Trồng cây kiểng hình thù kỳ dị, trồng hoa đẹp phát hờn, nông dân TP HCM ít đất vẫn giàu lên
Trồng hoa, cây kiểng, cho dù đô thị hóa chả cưỡng lại được, nông dân TP HCM ít đất vẫn làm ra tiền
Trần Đáng
Thứ tư, ngày 13/12/2023 19:35 PM (GMT+7)
Ngành nông nghiệp TP.HCM đang tăng cường khuyến khích nông dân chuyển sang trồng hoa, cây kiểng theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện nay một số ngành nghề nông thôn tại TP.HCM đang dần thu hẹp từ diện tích cho đến số lượng ngành nghề. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho những ngành nghề nông thôn mới phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị có điều kiện phát triển.
Trồng hoa, cây kiểng cho giá trị kinh tế cao
Năm 2013, ông Lê Thành Tâm (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) được Hội Nông dân xã vận động nên đã mạnh dạn vay 150 triệu đồng theo Quyết định 13 của UBND TP.HCM. Có vốn, ông Tâm thuê 3.000m2 đất để trồng cây kiểng. Tích cóp đồng lời từ trồng và kinh doanh cây kiểng, ông Tâm thuê thêm đất sản xuất. Đến nay, diện tích trồng cây kiểng của ông đã lên gần 10.000m2.
Sau bao năm miệt mài nỗ lực làm ăn, đến nay ông Tâm đang sở hữu vườn kiểng độc nhất vô nhị tại TP.HCM. Vườn kiểng của Tâm đã được nhiều người biết đến, không chỉ người dân địa phương mà còn nhiều tỉnh, thành khác. Hiện vườn trồng cây kiểng của ông Tâm có hơn 130 loại giống kiểng, được nhập từ nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu là Thái Lan và Đài Loan. Trong đó, nhiều loại cây độc đáo, như thần tài lá lớn, trầu bà lá to, cây môn, kim ngân, osaka, cau tiểu trâm, cây đại gia… Cây kiểng của ông Tâm cung cấp cho các các resort, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp, nhà hàng… Nhờ nghề trồng cây kiểng, thu nhập bình quân của ông Tâm sau khi trừ chi phí đạt 30 - 40 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Tâm còn tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương; thu nhập bình quân mỗi người 4 triệu đồng/tháng trở lên tùy theo tay nghề.
Được biết, ngành nghề trồng hoa, cây kiểng tại TP.HCM có hơn 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh trong đó có khoản 2.000 lao động tham gia thường xuyên. Không chỉ trường hợp ông Tâm, rất nhiều hộ nông dân ở thành phố đã vươn lên khá giả, làm giàu từ nghề trồng hoa, cây kiểng
Hoa, cây kiểng là cây trồng chủ lực
Hoa, cây kiểng được TP.HCM xác định là 1 trong 6 loại cây, con chủ lực để tập trung phát triển, gồm: Rau, hoa cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ. Ngoài ra, thành phố còn phát triển thêm cá cảnh, cây dược liệu, tôm càng xanh, thuỷ đặc sản.
Hoa, cây kiểng đang là loại cây trồng đem lại kinh tế cao cho nông dân TP.HCM. Được biết, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha hoa, kiểng năm 2020 đạt khoảng 820 triệu đồng. Tương ứng ngành hoa, kiểng tạo giá trị sản phẩm trên 2.510 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 11,06% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (22.692 tỷ đồng).
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, dự kiến đến hết năm 2023, diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng ở thành phố đạt 2.335ha, tăng 0,4% so cùng kỳ. Trong đó, hoa lan có 305ha, hoa nền 620ha, cây kiểng - bonsai 600ha và hoa mai 810ha.
Ngành nông nghiệp thành phố đang duy trì bộ sưu tập hoa, kiểng lá, gồm: 398 giống hoa lan, 176 giống kiểng lá, 44 giống hoa hồng và 137 giống hoa nền. Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2024 của Sở NNPTNT đặt mục tiêu đưa diện tích diện tích canh tác, gieo trồng hoa, kiểng ứng dụng công nghệ cao đạt 200ha; nhân giống thành công 400 - 800 chậu hoa, kiểng lá mới sưu tập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.