Thời kỳ của ông được đánh dấu bởi sự hưng thịnh của vương triều phong kiến nhà Hậu Lê. Đại Việt Sử ký toàn thư chép rằng: “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được”.
Mười năm đầu lên ngôi vua, Lê Thánh Tông thể hiện sức mạnh của bậc thiên tử, dùng “pháp trị” cứng rắn để ổn định lại vương triều nên đặt niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469).
Đây là thời kỳ xây dựng lại thể chế, ổn định tình hình chính trị, kiến thiết đất nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau bởi trước đó hơn 20 năm dưới thời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Thiên Hưng đã đánh mất lòng tin với nhân dân do tin dùng nịnh thần, những cuộc thanh trừng dòng tộc, tranh giành quyền lực ngôi báu, giết hại nhiều cựu thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Sát, Lê Khắc Phục…, đặc biệt thảm án của khai quốc công thần Nguyễn Trãi và dòng họ trong vụ án Lệ Chi Viên.
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đổi niên hiệu Hồng Đức bắt đầu dùng “đức trị” trên cơ sở luật pháp ban sẵn, đưa đất nước Đại Việt vào giai đoạn mới với những cải cách lớn ở nhiều lĩnh vực quân sự, kinh tế, giáo dục, ngoại giao…
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chụp ảnh lưu niệm ở tượng đài vua Lê Thánh Tông ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Nguyễn Văn Hùng (Trường THPT Hồng Đức).
Thời Hồng Đức là đỉnh cao của vương triều Hậu Lê, giai đoạn mà hậu thế hết sức ca ngợi “Khuôn vàng thước ngọc của một vương triều”. Luật pháp và giáo dục - khoa cử được triều đình quan tâm đặc biệt. Năm 1483 ban hành Quốc triều Hình luật gọi là Luật Hồng Đức, bộ luật gồm 6 quyển, 722 điều cho tất cả các lĩnh vực và được áp dụng đến cuối thế kỷ 18.
Tính nghiêm minh bắt đầu từ những người cầm cân nảy mực cho xã hội đó là quan lại, chẳng hạn (Chương Vi chế: Quy định về hình phạt cho các hành vi sai trái của quan lại, các tội về chức vụ) tham ô 1 quan tiền là bị thu áo mũ cách chức, từ 20 quan tiền là bị tử hình.
Việc trọng dụng hiền tài khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng thân tộc, nịnh bợ không còn đất dụng võ, nạn tham quan ô lại bị đẩy lùi và dẹp bỏ.
Những quan thanh liêm, thực sự phục vụ cho dân đều được trọng dụng công bằng, những người từng bị hàm oan trước đây được minh oan.
Trong giáo dục, năm 1484 Lê Thánh Tông cho sửa sang, mở rộng Văn Miếu Quốc tử giám, tổ chức 11 kỳ thi tuyển chọn 470 vị tiến sĩ bổ sung hệ thống quan lại khắp các địa phương để cùng xây dựng đất nước Đại Việt hùng cường.
Lịch Triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú nhận xét: “Khoa cử các đời mạnh nhất là Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, trong nước không để sót nhân tài, triều đình không dùng lầm người kém”.
Dưới thời của vua Lê Thánh Tông, những bậc nhân tài thông qua khoa cử làm rạng danh cho sơn hà xã tắc có thể kể đến như: Lương Thế Vinh, Vũ Kiệt, Vũ Tuấn Chiêu, Phạm Đôn Lễ, Thân Nhân Trung…
Vua đã cho đúc bia tiến sĩ và giao cho Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc tử giám Thân Nhân Trung soạn bài văn bia ghi danh các tiến sĩ đỗ đạt từ khoa năm 1442 trở đi, bút tích của thánh hiền trên bia đá vẫn trơ gan với tuế nguyệt truyền đời cho hậu thế ở đất Kinh kỳ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”.
Trong Việt Nam sử lược (trang 98) của nhà nghiên cứu lịch sử Trần Trọng Kim nhận xét về vua Lê Thánh Tông: “Thánh Tông là ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, ở với bề tôi đã lấy lòng thành, ngài trị vì 38 năm, sửa sang nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị, mở mang bờ cõi, khiến cho nước Nam ta văn minh thêm ra và lẫy lừng một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy”.