Nói tới Lam Sơn (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là nói tới khu lăng mộ của vua và hoàng hậu nhà Lê sơ cùng các công trình điện miếu thờ có qui mô to lớn.
Trong khu lăng mộ ấy, Vĩnh Lăng của vua Lê Thái Tổ được đặt ở vị trí trung tâm, làm chuẩn "qui chiếu" các lăng mộ khác.
Huyệt mộ ở Giếng Ngọc, khu di tích Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu về Vĩnh Lăng, đã có nhiều ý kiến nêu lên xung quanh vấn đề: nấm mộ hình vuông ở trong lăng có phải là mộ thật hay không, hay đó chỉ là mộ tượng trưng (mộ giả)?
Trong quá trình nghiên cứu tại khu di tích Lam Kinh, vấn đề nêu trên đã được các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tìm ra lời giải đáp.
Năm 1996, trong khi tiến hành khai quật giếng nước (Ngọc Tỉnh), nằm ở ngay sau các toà Thái Miếu Lam Kinh, với mục đích tìm hiểu qui mô, kích thước cũng các vấn đề liên quan, nhằm phục hồi lại di tích giếng cổ.
Trước khi khai quật, đây chỉ là một vũng nước "trâu đằm" bởi dẫu bồi bao nhiêu đất, qua thời gian ngắn lại bị sụt lún thành vũng nước.
Kết quả thật bất ngờ. Từ độ sâu 1,35m đến 1,75m, chúng tôi đã phát hiện nhiều di vật là đồ gốm sứ, sành và đáng chú ý là ngói mũi xếp hàng có niên đại cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.
Đặc biệt là hiện tượng than củi tạo thành vỉa dày cùng những hàng móng được tạo bởi gạch vồ xếp khít không có chất kết dính dần xuất lộ với bình đồ gần hình vuông (kích thước 6,7m x 5,2m).
Qua bình đồ cũng như diễn biến địa tầng cho thấy rõ đây là cấu trúc của ngôi mộ cổ, với huyệt mộ (hình gần vuông), cửa mộ (rộng 0,92m), nhà mồ được tạo tượng trưng với các viên ngói xếp (giả mái), than trải lót dày, ướt và mịn.
Có thể, do yêu cầu giữ bí mật nên ngôi mộ bị gọi chệch đi thành "giếng Ngọc". Cấu trúc của ngôi mộ cho biết đó là ngôi mộ có táng thức Mường cổ.
Vì nhiều lý do khách quan, trong đó có giả thiết cho rằng đây chính là mộ thật của Lê Thái Tổ, nên hố khai quật đã tạm dừng ở độ sâu 2,75m.
- Thứ nhất, khi quan sát thực địa, chúng ta thấy ngôi mộ thật có mối liên hệ hữu cơ với lăng (nằm cách gần 50m), bia và với trục chính của khu điện miếu Lam Kinh.
Ngôi mộ thật nằm trên trục thần đạo, thẳng và ở trước lăng Lê Thái Tổ khoảng 30m, nằm sau bia Vĩnh Lăng khoảng 200m về phía đông bắc.
Có thể thấy đây vị trí là trung tâm, nơi táng huyệt chỉ có thể dành cho vị vua sáng nghiệp nhà Lê - Lê Thái Tổ. Lăng mộ Lê Thái Tổ được xây dựng trước khu điện miếu nên đã qui định hướng cho toàn bộ khu điện miếu như hiện nay.
Khai quật Giếng Ngọc, khu di tích Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
- Thứ hai, huyệt mộ đồ sộ, có qui mô, các đồ tuỳ táng đầu là đồ cao cấp (gốm văn in, mỏng trang trí hình rồng nổi) không thể là dành cho bậc quan lại.
Ngay cả đến các ngôi mộ "lang cun Mường" được phong (các tước hầu, vệ cẩm y) cũng không thấy huyệt được tạo bởi những hàng gạch vồ, xử lý công phu, bình đồ lớn như vây.
- Thứ ba, các điều kiện địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn, xác định vùng đất Lam Kinh là không gian Mường hay Việt Mường cổ.
Trước đây, đã có nhiều ý kiến khi tìm hiểu đã cho rằng Lê Lợi vốn gốc là người Mường vì quê ông là "nội Cham, ngoại Chủa".
Vùng quê nội và ngoại của Lê Thái Tổ hiện nay, mặc dù đã có nhiều thay đổi về mặt cư trú tộc người vẫn có thể nhận thấy chất Mường còn hiển hiện.
Lê Thái Tổ là vị vua đầu triều Lê, thời gian trị vì ngắn, đến khi mất, trong ông gốc rễ Mường hẳn còn chưa phai nhạt.
Chính vì vậy khi an táng tại Lam Sơn, lăng vẫn được xây, bia vẫn được dựng đúng với tầm vóc của vị đế vương khai triều, song, táng thức lại vẫn thể hiện rất đậm yếu tố của người Mường, qua cấu trúc mộ được phát hiện tại giếng Ngọc.
Và trong quá trình tồn tại, để giữ an toàn, ngôi mộ được gọi "thác" là giếng Ngọc.