UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua tỉnh Bình Định, chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định khẳng định, Chương trình xây dựng NTM là cuộc cách mạng thực sự, trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ 20, Tỉnh uỷ đã ban hành 7 chương trình hành động. Trong đó, có chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng NTM cho cả nhiệm kỳ.
UBND tỉnh Bình Định cũng ban hành kế hoạch thực hiện NTM, Huyện uỷ, Thành uỷ đến UBND cấp huyện, xã… đều có hướng dẫn thực hiện chi tiết và vào cuộc rất quyết liệt.
Ngoài ra, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, là sự đồng lòng, lan toả trong dân.
Có rất nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, quan trọng nhất là nguồn lực trong dân, đây là nguồn lực phong phú, góp công sức, của cải, hiến đất, huy động tuyên truyền người khác làm theo.
Điều này, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn; đặc biệt đời sống nhân dân được nâng cao lên. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng.
Môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được ổn định, tình làng nghĩa xóm được phát huy….
Đây là những thành tựu mà tỉnh Bình Định đã được trong 13 năm qua xây dựng NTM.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho rằng, qua theo dõi, vẫn còn những mặt tồn tại, cần phải có biện pháp khắc phục.
Một số cấp ủy, chính quyền vào cuộc chưa quyết liệt, chưa tạo được khí thế, động lực thực sự để người dân đồng tình ủng hộ.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh lý giải, hàng năm, tỉnh đều yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp, bố trí nguồn lực cụ thể.
"Tuy nhiên, có địa phương thay đổi liên tục, đăng ký rồi nhưng triển khai thực hiện giữa chừng thì đứt hơi, nên có xã 2-3 năm đăng ký xây dựng nông thôn mới nhưng không đạt, đây là biểu hiện trong chỉ đạo điều hành không tập trung, không quyết liệt. "Giữa dòng thay bò", đầu năm đăng ký xã này, giữa năm thấy không đạt lại xin rút đầu tư xã khác", ông Thanh nói.
"Đi sâu, đi sát" vào thực tế, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định đánh giá, hiện nay các địa phương còn thiên về đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ bản.
Nhưng cái cốt lõi nhất trong xây dựng nông thôn mới là phải tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, đời sống văn hóa, tình làng nghĩa xóm, môi trường, xây dựng củng cố tổ chức… thì lại "bỏ ngỏ".
"Trong khi đó, những cái này là tiêu chí cứng, có tiền cũng không làm được, nếu chúng ta không tập trung. Đây là câu chuyện mà nhiều địa phương ít quan tâm", ông Thanh chỉ rõ.
Vẫn theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, công tác tuyên truyền, nhiều địa phương làm rất tốt, nhân dân sẵn sàng hiến đất, thậm chí huy động cả nhân công.
Tuy nhiên, thực tế có địa phương đụng đâu thì dân kiện đó. Việc này, chứng tỏ câu chuyện tuyên truyền vận động của nơi này không tốt, chưa tạo đồng thuận cao từ người dân.
"Nhiều xã, huyện vác cặp vào TP.HCM, thậm chí vô tỉnh xin danh sách con em làm ăn xa quê để kêu gọi vận động nguồn lực xây dựng NTM. Nhưng cũng có huyện còn rất bàng quang, thờ ơ, coi như chuyện này của Trung ương, của tỉnh, nếu rót tiền về thì làm không thì thôi, như vậy là không được", ông Thanh khẳng định.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định thẳng thắn nhìn nhận, việc duy trì các tiêu chí NTM ở một số địa phương, còn có biểu hiện "bệnh thành tích". Khi đoàn thanh kiểm tra về thì cố làm cho được, làm cho xong, đến khi công nhận NTM rồi thì buông.
"Điển hình nhất là môi trường, NTM gì mà rác nhiều thì làm sao chấp nhận được. Trước khi đoàn kiểm tra về thì sạch lắm, cờ rợp trời nhưng xong rồi thì một số xã không duy trì. Đây là trách nhiệm các xã, cần ra quy chế NTM để thực hiện", ông Thanh nói.
Để thực hiện các chương trình trên đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chỉ đạo quyết liệt hơn nữa.
Các địa phương đăng ký xây dựng nông thôn mới phải xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với từng lộ trình, tiến trình để triển khai, kèm theo việc cân đối, bố trí nguồn lực. Nếu không có kế hoạch cụ thể thì không thể làm được.
Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân thấy được mục đích, ý nghĩa và giá trị đem lại của công cuộc xây dựng nông thôn mới, để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.
"Huy động các nguồn lực để đầu tư tiêu chí chưa đủ, hoàn thiện hạ tầng, tạo được sinh kế, công ăn việc làm, mô hình sản xuất hiệu quả nâng cao thu nhập trong dân.
Duy trì và nâng cao các tiêu chi của các xã NTM đã được, cái nào chưa hoàn thiện phải tiếp tục đầu tư", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo.
Tổng vốn ngân sách các cấp bố trí trực tiếp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2023 tại Bình Định là hơn 1.654 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 320 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 146 tỷ đồng, ngân sách huyện, thị xã, thành phố hơn 1.187 tỷ đồng. Ngoài ra, giai đoạn này, vốn huy động các nguồn lực khác thực hiện chương trình là trên 38.482 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 111 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó có 85 xã đạt chuẩn NTM, 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chưa có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 5 đơn vị cấp huyện (TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM.