua. Theo ông Thắng, đến nay chưa có tập đoàn kinh tế nào làm được như thế ở những địa phương khác trong cả nước.
Đó còn là VSIP, mô hình doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đầu tiên hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Singapore, trở thành hình mẫu về phát triển KCN xanh gắn liền với định hướng tạo lập hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao.
Tuy nhiên, ông Thắng cho biết, Bình Dương cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Nổi bật trông số đó là Bình Dương phải vượt qua được tâm lý bằng lòng với thành công đã đạt được. Bình Dương phải vượt qua được bẫy năng suất và bẫy thu nhập trung bình trong giai đoạn hậu phát triển công nghiệp.
"Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm lớn hơn trước bội lần. Bởi vì, việc hái quả ngọt trên cành cao sẽ khó khăn hơn rất nhiều ở dưới thấp; chưa kể bối cảnh phát triển của thế giới, khu vực và trong nước đang đứng trước nhiều thách thức", ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị.